Kinh tế thế giới trong 2024 được dự báo còn nhiều bất định. Khó khăn, thách thức vẫn đang bủa vây phía trước, đe dọa không nhỏ tới nền kinh tế có độ mở lớn như VN.
Nhìn lại những gì đã trải qua trong năm 2023 khó khăn lịch sử, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, vẫn giữ niềm tin VN sẽ tiếp tục phát huy tốt năng lực ứng biến để chắt chiu những cơ hội quý, biến thách thức thành cơ hội để vực dậy kinh tế.
*2023 được gọi là năm khó khăn lịch sử – sau gần 4 năm đối mặt với dịch bệnh, xung đột, lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng… Lịch sử cũng có nghĩa là đã ở phía sau, là khó khăn đã qua đi, chúng ta đã có thể hiểu như thế được chưa, thưa ông?
-PGS-TS Trần Đình Thiên: Tôi cho rằng kinh tế thế giới từ nay đến năm 2024 vẫn còn nhiều bất định, cực kỳ khó đoán. Có những yếu tố đã tốt lên nhưng cũng có những dấu hiệu xấu đi, bất thường. Đây là xu thế chung không chỉ cho năm nay mà cho cả giai đoạn trung hạn. Thế giới đang ở trong thập niên mất mát, đang đi trong “cơn gió nghịch” – như cách mà Ngân hàng Thế giới cùng nhiều tổ chức kinh tế đã nhận định. Trong năm 2022, nền kinh tế phải đi trong 3 cơn gió nghịch, đó là lạm phát tăng cao, những điều kiện tài chính xấu đi (lãi suất cao) và kinh tế Trung Quốc có vấn đề nghiêm trọng. Lúc đó, chiến sự Nga – Ukraine cũng đóng góp vào suy giảm. Sang tới 2023, khi Trung Quốc bỏ cấm vận, chúng ta nghĩ rằng quốc gia này sẽ vượt qua được xu hướng suy giảm, phục hồi lại, nhưng thực tế không diễn ra như vậy. Vì thế, tôi đánh giá đến nay, 3 cơn gió nghịch này vẫn hiện hữu. Chưa kể lạm phát và lãi suất của Mỹ vẫn đang có dấu hiệu tiếp tục tăng. Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn cả sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc hiện nay.
Là nền kinh tế có độ mở lớn, tuy chúng ta đã tạo đà tốt bằng một vài điểm sáng trong suốt giai đoạn 2022 nhưng thực lực kinh tế VN chưa mạnh nên những dấu hiệu xấu đi của kinh tế thế giới sẽ có tác động rất lớn đến VN.
Tuy nhiên, không có nền kinh tế nào chỉ có toàn tác động tiêu cực. Cũng chính vì là nền kinh tế mở nên trong giông bão cũng hé ra cơ hội. Đơn cử, giá năng lượng biến đổi có thể gây bất lợi nhưng cũng có thể có lợi cho VN. Xung đột Ukraine – Nga và biến đổi khí hậu cũng tác động cực kỳ mạnh đến câu chuyện lương thực toàn cầu. Nếu hiểu theo nghĩa rộng, cuộc khủng hoảng lương thực cũng là một thảm họa. Song, trong bối cảnh như thế, nông nghiệp VN lại có thể trở thành chỗ dựa, hỗ trợ thế giới thoát khỏi khó khăn, đồng thời chúng ta cũng có lợi; hoặc chúng ta cũng có nhiều cơ hội khi dòng vốn thế giới dịch chuyển.
Chúng ta đừng trông chờ việc vượt khó mà không có tổn hại. Sẽ có nhiều đau đớn, sẽ có nhiều DN không trụ được phải ra đi. Càng chậm thì số đó càng cao. Đó là lý do vì sao Chính phủ phải ráo riết hành động vì không muốn mất thêm, không muốn khó thêm, không muốn trả giá cao thêm.
*Cơ sở nào giúp ông có niềm tin như vậy?
-Thứ nhất, VN sở hữu năng lực đáp ứng ngay được yêu cầu thực tiễn, điển hình như nông nghiệp. Nông nghiệp VN có những lợi thế ít quốc gia nào có được. Chúng ta có điều kiện tự nhiên, địa lý và năng lực sản xuất đủ sức đối trọng với các quốc gia nông nghiệp khác. Nhờ đó, VN không những không phải cộng hưởng cùng “tai họa” của thế giới mà vẫn có thể tăng trưởng xuất khẩu. Đây là lợi thế có thể phát huy.
