Hai bên quyết tâm làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN và ĐMST).
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga, từ ngày 23 đến 28-9, đoàn công tác của Bộ KH-CN Việt Nam do Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt dẫn đầu có chuyến thăm và làm việc tại Liên bang Nga.
Ngày 24-9, đoàn công tác của Bộ KH-CN Việt Nam làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga nhằm trao đổi, thảo luận và thống nhất các biện pháp triển khai các thỏa thuận đạt được trong Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga đã được thông qua nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin vào tháng 6-2024.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga V.I. Falkov khẳng định, Liên bang Nga và Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống. Cùng với việc phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, hợp tác trong lĩnh vực KH-CN và ĐMST ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Bộ trưởng V.I. Falkov nhấn mạnh một số dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa hai nước về giáo dục, KH-CN. Cụ thể gồm: trong bối cảnh kỷ niệm 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, lãnh đạo hai nước đã ký Hiệp định mới về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học, nhằm tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước; Tại Kỳ họp lần thứ 25 Ủy ban liên Chính phủ hai nước vào ngày 11-9-2024, hai bên đều khẳng định tiếp tục củng cố và không ngừng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc. Hai bên cũng thống nhất nhiều biện pháp cụ thể để thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có KH-CN và giáo dục. Cũng tại kỳ họp này, hai bên đã tổ chức Khóa họp lần thứ 5 Ủy ban Hợp tác Nga – Việt trong lĩnh vực giáo dục, KH-CN nhằm tổng kết, đánh giá và rà soát các nội dung hợp tác, xác định phương hướng hợp tác giai đoạn tới…
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ vui mừng khi đến thăm và làm việc với Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga và có dịp được trao đổi trực tiếp với Bộ trưởng V.I. Falkov về những vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực KH-CN và ĐMST.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, cùng với việc phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH-CN và ĐMST ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Tháng 11-2014, Chính phủ hai nước đã ký Hiệp định về đối tác chiến lược trong lĩnh vực giáo dục, KH-CN, đặt dấu mốc quan trọng trong hợp tác về KH-CN giữa hai nước. Đến nay, hai nước đã có những bước tiến đáng kể trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi trong giáo dục, đào tạo, KH-CN và ĐMST.
Tại buổi làm việc, hai bên đã rà soát tình hình 10 năm triển khai thực hiện Hiệp định, trao đổi, thảo luận và thống nhất các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm tăng cường và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước trong lĩnh vực KH-CN và ĐMST.
Với mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH-CN và ĐMST trong thời gian tới, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề xuất một số định hướng và nội dung hợp tác, gồm: định kỳ hằng năm tổ chức các Khóa họp Ủy ban hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga về giáo dục và KH-CN; định kỳ hằng năm tổ chức tuyển chọn các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung; tăng cường hợp tác trong nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là lĩnh vực khoa học biển và lĩnh vực khoa học cơ bản; tăng cường trao đổi, hợp tác và chuyển giao các công nghệ mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của Liên bang Nga như công nghệ vật liệu (vật liệu tiên tiến, bao gồm kim loại, polymer và vật liệu công nghệ cao), năng lượng mới, năng lượng thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano, tự động hóa và chế tạo máy, công nghệ trí tuệ nhân tạo; tăng cường trao đổi đoàn tham gia vào các sự kiện về KH-CN và ĐMST lớn được tổ chức ở 2 nước.
TRẦN BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/viet-nam-va-nga-tang-cuong-hop-tac-ve-giao-duc-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-post760521.html