Thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng một bậc về thứ hạng và tăng 2% về giá trị so với năm 2023 theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới – Brand Finance. Mức độ tăng nhanh về giá trị thương hiệu của nước ta trong thời gian gần đây khẳng định uy tín và vị thế trong hợp tác khu vực và quốc tế.
Đồ thủ công mỹ nghệ Việt Nam là mặt hàng được xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Ảnh: HẢI NAM |
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển Thương hiệu quốc gia và là Thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 5 năm, từ 2019-2023 là 102%.
Ông Alex Haigh, Tổng Giám đốc Khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Brand Finance cho biết: “Giá trị thương hiệu Việt Nam tăng mạnh những năm qua là nhờ tăng trưởng kinh tế ở mức cao, mức độ nhận diện về thương hiệu Việt Nam được cải thiện và một môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, đặc biệt là nhờ nỗ lực giảm lãi suất của Chính phủ thời gian qua”.
Uy tín vị thế của nền kinh tế tăng trưởng tích cực
Nhận định về sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, trang maritimefairtrade.org (Singapore) vừa có bài viết, trong đó dẫn báo cáo kinh tế bán thường niên mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5,5% trong năm 2024 và tăng dần lên 6% vào năm 2025.
Sau khi trải qua giai đoạn suy thoái vào năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đang có những chỉ dấu phục hồi vào đầu năm 2024. Xuất khẩu đang phục hồi, tiêu dùng và đầu tư tư nhân trong nước cũng đang tăng trưởng dần dần.
Xuất khẩu thực tế dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2024, theo đó phản ánh nhu cầu toàn cầu đang cải thiện dần.
Ngoài ra, sự chuyển biến trong lĩnh vực bất động sản được dự đoán sẽ diễn ra vào cuối năm 2024 và năm 2025, từ đó thúc đẩy nhu cầu trong nước khi các nhà đầu tư và người tiêu dùng lấy lại niềm tin. Tổng đầu tư thực tế và tiêu dùng tư nhân dự kiến sẽ tăng lần lượt 5,5% và 5% vào năm 2024.
Bài viết dẫn lời ông Sebastian Eckardt, Giám đốc WB phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương về Kinh tế vĩ mô, Thương mại và Đầu tư cho rằng, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng công không chỉ vì mục đích kích thích kinh tế trong trước mắt.
Những nỗ lực tăng cường quản lý đầu tư công cũng sẽ giải quyết những thiếu hụt cơ sở hạ tầng trọng yếu về năng lượng, giao thông vận tải và logistics, vốn là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế dài hạn của Việt Nam.
Còn trong bài phân tích mới nhất về cơ hội lớn của Việt Nam trong việc đón dòng vốn dịch chuyển, tờ Forbes.com (Mỹ) đánh giá, nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã mở cửa cho các tập đoàn lớn. Uy tín và vị thế của Việt Nam sẽ tiếp tục được khẳng định với những cơ hội kinh doanh lớn hơn nữa dưới thời chính quyền Trump 2.0.
Theo trang Forbes.com, Việt Nam có một số lợi thế so với các đối thủ khác trong khu vực như Ấn Độ. Việt Nam có khả năng và thật sự đã nhanh chóng xây dựng khung chính sách mới thân thiện với doanh nghiệp.
Việt Nam còn có vị trí địa lý thuận lợi khi sở hữu 3 trong số 50 cảng biển nhộn nhịp nhất thế giới và giáp với Trung Quốc, giúp cho hoạt động thương mại và logistics giữa hai nước trở nên dễ dàng hơn.
Việt Nam là nước hiếm hoi trong khu vực có Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU). Việt Nam cũng đang gấp rút nâng cấp hạ tầng trọng yếu để hỗ trợ các dự án lớn và được các nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk là một thương hiệu Việt có giá trị cao trên thị trường quốc tế. Ảnh: TRỌNG HIẾU |
Gần đây, ông Trump nhiều lần tuyên bố muốn thúc đẩy sản xuất của Mỹ và khiến cho hàng hóa sản xuất ở nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn khi nhập khẩu vào Mỹ, trong đó cảnh báo đánh thuế 60% đối với hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc và 20% đối với hàng hóa được sản xuất ở các nước khác.