Thứ hai là năng lực của đội ngũ doanh nghiệp (DN). Nhìn chung thì DN VN vẫn nhỏ. Nhỏ thì tất nhiên là yếu nhưng lại có lợi thế là ứng biến rất nhanh. Điều này đã được chứng minh rất rõ trong suốt 4 năm đối mặt liên tiếp với những cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lịch sử. Đây sẽ là lúc để các DN bung hết lợi thế ứng biến đó, không chỉ chớp cơ hội hưởng lợi mà còn là cơ hội lớn lên, tiếp cận những thị trường mới, tạo được lòng tin với thế giới.
Thứ ba, VN đang có đà tốt, thế tốt. Chúng ta đang hút đầu tư nước ngoài rất mạnh. Tại sao họ vào VN? Họ không phải chỉ tới bán hàng ở VN mà vì chúng ta có những lợi thế để giúp họ đáp ứng được những yêu cầu của thế giới. Bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, họ đi tìm những cơ hội, cũng đồng thời tạo ra cơ hội cho chúng ta.
Đấy là những cơ hội cực kỳ quý, chưa kể nếu chính sách điều hành, hành động của Chính phủ nhanh, mạnh như từ đầu năm đến nay thì khả năng tận dụng thời cơ của nền kinh tế sẽ còn tốt hơn nữa.
*Ông có thể phân tích kỹ hơn về các yếu tố “nhanh”, “mạnh” trong điều hành chính sách mà ông vừa nhận định?
-Nhìn lại, kinh tế VN năm 2022 tạo nên những kỳ tích nhưng đồng thời cũng thể hiện những điều khác thường. Kỳ tích là giữa lúc thế giới tăng trưởng thấp thì VN vẫn ghi nhận tăng trưởng cao. Khác thường là tăng trưởng cao nhưng lạm phát lại thấp. Điều này đi ngược với nguyên lý cơ bản của kinh tế. Tiền không bơm ra, không lạm phát trong nhiều năm thì lấy đâu ra tăng trưởng?
Chính phủ từ cuối năm ngoái đã bắt đầu nhận diện cơ cấu kinh tế VN đang có vấn đề và đưa ra hàng loạt giải pháp cấp bách. Nổi bật nhất là liên tục giảm lãi suất. Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến 4 lần giảm lãi suất liên tiếp mặc dù áp lực nợ xấu rất lớn. Song song là thúc đẩy đầu tư công. Mặc dù tiến độ giải ngân chưa được như kỳ vọng nhưng cách làm quyết liệt, thể hiện rõ nỗ lực tạo thêm kênh bơm vốn cho nền kinh tế. Đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã tăng hơn cùng kỳ năm ngoái và tạo niềm tin rằng từ giờ đến cuối năm, nguồn vốn này sẽ phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, cách xử lý câu chuyện trái phiếu DN cũng rất đáng ghi nhận. Những sự cố giai đoạn đầu gây “choáng” trong điều hành, dẫn đến một vài thao tác khiến thị trường hãm phanh lại. Nghị định 65 vừa ban hành, vừa đưa vào thử nghiệm nhưng thấy không ổn thì đã ban hành luôn Nghị định 08 thay thế, sửa đổi. Qua đó chúng ta chứng kiến tinh thần cầu thị của Chính phủ không ngại việc sửa sai, sẵn sàng thay đổi nhanh để cứu DN. Cùng với đó là yêu cầu Bộ Tài chính giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế…
Các nội dung chỉ đạo thực hiện trên tất cả các tuyến. Hành động chính sách có rất nhiều đột phá và xuất phát từ động cơ không phải chỉ vì lợi ích ngân sách mà quan trọng tối cao là đưa nền kinh tế thoát khỏi nguy hiểm, khu vực bản địa phải được vực dậy. Sự thay đổi từ nhận thức đến hành động đã tạo ra niềm tin cho DN và nền kinh tế.
*Nhưng rõ ràng khu vực DN vẫn đang rất khó…, ông lý giải thế nào về nghịch lý này?
