Để hiện thực hóa sáng kiến “phát triển cho tất cả” và “Ấn Độ phát triển”, trong tài khóa tới, Ấn Độ tập trung vào 4 động lực gồm nông nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); đầu tư và xuất khẩu.
Kinh tế Ấn Độ được dự đoán sẽ sớm có thứ hạng cao mới trong Bảng xếp hạng các nền kinh tế lớn nhất thế giới. |
Ngày 1/2, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã trình bày trước Hạ viện bản Ngân sách Liên bang cho năm tài chính 2025-2026. Đây là ngân sách thứ 8 do bà trình lên và là ngân sách đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ 3 của chính phủ do Thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo.
Ngân sách này tiếp tục các nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo phát triển toàn diện, tiếp thêm sinh lực cho đầu tư của khu vực tư nhân, nâng cao tâm lý hộ gia đình và thúc đẩy sức chi tiêu của tầng lớp trung lưu đang gia tăng ở Ấn Độ.
Nông nghiệp sẽ là động lực phát triển đầu tiên.
Ấn Độ hướng tới mục đích nâng cao năng suất nông nghiệp, áp dụng đa dạng hóa cây trồng và thực hành nông nghiệp bền vững, tăng cường bảo quản sau thu hoạch, cải thiện các công trình thủy lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sẵn có nguồn tín dụng dài hạn và ngắn hạn. Chương trình này có khả năng giúp đỡ 17 triệu nông dân.
Ấn Độ sẽ thực hiện chương trình “Thịnh vượng và khả năng phục hồi ở nông thôn” nhằm giải quyết tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn.
Sứ mệnh quốc gia về hạt giống năng suất cao sẽ được triển khai nhằm mục đích củng cố hệ sinh thái nghiên cứu, phát triển và nhân giống có mục tiêu với năng suất cao, khả năng kháng sâu bệnh và khả năng phục hồi khí hậu cũng như tính sẵn có trên thị trường. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai Thẻ tín dụng Kisan (KCC) tạo điều kiện cho các khoản vay ngắn hạn cho 77 triệu nông dân, ngư dân và nông dân chăn nuôi bò sữa.
MSME - định vị Ấn Độ là trung tâm sản xuất toàn cầu
Việc hơn 10 triệu MSME đã đăng ký hoạt động, sử dụng 75 triệu nhân sự và tạo ra 36% hoạt động sản xuất trong nước, định vị Ấn Độ là trung tâm sản xuất toàn cầu. Với các sản phẩm chất lượng của mình, các MSME chịu trách nhiệm cho 45% xuất khẩu của Ấn Độ.
Để giúp các MSME đạt được hiệu quả cao hơn về quy mô, nâng cấp công nghệ và tiếp cận vốn tốt hơn, Ấn Độ sẽ nâng giới hạn đầu tư và doanh thu để phân loại tất cả các MSME lên lần lượt là 2,5 và 2 lần. Điều này sẽ mang lại cho họ sự tự tin để phát triển và tạo việc làm cho thanh niên.
Một kế hoạch mới sẽ được triển khai cho 500.000 phụ nữ. Theo đó, Ấn Độ sẽ cung cấp các khoản vay có kỳ hạn lên tới 231.000 USD trong 5 năm tới. Chính phủ sẽ thành lập Ủy ban sản xuất quốc gia bao gồm các ngành công nghiệp nhỏ, vừa và lớn để thúc đẩy hơn nữa “Sản xuất tại Ấn Độ” bằng cách cung cấp hỗ trợ chính sách, lộ trình thực hiện, khuôn khổ quản lý và giám sát cho các bộ trung ương và bang.
Đầu tư
Đầu tư bao gồm: đầu tư vào con người, đầu tư vào nền kinh tế và đầu tư vào đổi mới.
Trong đầu tư vào con người, Ấn Độ sẽ tiếp tục triển khai các chương trình nhằm tăng cường cung cấp hỗ trợ dinh dưỡng cho hơn 80 triệu trẻ em, 10 triệu phụ nữ mang thai và các bà mẹ đang cho con bú trên khắp đất nước và khoảng 2 triệu bé gái vị thành niên ở các huyện và khu vực Đông Bắc. Bên cạnh đó, Ấn Độ sẽ tăng cường hỗ trợ giáo dục phổ thông, giáo dục chuyên ngành như y tế, công nghệ, trí tuệ nhân tạo (AI)…
Đầu tư vào nền kinh tế - một khoản chi trị giá 17,3 tỷ USD được đề xuất cho các khoản vay không lãi suất trong 50 năm dành cho các bang để làm vốn và khuyến khích cải cách.
