Tối ngày 10/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki đã có cuộc gặp gỡ với phóng viên báo chí thông tin về chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko, xoay quanh hợp tác Việt Nam-Nhật Bản cũng như hợp tác Nhật Bản-ASEAN.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kobayashi Maki trong cuộc gặp một số phóng viên Việt Nam, ngày 10/10. (Ảnh: TĐ) |
Đối tác quan trọng của nhau
Trong phần mở đầu, bà Kobayashi đã thông tin về một số điểm nhấn trong trao đổi giữa hai nước nhân dịp chuyến thăm, diễn ra trong bối cảnh hai nước đang kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cụ thể, hai bên đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương trong tương lai trên nhiều lĩnh vực.
Về lĩnh vực kinh tế, trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đến Việt Nam như một cứ điểm sản xuất, từ góc độ thúc đẩy đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Bộ trưởng Kamikawa Yoko bày tỏ mong muốn hợp tác để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam. Bà cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế thông qua ODA và các kênh khác, tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như tại trường Đại học Việt Nhật, tăng cường liên kết trong lĩnh vực tăng trưởng xanh cũng như chuyển đổi năng lượng.
Bên cạnh đó, hai nước hoan nghênh việc giao lưu nhân dân diễn ra sôi động và khẳng định sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tập sinh kỹ năng, nhằm thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa nhân dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Kamikawa Yoko khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc hiện thực hóa “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và việc tăng cường quan hệ song phương sẽ góp phần mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực và thế giới, trong đó có khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Hai bên cũng trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế đáng chú ý gần đây, khẳng định hợp tác chính là chìa khóa để giữ vững hòa bình và ổn định của khu vực. Hai bên cũng hướng tới Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm hợp tác hữu nghị Nhật Bản-ASEAN vào tháng 12 tới.
Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm hợp tác hữu nghị Nhật Bản-ASEAN sẽ diễn ra vào tháng 12 tới. (Nguồn: twitter.com) |
Việt Nam – nhân tố thúc đẩy hòa bình
Trong phần hai của buổi họp báo, Người phát ngôn Kobayashi đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên xoay quanh hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, ASEAN-Nhật Bản cùng nhiều vấn đề khu vực và quốc tế khác.
Bà Kobayashi cho rằng, Việt Nam ngày càng có vai trò quan trọng trong khu vực và quốc tế với một chính sách ngoại giao yêu chuộng hòa bình, đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc.
Việt Nam đồng thời là một thành viên tích cực của ASEAN, cùng các thành viên ASEAN mở rộng quan hệ với các đối tác, đưa ASEAN trở thành nhân tố nòng cốt cho hòa bình, ổn định khu vực.
Nhật Bản đánh giá cao vai trò trung tâm của ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt với mục tiêu chung là đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Về quan hệ ASEAN-Nhật Bản, bà Kobayashi nhận định hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác và có chung nhiều thách thức hiện nay, vì vậy, có thể làm việc với nhau và trở thành đối tác tốt của nhau. “Quan hệ đối tác dựa trên sự tin tưởng là điều rất quan trọng đối với chúng tôi”, bà nói.
Theo bà Kobayashi, nhân hội nghị quan trọng vào tháng 12 tới đây, hai bên sẽ đưa ra một tuyên bố thể hiện quyết tâm, tầm nhìn chung về các vấn đề khu vực, về tương lai chung mà hai bên muốn tạo dựng cùng nhau, về hợp tác trong các vấn đề của khu vực.
Đối với quan hệ Việt Nam-Nhật Bản, bà Kobayashi cho rằng, hai nước đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để đưa quan hệ lên một tầm cao mới. Nhật Bản và Việt Nam đang hợp tác sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, từ song phương đến các vấn đề khu vực và quốc tế. Nhật Bản đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam trong những lĩnh vực cùng quan tâm, để có thể hỗ trợ Việt Nam trong những vấn đề cụ thể, vì hoà bình và an ninh ở khu vực.
Cách tiếp cận mới trong chính sách ODA
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan vấn đề liệu việc cung cấp ODA cho các quốc gia có bị ảnh hưởng không khi Nhật Bản đang bị thâm hụt ngân sách khá lớn, bà Kobayashi cho biết, chính phủ Nhật Bản xác định vẫn phải tiếp tục hợp tác với các quốc gia bạn bè.
Chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio gần đây áp dụng cách tiếp cận mới trong chính sách ODA.
Bà Kobayashi cho biết, Nhật Bản trước kia thường chờ nước đối tác đưa ra ưu tiên và dự án mà họ mong muốn, nhưng nay, Nhật Bản chủ động đưa ra đề xuất với quốc gia đối tác để quá trình chuẩn bị nhanh hơn.
Theo chính sách mới, Nhật Bản đề ra các ưu tiên chính sách đối với ODA gồm: đạt được tăng trưởng chất lượng – nghĩa là tăng trưởng toàn diện, bền vững và kiên cường – cho các nước đang phát triển và giảm nghèo; duy trì và tăng cường trật tự quốc tế tự do và cởi mở; và đóng vai trò dẫn đầu trong việc ứng phó với tính phức tạp và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, sức khỏe cộng đồng và quản lý thiên tai.
Về chính sách dành cho người Việt Nam sang Nhật Bản làm việc, bà Kobayashi chia sẻ, bất kể chính sách nào cũng không thiết kế cho riêng một quốc gia. Nhưng đã có nhiều lao động tay nghề cao từ Việt Nam, trong khi Nhật Bản đang đối diện với vấn đề dân số già. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang suy nghĩ lại một cách nghiêm túc về cách thu hút nhiều hơn lao động chất lượng cao, bằng cách mở rộng lĩnh vực chuyên môn và cải thiện điều kiện tốt hơn. Bà cho biết, việc thảo luận vẫn đang diễn ra, có thể đến năm tới mới có thay đổi.
Liên quan đến chính sách thị thực của Nhật Bản, bà Kobayashi cho biết, hiện Nhật Bản đang cân nhắc việc tạo thuận lợi về nhập cảnh cho người Việt Nam, không hẳn là miễn visa, nhưng có những cách khác để tạo thuận lợi hơn trong hệ thống thị thực.