-Tất nhiên chính sách không phải ban hành là có thể thực thi được ngay. Quá trình triển khai chính sách ở VN thường rất lâu, chậm, vướng nhau, thậm chí xung đột nhau… Ở góc độ ra chính sách thì rất tốt nhưng dẫn đến muộn về mặt thực tiễn, lỗi ở khâu thực thi. Đó chính là vấn đề cần tiếp tục quyết liệt giải quyết. Bệnh nhân nếu để qua “giờ vàng” sẽ không gượng nổi. Hiện nay nhiều DN của VN đang ở trong giai đoạn ngấp nghé “giờ vàng”, nhất là khu vực bất động sản. Khó không chỉ là nguồn vốn mà còn khó ở thị trường. Giai đoạn đầu, chúng ta tập trung giải tỏa vốn cho DN, đa số các biện pháp tập trung vào đầu vào. Nhưng nguyên tắc cơ bản của kinh tế là “thông nhau”. Đầu vào tốt mà đầu ra không tốt cũng “chết”. Giờ không ai dám vay, ngân hàng cũng không muốn cho vay vì triển vọng đầu ra của thị trường không có. Mình không chú ý đến tổng cầu, không bàn đến chuỗi, trong đó có tính toán cho thị trường đến khâu cuối cùng, thì chắc chắn sẽ tắc.
Cách tiếp cận của VN hiện nay, cả phía Nhà nước và DN đều đang theo hướng đau ở đâu biết ở đó, đau ở đâu chỗ đó phải chịu, trong khi nền kinh tế vận hành theo kiểu đau chân thì đầu óc không làm việc được. Đó là một hệ thống kinh mạch thông nhau và không được phép để ách tắc ở bất cứ khâu nào. Không được phép xao nhãng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường là phải thông tất cả các tuyến vận động của các nguồn lực, bao gồm đầu vào – đầu ra. Đầu ra cũng là nguồn lực. Không bán được hàng thì lấy đâu ra nguồn lực? Đây là bài học sâu sắc cho điều hành.
-12 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, nhà ga sân bay Long Thành, nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất…, từ đầu năm 2023 đến nay, hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm đã được khởi công. Ông có cho rằng cuộc bứt tốc của đầu tư công có thể trở thành lực đẩy cho dòng vốn lưu thông cũng như kích thích tổng cầu cho kinh tế trong quý cuối cùng của năm cũng như các năm tới?
*Đúng là những chương trình đầu tư công chưa bao giờ mạnh và tạo ra khí thế như giai đoạn hiện nay. Thủ tướng đi đôn đốc gần như tất cả các dự án, tạo ra được niềm tin rất lớn, nhất là khu vực miền Tây và tuyến duyên hải Nam Trung bộ – nơi có dải cao tốc Bắc – Nam chạy qua. Người dân rất hứng khởi và trông chờ. Đây là hướng đi rất tốt, khơi thông nền kinh tế bằng cách khơi thông tiền tệ. Kết quả bước đầu khá khả quan. Tám tháng qua, giải ngân đầu tư công đã đạt gần 50%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, còn 4 tháng cuối năm phải giải ngân nốt gần 2/3 số vốn còn lại, đây là áp lực lớn. Tôi vẫn trở lại nguyên lý “thông”. “Thông” là giải quyết được hết. Đầu tư của VN tắc từ khâu tiền. “Nhốt” tiền vào kho bạc, vào ngân hàng nên khi muốn giải ngân sẽ rất khó. Quy trình xét duyệt dự án, quy trình giải phóng mặt bằng, thỏa thuận dân cư rất mất thời gian. Phần đó đang chịu áp lực lớn bởi khi chúng ta đẩy các dự án hạ tầng đồng loạt trên cả nước mà không giải quyết các nút thắt khác thì sẽ tắc nghẽn ngay. Nổi cộm nhất hiện nay là khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng. Không đàm phán được giá cả thì dự án ngưng trệ. Nhiều nhà thầu đang sống dở chết dở.
Phải thật chú trọng đặt vấn đề đồng bộ. Nếu cái này tăng phi mã mà cái kia chậm như rùa cũng không được. Không có sự đồng nhịp, đồng bộ thì những sự ách tắc sẽ làm vỡ trận. Đừng nghĩ “cơ thể” kinh tế chỉ chịu đòn kinh tế. Khu vực kinh tế nhạy cảm, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác bên ngoài như thủ tục hành chính lằng nhằng, rắc rối, chậm trễ, chỗ nọ chuyển qua chỗ kia… thế là “chết” nền kinh tế rồi.