Chính phủ sẽ thành lập Quỹ thử thách đô thị trị giá khoảng 1,6 tỷ USD để thực hiện các đề xuất về “Thành phố là trung tâm tăng trưởng”, “Tái phát triển sáng tạo của các thành phố” và “Nước và vệ sinh”, vốn được công bố trong Ngân sách tháng 7/2024.
Về thuế, người dân có thu nhập đến khoảng 14.000 USD/năm sẽ không phải nộp thuế thu nhập, người có mức lương/thu nhập đạt trên 28.000 USD sẽ phải nộp thuế 30%. Giới hạn nộp tờ khai thuế cũng sẽ được tăng từ 2 năm lên 4 năm.
Bộ trưởng Tài chính đã giới thiệu Sứ mệnh năng lượng hạt nhân nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của Ấn Độ sang năng lượng sạch, hướng đến mục tiêu phát triển ít nhất 100 GW điện hạt nhân vào năm 2047. Để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, các sửa đổi đối với Đạo luật Năng lượng Nguyên tử và Đạo luật Trách nhiệm Dân sự đối với Thiệt hại Hạt nhân sẽ được thực hiện.
Hơn nữa, một sáng kiến nghiên cứu và phát triển dành riêng cho Lò phản ứng Mô-đun nhỏ (SMR) trị giá 2,31 tỷ USD sẽ được triển khai, với mục tiêu đưa ít nhất 5 SMR do bản địa phát triển vào hoạt động từ năm 2033.
Để cung cấp tài chính dài hạn cho ngành hàng hải, Quỹ phát triển hàng hải với tổng trị giá khoảng 2,9 tỷ USD sẽ được thành lập.
50 địa điểm du lịch hàng đầu trong nước sẽ được phát triển với sự hợp tác của các bang. Tiếp tục nhấn mạnh vào các địa điểm có ý nghĩa tâm linh và tôn giáo trong Ngân sách tháng 7, sẽ có sự tập trung đặc biệt vào các điểm đến liên quan đến cuộc đời và thời đại của Đức Phật.
Du lịch Y tế và chữa bệnh ở Ấn Độ sẽ được thúc đẩy với sự hợp tác của khu vực tư nhân cùng với việc xây dựng năng lực và các tiêu chuẩn cấp thị thực dễ dàng hơn.
Đầu tư vào đổi mới - khoảng 2,31 tỷ USD sẽ được phân bổ để thực hiện sáng kiến Nghiên cứu, Phát triển và Đổi mới do khu vực tư nhân thúc đẩy được công bố trong Ngân sách tháng 7. Quỹ Công nghệ sâu cũng sẽ được khám phá để tạo chất xúc tác cho các công ty khởi nghiệp thế hệ tiếp theo như một phần của sáng kiến này.
Ngân hàng gen thứ 2 với 1 triệu dòng gen sẽ được thành lập để đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng trong tương lai. Điều này sẽ cung cấp hỗ trợ bảo tồn cho cả khu vực công và tư nhân đối với nguồn gen.
Sứ mệnh không gian địa lý quốc gia sẽ được bắt đầu để phát triển cơ sở hạ tầng và dữ liệu không gian địa lý cơ bản. Kho lưu trữ kỹ thuật số quốc gia về các hệ thống tri thức Ấn Độ sẽ được thành lập để chia sẻ tri thức.
Xuất khẩu là động lực thứ tư
Sứ mệnh Xúc tiến Xuất khẩu sẽ được thành lập với các mục tiêu cấp ngành và cấp bộ, do các bộ Thương mại, MSME và Tài chính cùng điều hành. Sứ mệnh này sẽ tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận tín dụng xuất khẩu, hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới và hỗ trợ giải quyết các biện pháp phi thuế quan ở thị trường nước ngoài.
Điểm đặc biệt trong tài khóa này đó là việc Chính phủ Ấn Độ công bố sẽ đầu tư kỷ lục cho quốc phòng với khoảng 78,7 tỷ USD, tăng 9,5% so với tài khóa trước. Sự gia tăng này không chỉ phản ánh sự chú trọng của chính phủ vào việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang mà còn nhấn mạnh quyết tâm tăng cường an ninh quốc gia trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị.
Cùng ngày, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chúc mừng Bộ trưởng Sitharaman về bản Ngân sách tài chính 2025 “lấy người dân làm trung tâm” nói trên.
Nguồn: https://baoquocte.vn/kinh-te-an-do-xac-dinh-4-dong-luc-tiep-them-sinh-luc-cho-khu-vuc-tu-nhan-302886.html
Bình luận (0)