Một mặt hàng liên tục đạt kỷ lục, đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu; Việt Nam vẫn vắng bóng trong top các nước xuất khẩu thực phẩm Halal… là những tin nổi bật trong bản tin xuất khẩu ngày 11-13/8.
Thanh long là một trong những loại rau quả đang mang lại giá trị xuất khẩu cao cho Việt Nam. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Một mặt hàng liên tục đạt kỷ lục, đứng thứ 3 về kim ngạch xuất khẩu
Xuất khẩu rau quả hiện đứng sau gỗ, sản phẩm gỗ và thủy sản trong nhóm nông lâm thuỷ sản; đứng thứ 8/45 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của cả nước.
Đáng chú ý, những tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu 2 mặt hàng “át chủ bài” của ngành nông nghiệp là thủy sản, gỗ giảm mạnh, thì xuất khẩu nhóm hàng rau quả đã liên tục lập những kỷ lục mới. Thêm nhiều loại trái cây Việt đã được “xuất ngoại”.
Con số xuất khẩu rau quả tính đến nửa đầu tháng 7 đã gần vượt giá trị xuất khẩu rau quả khoảng 3,16 tỉ USD của cả năm 2022. Trong đó, sầu riêng, xoài, thanh long, chuối là những sản phẩm đóng góp kim ngạch lớn nhất.
Nếu những tháng còn lại của năm, xuất khẩu rau quả duy trì mức kim ngạch bình quân đã đạt được trong 7 tháng qua, thì kỳ vọng cả năm 2023 sẽ đạt gần 5,4 tỷ USD, tăng 59,2% (2 tỷ USD) so với năm 2022.
Con số này rất có khả năng bởi tiềm năng thị trường xuất khẩu rau quả đang rộng mở, nhất là các thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Trong những tháng đầu năm, rau quả Việt Nam đã có mặt ở 27 thị trường chủ yếu, có 15 thị trường đạt trên 10 triệu USD, đặc biệt có 3 thị trường đạt trên 100 triệu USD (Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc).
Bên cạnh đó, mới đây, Cục Kiểm dịch Động thực vật (APHIS) Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa gửi thư tới Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã thông tin về việc Mỹ mở cửa thị trường với quả dừa (bỏ xơ) của Việt Nam. Kết quả cho thấy, quả dừa sọ Việt Nam đáp ứng yêu cầu của phía Mỹ về sản phẩm chế biến và có rủi ro lây lan dịch hại thực vật không đáng kể. Do đó, Các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, cơ hội xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc – một trong những thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam rất rộng mở khi thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu cho các loại nông sản. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc “bùng nổ” với kim ngạch lên tới 1,5 tỉ USD.
Xuất khẩu chuối cũng rất khả quan. Nhờ nghị định thư ký kết với Trung Quốc vào tháng 11/2022, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chuối có thể tăng thêm hàng trăm triệu USD trong năm nay. Bên cạnh đó, nếu tính cả nhu cầu tăng nhập chuối từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… thì năm 2023, xuất khẩu chuối có thể mang về doanh thu 700-800 triệu USD.
Từ nay đến cuối năm, dự báo, trong quý III và IV sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, nhãn, sầu riêng, mít, bơ… Như vậy có thể thấy nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, do đầu ra tốt hơn, nên thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện nay, diện tích cây ăn quả trên cả nước đạt trên 650.000 ha; nhiều loại rau quả đang được trồng mới, chế biến, xuất khẩu có quy mô khá lớn như sầu riêng, vải, dứa…
Để xuất khẩu rau quả có thêm nhiều thuận lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đẩy mạnh cấp mã vùng trồng và cơ sở đóng gói cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khuyến khích các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh chuyển đổi mạnh tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn…
Các chuyên gia cung khuyến cáo, bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt các mã số đó để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu.
Thương vụ Việt Nam tại Đức cảnh báo doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU
Trước bối cảnh một số vụ lừa đảo thương mại xảy ra gần đây, mới đây, đại diện Thương vụ đại sứ quán Việt Nam tại Đức cho biết, những vụ lừa đảo gần đây đều bắt nguồn từ nguyên nhân chính là do chưa tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác; thường không trực tiếp gặp mà chỉ giao dịch qua thư điện tử, điện thoại…
Cơ quan này đưa ra một số lưu ý cho doanh nghiệp trong hợp tác thương mại, ví dụ như khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường châu Âu nói chung và Đức nói riêng, cần kiểm tra tư cách pháp nhân và tình trạng tín dụng, khả năng giao hàng và uy tín của đối tác nước ngoài trước khi giao dịch ký kết hợp đồng; thông qua các bạn hàng khác, công ty dịch vụ hay cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài để tiến hành thẩm tra thêm về đối tác.