Ông Trần Ngọc Anh, Giáo sư ngành quản trị tại Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, một trong những cách thức hàng đầu để Việt Nam có thể biến các quy định thương mại mới nghiêm ngặt này thành “lợi thế” là hướng đến các tập đoàn đa quốc gia vì những tập đoàn này sẽ mang theo hệ sinh thái nhà cung cấp riêng và tập trung vào các mặt hàng có giá trị cao.
Ông nêu rõ: “Việt Nam nên ưu tiên những tập đoàn mà sẽ kéo theo các công ty khác đến Việt Nam. Nếu đưa Apple đến Việt Nam, sẽ có rất nhiều nhà cung cấp khác muốn gần gũi với Apple – những công ty sẽ giúp Việt Nam chuyển sang lĩnh vực công nghệ cao hơn. Thay vì sản xuất giày dép và dệt may, Việt Nam cần hướng đến công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn.
Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam đang ở thời điểm rất thuận lợi để đón dòng dịch chuyển sản xuất của thế giới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được là đối tác kinh tế và thương mại đáng tin cậy trên trường quốc tế.
Nếu như năm 2019, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, đến năm 2023 đạt 498,13 tỷ USD, thì năm 2024 đã đạt 507 tỷ USD – ghi nhận mức tăng trưởng liên tục hai con số về giá trị thương hiệu. Nước ta hiện xếp thứ 32/193 quốc gia được đánh giá xếp hạng thương hiệu quốc gia.
Giá trị và niềm tin đến từ cộng đồng doanh nghiệp
Theo đánh giá của Brand Finance, viễn thông, công nghệ; ngân hàng; thực phẩm và đồ uống – đang là những ngành có đóng góp đáng kể cho sự phát triển của thương hiệu quốc gia Việt Nam. Doanh nghiệp Việt trong những ngành này đang tận dụng rất tốt những cơ hội từ thị trường.
Khi giá trị thương hiệu của một quốc gia tăng trưởng, tất cả hàng hóa, dịch vụ của quốc gia đó cũng sẽ được hưởng lợi, nhất là du lịch và hàng hóa xuất khẩu. Thương hiệu Việt Nam càng trở nên quen thuộc và uy tín cũng sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã chọn Việt Nam làm cứ điểm đầu tư, thí dụ như Samsung với 50-60% điện thoại thông minh đều sản xuất tại Việt Nam, mang thương hiệu “Made in Vietnam”.
“Vì thế, nếu thương hiệu quốc gia Việt Nam ngày càng mạnh lên thì các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ rất tự tin để tiếp tục đầu tư”, ông Hong Sun khẳng định.
Còn theo Giám đốc Điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, ông Adam Sitkoff nhận định, khi thương hiệu của một quốc gia tăng trưởng, đó là nỗ lực rất lớn. “Các nhà lãnh đạo của Việt Nam đã trực tiếp đi đến nhiều nước trên thế giới để quảng bá hình ảnh của một Việt Nam với nguồn nhân lực tốt, đang tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với một thị trường nội địa đầy tiềm năng”.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) nhấn mạnh, sức mạnh của thương hiệu quốc gia là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó cộng đồng doanh nghiệp có vai trò hết sức quan trọng với sự hiện diện của nhiều thương hiệu doanh nghiệp lớn của Việt Nam trên trường quốc tế, những nỗ lực mang hàng hóa, sản phẩm chất lượng của Việt Nam tới nhiều quốc gia.
“Những doanh nghiệp Việt cũng đang ngày đêm nỗ lực để khẳng định chính mình, khẳng định thương hiệu của quốc gia trong cạnh tranh, hợp tác với bạn bè quốc tế”.
ĐẠI KIM
nguồn: https://nhandan.vn/viet-nam-la-diem-sang-phat-trien-thuong-hieu-quoc-gia-post846865.html