Kể từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng. Năng lượng nhập khẩu có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2015-2020 và đạt mức nhập khẩu kỷ lục vào năm 2020 với 53.605 KTOE
Chính phủ Việt Nam đã ban hành một số chính sách then chốt cho phát triển năng lượng bền vững, tiến đến phát thải ròng bằng không (NET ZERO) vào năm 2050 với 4 trụ cột chính, đó là “tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo, thị trường năng lượng và biến đổi khí hậu.”
Tại “Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2024-Đường đến phát thải ròng bằng 0” do Bộ Công Thương phối hợp với Cục Năng lượng Đan Mạch và Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam hợp tác biên soạn và công bố ngày 19/6, tại Hà Nội, các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh tới việc triển khai có hiệu quả cùng lúc 4 trụ cột này chính là con đường nhanh nhất đưa Việt Nam tiến đến phát thải ròng bằng 0.”
Tiêu thụ năng lượng nhiều lĩnh vực còn cao
“Báo cáo tổng quan ngành năng lượng Việt Nam” được Bộ Công Thương đưa ra đã nhấn mạnh đến 2 nội dung, đó chính là: cả “cường độ năng lượng sơ cấp” và “cường độ sử dụng năng lượng cuối cùng của Việt Nam” mặc dù đã giảm mạnh trong giai đoạn 2010-2022 (với cường độ năng lượng sơ cấp đạt 275kgOE/1.000 USD năm 2022) nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực.
Việt Nam cần duy trì cân bằng hệ sinh thái để giảm phát thải ròng bằng ‘0’
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo chức năng của hệ sinh thái phục vụ sự sống là việc làm rất cần thiết, để giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu đưa phát thải ròng về ‘0’ vào năm 20250.
Cụ thể, trong giai đoạn này, GDP tăng trưởng trung bình 6,1%/năm. Tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp (TPES) tăng 5,6%/năm, đạt 98,9 tấn dầu tương đương MTOE (đơn vị năng lượng ước tính tương đương đốt 1 triệu tấn dầu) vào năm 2022, trong đó, than đạt 43,2 MTOE, chiếm tỷ trọng lớn nhất (43,7%); đứng thứ 2 là dầu đạt 27,4 MTOE chiếm 27,7%; Khí tự nhiên đạt 7,3 MTOE (chiếm 7,4%); năng lượng tái tạo (gồm cả thuỷ điện) đạt 21 MTOE, chiếm 21,1%.
Theo đại diện Bộ Công Thương, kể từ năm 2015 Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tịnh năng lượng. Năng lượng nhập khẩu có xu hướng tăng dần trong giai đoạn 2015-2020 và đạt mức nhập khẩu kỷ lục vào năm 2020 với 53.605 KTOE (đơn vị năng lượng ước tính tương đương đốt 1 nghìn tấn dầu) (năm 2015 nhập khẩu 17.074 KTOE). Nhập khẩu năng lượng của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần từ sau khi đạt đỉnh nhập khẩu năm 2020.
Trong khi đó, mức độ phụ thuộc năng lượng nhập khẩu trong TPES tăng tỷ trọng từ 6,4% năm 2015 lên 47,9% vào năm 2020 và giảm xuống còn 35,4% vào năm 2022. Dù có nguyên nhân đến từ việc xuất khẩu năng lượng giảm đã khiến cho tỷ lệ nhập khẩu tịnh/năng lượng sơ cấp ngày càng cao, song vẫn cho thấy mức độ đáng quan tâm về việc tiêu dùng năng lượng của Việt Nam từ con số này.
Đối với “cường độ sử dụng năng lượng cuối cùng của Việt Nam” có những con số cũng rất đáng chú ý được báo cáo đưa ra, đó là tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam (TFEC) năm 2022 đạt 71.995K TOE (dầu quy đổi), tăng 5,4%/năm trong giai đoạn 2010-2022.
Cường độ tiêu thụ năng lượng cuối cùng/GDP năm 2022 là 315kgOE/1.000USD, thể hiện xu hướng giảm trong giai đoạn 2010-2022, so với mức 357kgOE/1.000USD; trong đó, cơ cấu tiêu thụ theo ngành có thể kể đến, như: ngành công nghiệp có tỷ trọng tăng mạnh nhất (51,9% năm 2022), giao thông vận tải có đà phục hồi sự khi chịu tác động của đại dịch COVID-19, đạt 20,8% năm 2022…
Cần chuyển đổi năng lượng
Ông Nguyễn Tuyền Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch-Quy hoạch, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) thông tin, gần đây Việt Nam ghi nhận sự gia tăng đáng kể của loại hình phát điện từ năng lượng tái tạo như điện gió, điện Mặt Trời. Tuy nhiên, đóng góp của năng lượng tại tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp cũng không nhiều do một phần thủy điện trong giai đoạn vừa qua khai thác ở mức cao và lĩnh vực này cũng không tăng nhiều.
Đến năm 2022, cường độ năng lượng sơ cấp đạt khoảng 275 kg dầu trên 1.000 USD – mặc dù đã giảm mạnh trong giai đoạn 2010-2022, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với cả các nước khác trong khu vực với các chỉ số vẫn còn khá cao. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam vẫn còn thấp so với cả các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Về chỉ số thể hiện mức độ đa dạng hóa nguồn năng lượng trong tổng cung năng lượng sơ cấp thì đã giảm xuống còn 3.173. Tuy nhiên là chỉ số này của Việt Nam vẫn còn cao. Điều này cho thấy mức độ đa dạng hóa vẫn còn phụ thuộc vào một số ít loại hình năng lượng, chẳng hạn như than đá…
“Vì vậy, chúng ta cần phải phát triển những nguồn năng lượng tái tạo cũng như năng lượng thay thế để có thể đa dạng hóa các loại hình năng lượng trong tổng nguồn cung năng lượng sơ cấp của Việt Nam…,” ông nói.
Để sử dụng năng lượng hiệu quả, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đa dạng hoá nguồn cung năng lượng, đẩy mạnh các nguồn năng lượng tái tạo…
Ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6-7% trong vòng vài thập kỷ gần đây.
Trong giai đoạn 2020-2030 mặc dù tình hình kinh tế chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Trong bối cảnh đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.
Ông Dương nhấn mạnh, “Báo cáo triển vọng năng lượng Việt Nam” phân tích các kịch bản triển vọng năng lượng với các giả định đầu vào khác nhau nhằm nghiên cứu các khả năng để đảm bảo năng lượng để phát triển kinh tế-xã hội trong các tình huống khác nhau đối với Việt Nam trong tình hình mới, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi hệ thống năng lượng Xanh và bền vững đạt được các cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực năng lượng và chống biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển rộng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP26.
Còn theo Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam – Nicolai Prytz, báo cáo là kết quả quan trọng của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng lâu dài giữa Đan Mạch và Việt Nam, đây cũng là lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh Việt Nam- Đan Mạch.
Theo ông, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam cần có những nỗ lực nhanh chóng, mạnh mẽ và bền vững. Điều này không chỉ quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mà còn giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong các quyết định đầu tư. “Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này,” Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam nhấn mạnh./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-can-da-dang-hoa-nguon-cung-de-su-dung-hieu-qua-nang-luong-post959934.vnp