Các doanh nghiệp hạn chế sử dụng các hình thức thanh toán tồn tại nhiều rủi ro như chuyển tiền bằng điện (TTR), nhờ thu (D/A, D/P), hạn chế hoặc không ứng trước tiền hàng với giá trị lớn. Bên cạnh đó là cảnh giác, thận trọng khi giao dịch điện tử trên mạng, khi có những dấu hiệu đối tác thay đổi thư điện tử, người hưởng lợi…
Doanh nghiệp cũng cần có những quy định đầy đủ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình trong hợp đồng, đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp. Đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp lưu ý tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế, xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cần lưu ý và nắm vững các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật của đối tác đối với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt các quy định liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và những quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Một số vụ lừa đảo trong giao thương gần đây như vụ hạt điều ở Italy, vụ hồi quế, hạt điều xuất sang Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), vụ nhập khẩu hàng hóa từ Mexico về Việt Nam…
Việt Nam vẫn vắng bóng trong top các nước xuất khẩu thực phẩm Halal
Mặc dù có năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới nhưng Việt Nam chưa có tên trong danh sách 20 – 30 nước cung cấp thực phẩm Halal tiêu biểu của toàn cầu, cho thấy cần tăng tốc nắm bắt cơ hội, khai mở thị trường tiềm năng này.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam” ngày 14/8 tại Hà Nội.
TS. Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal đang ngày càng tăng trưởng về quy mô trên thị trường thế giới. Các nhà cung cấp thực phẩm Halal chủ yếu là các nước phi Hồi giáo, tiêu biểu như Brazil, Ấn Độ, Australia, Pháp, New Zealand, Hungary.
Tính nhân văn của Halal tác động đến đông đảo người dân trên thế giới, khiến thị trường Halal đang ngày càng mở rộng đến cả các nước không phải Hồi giáo. Quy mô thị trường Halal tăng trưởng nhanh, dự kiến đạt 3.200 tỷ USD năm 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 6,2.%. GDP bình quân đầu người Hồi giáo ước tăng 4,2% đến năm 2024. Ngoài các tín đồ Hồi giáo, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến thực phẩm Halal bởi đặc tính chất lượng cao, được sản xuất trong một hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt.
Cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng Halal thế giới có thể nhìn thấy ở vị trí địa lý gần các nước Hồi giáo, có tiềm năng về các sản phẩm xuất khẩu. (Nguồn: VNE) |
“Riêng ngành thực phẩm Halal không chỉ về sản xuất, chế biến mà còn liên quan đến nguyên liệu, dịch vụ hậu cần. Do vậy, phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm”, TS. Lê Phước Minh phân tích.
Làm rõ hơn về cơ hội của Việt Nam trong ngành thực phẩm Halal, TS. Đinh Công Hoàng, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho rằng trong top 20 – 30 nước xuất khẩu sản phẩm Halal hàng đầu thế giới đang vắng bóng các doanh nghiệp Việt.
“Trong khi Việt Nam có thế mạnh về các sản phẩm nông lâm thủy sản, năng lực xuất khẩu và thương hiệu ở top 20 thế giới. Đây là một điểm rất đáng tiếc khi Việt Nam đang bỏ ngỏ thị trường rộng lớn đầy tiềm năng này”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Theo TS. Đinh Công Hoàng, cơ hội để Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng Halal thế giới có thể nhìn thấy ở vị trí địa lý gần các nước Hồi giáo, có tiềm năng về các sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam có các FTA thế hệ mới, chất lượng cao với các thị trường khắt khe (EU, Mỹ, Nhật…) là nền tảng để tiếp cận thị trường Halal.
Hiện nay, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, doanh nghiệp để được cấp chứng nhận còn cần đầu tư nhiều chi phí.
Nhận định những khó khăn đó, ông Hoàng đề xuất nghiên cứu ký kết các FTA giữa Việt Nam và thị trường Halal, cụ thể là CEPT với UAE. Thành lập cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam và triển khai cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp
Ông Hoàng cho rằng, cần thiết lập hệ sinh thái Halal, thu hút các doanh nghiệp FDI và đầu tư Halal trong nước, thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, du lịch, may mặc, giày dép. Cùng với đó là thúc đẩy chuyển đổi số và thương mại điện tử để xuất khẩu sang thị trường Halal.