*Theo ông, đâu sẽ là động lực để kinh tế VN phục hồi và tăng trưởng trong 2024?
-Nói về động lực thì đầu tiên nó phải là lực động. Chúng ta nói vốn là động lực, đầu tư công là động lực nhưng nếu những ách tắc không được khai thông, không đồng bộ, để “tắc” thì động lực cũng sẽ thành lực tĩnh. Bởi vậy, tôi cho rằng khái niệm “thông” mới là bản chất của động lực. Chúng ta chỉ ra được những mạch tĩnh, ách tắc, kiểm điểm và khơi thông thì đó chính là các động lực. Hệ thống kinh mạch được thông sẽ giúp toàn bộ cơ thể chuyển động.
Kinh tế khó khăn, ngân sách cần bơm tiền ra
Trong lúc khó khăn, nguyên lý đầu tư ngân sách nghịch chu kỳ phải được coi trọng. Khi nền kinh tế mạnh mẽ, dồi dào, không cần hỗ trợ quá mạnh từ ngân sách thì Nhà nước có thể cứ thu vào, dự trữ, không cần đầu tư ra nhiều vì lúc đó động cơ để DN đầu tư rất tốt, cứ để thị trường họ làm. Tuy nhiên, khi nền kinh tế thị trường khó khăn, các nguồn lực bắt đầu chậm lại, suy yếu thì lúc đó ngân sách phải hỗ trợ, phải bơm tiền ra. Tất nhiên ngân sách phải tính toán cân đối nhưng phải trên tinh thần chấp nhận chịu thiệt, chịu hy sinh để kích nền kinh tế lên. Đây là lợi ích sống còn, là tinh thần cộng sinh và cộng tử. Cố giữ được ngân sách trong ngắn hạn nhưng lại để hậu quả lâu dài cho hoạt động của nền kinh tế. Hiện giờ chúng ta mới chỉ đang trong tình trạng khó, chưa phải bi kịch nên chi phí để vực dậy không phải quá cao. Nếu không làm nhanh, càng có nhiều “bệnh nhân” nặng thì cái giá phải bỏ ra “chữa bệnh” còn đắt hơn nhiều.
Hỗ trợ người dân cũng là cứu doanh nghiệp
Để giải quyết vấn đề đầu ra, đừng chỉ bàn câu chuyện vốn mà phải xét câu chuyện cơ chế giá. Giả định với những ngành đã trong một cơ chế giá thị trường thì lúc đó phải bàn đến kích thích tổng cầu. Đơn giản như kích thích tiêu dùng bằng việc thành lập các quỹ bảo lãnh cho vay tiêu dùng; những chương trình phục hồi kinh tế phải đẩy mạnh giải ngân hơn nữa, thậm chí phải “bơm” ngân sách ra để chi tiền mặt cho người lao động, người có thu nhập thấp. Giai đoạn này DN khó khăn, người lao động bỏ việc, mất việc nhiều, mình hỗ trợ họ bằng tiền mặt để họ có điều kiện chi tiêu thì không chỉ “cứu” họ mà còn là “cứu” cả DN, cả nền kinh tế. Người dân hưởng lợi thì DN cũng hưởng lợi. Như vậy nền kinh tế mới hồi phục được. Đấy gọi là tổng cầu.
Rồi chính sách thuế phải giảm mạnh hơn. Nếu giảm được xuống 5% thì có được không? Hoàn thuế giá trị gia tăng nữa, tại sao không hoàn lại cho DN? Đây cũng là lúc cần lập ra những quỹ bảo lãnh cho vay để yểm trợ ngân hàng. Các DN có triển vọng sẽ có thêm nguồn lực để nuôi sống dự án cho đến khi ra tới thị trường. Cần hỗ trợ giảm lãi suất thật sự cho DN hướng tới thị trường tương lai. Những DN, dự án hướng tới phát triển sản phẩm xanh, cần những điều kiện cấp bách để đáp ứng tiêu chuẩn của quốc tế thì cũng phải “cấp cứu” cho vay ưu đãi. Đây không phải chỉ giúp cho mấy ông chủ mà là cứu cả người lao động và vị thế của đất nước.
Thanhnien.vn