Việt Nam cần tập trung cải cách nhiều hơn nữa
Trao đổi với Tuổi Trẻ nhân sự kiện WEF Đại Liên 2024, các chuyên gia đều lưu ý tới những vấn đề nổi bật của thời đại, trong đó đáng chú ý là sự vươn lên của những nền kinh tế mới, đặt trong bối cảnh nhiều trở lực với toàn cầu hóa, cạnh tranh địa chính trị gay gắt và trật tự kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi. Cũng từ đó, Việt Nam cần làm gì để thích ứng, hội nhập và khẳng định vị thế.
Ông Andrea Coppola (chuyên gia kinh tế trưởng, tăng trưởng bền vững, tài chính và thể chế của Ngân hàng Thế giới – WB):
Chuyển dịch mô hình để nâng cao giá trị gia tăng
Kinh tế, các vấn đề địa chính trị và công nghệ đã làm thay đổi nhanh chóng luồng thương mại và đầu tư toàn cầu. Thương mại toàn cầu, đặc biệt là hàng hóa, đã giảm tốc so với cách đây một thập niên và chuỗi cung ứng đang có sự thay đổi.
Châu Á đang trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất. Trong đó, Việt Nam đã tận dụng cơ hội để thâm nhập sâu và dần trở thành trung tâm của mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu đến từ Mỹ, Trung Quốc.
Các công nghệ có tính đột phá, trí tuệ nhân tạo (AI) đã tạo cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn nhưng cũng đe dọa đến thị trường lao động, ngành sản xuất, dịch vụ lao động truyền thống.
Thêm nữa là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu rộng đến thương mại toàn cầu, rủi ro cho chuỗi cung ứng, dù chúng ta đang nỗ lực để giảm phát thải. Điều này tạo cơ hội cho những ai nhanh chân trong cuộc đua của nền kinh tế mới và sẽ rủi ro nếu đến sau.
Trong bối cảnh mới, Việt Nam có cơ hội nhiều hơn khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thu hút nhiều đầu tư hơn và nâng cao năng suất.
Song để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần tập trung vào các cải cách ưu tiên. Đó là chất lượng nguồn lao động, dịch chuyển mô hình xuất khẩu sang các mô hình có giá trị gia tăng cao, các ngành dịch vụ; dịch chuyển từ sản xuất, tiêu thụ carbon cao sang cung cấp năng lượng sạch và xuất khẩu xanh; tiếp tục củng cố quan hệ thương mại ở cấp độ khu vực và toàn cầu; củng cố mối liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị, giúp doanh nghiệp nội địa nâng cao công nghệ và năng suất.
Ông Nguyễn Bá Hùng (chuyên gia kinh tế trưởng, cơ quan đại diện thường trú tại Việt Nam của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB):
Cần chính sách minh bạch để thu hút đầu tư
Sáu vấn đề trọng tâm mà WEF Đại Liên 2024 đặt ra lần này đều là những vấn đề lớn của kinh tế thế giới.
Đó là xây dựng nền kinh tế toàn cầu mới; tinh thần kinh doanh trong thời đại AI; các lĩnh vực công nghiệp tiên phong; đầu tư vào con người; kết nối giữa khí hậu thiên nhiên và năng lượng; Trung Quốc và thế giới.
Để tận dụng tốt các lợi thế trong một trật tự kinh tế toàn cầu mới, ngoài mô hình tăng trưởng cũ dựa vào lao động giá rẻ, trình độ thấp và tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, Việt Nam cần cải cách nhiều hơn nữa để chuyển hướng mô hình mới, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng vừa đáp ứng được các mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hài hòa lợi ích cho đại đa số người dân.
Đó là việc tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, hệ thống chính sách minh bạch rõ ràng và được thực thi hiệu quả. Cần thúc đẩy các yếu tố của thị trường lao động, việc làm, phúc lợi xã hội, thị trường vốn (tiền tệ, trái phiếu, cổ phiếu). Cần phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn, đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn, trung và dài hạn.
Đối với việc thúc đẩy hợp tác công tư trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng với hàm lượng công nghệ cao, cần thu hút khối tư nhân tham gia nhiều hơn vào các dự án đầu tư sân bay, cảng biển, tàu điện, đường sắt đô thị.
Việc hợp tác với các doanh nghiệp lớn có vai trò đầu tàu, dẫn dắt là rất quan trọng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế. Do vậy, cần có môi trường cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hài hòa với thị trường thế giới để thu hút nhà đầu tư tham gia.
Đây đều là những vấn đề đã được Thủ tướng nhắc đến trong bài phát biểu tại WEF, nên tôi hy vọng sẽ có những cải thiện tích cực hơn trong thời gian tới.
Kêu gọi cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo đầu tư vào Việt Nam
Trong khuôn khổ WEF tại Đại Liên (Trung Quốc), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về “Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế”.
Chia sẻ bài học kinh nghiệm về điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng cho hay Việt Nam duy trì là “điểm sáng” của kinh tế toàn cầu với đà tăng trưởng tích cực, thuộc nhóm tăng trưởng cao của khu vực.
Để hợp tác hướng đến tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh năm giải pháp ưu tiên bao gồm: xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Còn tại tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF với chủ đề “Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển” diễn ra vào chiều 25-6, Thủ tướng cho biết trong quá trình phát triển, Việt Nam luôn nhận thức đúng đắn về đổi mới sáng tạo, lập nghiệp.
Theo đó, Việt Nam đã có nhiều hành động thiết thực, hiệu quả nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo như xây dựng cơ chế chính sách, chiến lược, chương trình phát triển các lĩnh vực như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, nhất là các ngành mang lại giá trị gia tăng cao như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, hydrogen…
“Việt Nam luôn chào đón, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ theo hướng xanh, sạch, bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nguồn: https://tuoitre.vn/viet-nam-trong-nen-kinh-te-toan-cau-moi-20240626082229228.htm