Việc làm và phát triển gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính đang trở thành xu thế tất yếu. Không thể đứng ngoài cuộc, Việt Nam cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy tạo việc làm xanh, lấy con người làm trung tâm của sự nghiệp phát triển bền vững.
Nông nghiệp là một trong những ngành có thể tạo nhiều việc làm xanh. Ảnh: Văn Học
Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia
Trong mục tiêu phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (thay thế Quyết định số 1393/QĐ-TTg). Theo đó, đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, khi xã hội xuất hiện nhiều việc làm hướng đến bảo vệ môi trường, giảm tiêu thụ năng lượng, là góp phần phát triển bền vững. Ông Thịnh nhấn mạnh: “Muốn phát triển kinh tế bền vững, tăng trưởng xanh, chúng ta phải có nhiều việc làm xanh và có ý thức bảo vệ môi trường”. Vậy việc làm xanh là gì? Theo Viện Khoa học lao động và xã hội, là việc làm thỏa đáng trong các lĩnh vực kinh tế và các hoạt động góp phần bảo tồn, phục hồi môi trường trong cả các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp, sản xuất cũng như những lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả. Ở cấp độ doanh nghiệp, việc làm xanh có thể sản xuất hàng hóa và cung cấp các dịch vụ có lợi cho môi trường, thí dụ như các tòa nhà xanh hay vận tải sạch.
Trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan có trách nhiệm tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc các ngành kinh tế xanh theo thẩm quyền; xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích tạo việc làm xanh; xây dựng và thực hiện chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương, các chủ thể bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Nhiều chuyên gia cho rằng, tăng trưởng xanh phải lấy con người làm trung tâm, giúp giảm tính dễ bị tổn thương của con người trước biến đổi khí hậu; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại, hài hòa với thiên nhiên và môi trường.
Khuyến khích tạo việc làm xanh
Diễn biến thất thường của thời tiết cực đoan, khiến con người là nạn nhân chịu ảnh hưởng đầu tiên. Nhưng soi chiếu trong thực tiễn, chính con người, cùng với các hoạt động sản xuất, lao động, đã tác động xấu đến môi trường. Bởi thế, việc chuyển biến tư duy, thay đổi cách làm việc, tạo thêm càng nhiều việc làm liên quan bảo vệ môi trường càng tốt. Bởi thế, theo ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia về Dịch vụ việc làm (Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cần tập huấn cho cán bộ của ngành về việc lồng ghép các mục tiêu tăng trưởng xanh vào việc xây dựng các chính sách đào tạo nghề; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp có đủ kiến thức và kỹ năng về xanh hóa giáo dục nghề nghiệp, tổ chức đào tạo các nghề xanh cho nền kinh tế; tổ chức hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc khu vực kinh tế xanh: ngành dịch vụ môi trường (nước thải, rác thải), năng lượng tái tạo,…
Cũng theo ông Ngô Xuân Liễu, thời gian tới cần triển khai, áp dụng các mô hình việc làm xanh, mô hình việc làm ứng phó với biến đổi khí hậu; nghiên cứu, đánh giá mức độ tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến việc làm theo kịch bản quốc gia cập nhật.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam, cho rằng, nhu cầu về việc làm xanh ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của người lao động. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc tìm kiếm việc làm hướng đến các doanh nghiệp xanh của ứng viên. “Việc làm xanh và kỹ năng xanh thực chất là những hiểu biết, hành vi và ứng xử hằng ngày khi chúng ta thực hiện những công việc của mình nhưng hướng đến bảo vệ môi trường”, bà Hương nhấn mạnh.
Để có tư duy xanh và nhiều việc làm xanh trong thời gian tới, theo TS Nguyễn Quỳnh Hoa (Trường đại học Kinh tế quốc dân), Việt Nam phải tăng cường nhận thức về việc làm xanh. Để làm được điều này chúng ta cần phải thống nhất và hiểu đúng các khái niệm về việc làm xanh đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn quốc tế và phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các khái niệm cần được luật hóa trong các văn bản chính thức và được phổ biến rộng rãi trong xã hội và tới mọi người dân; để tiếp tục thúc đẩy việc làm xanh trong nền kinh tế, cần bảo đảm các điều kiện của việc làm thỏa đáng trong các ngành kinh tế. Theo đó, các ngành sản xuất trong nền kinh tế tiếp tục theo dõi và đánh giá điều kiện làm việc cho người lao động, bảo đảm rằng người lao động làm việc trong điều kiện an toàn, có hợp đồng lao động và có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập thấp.
Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm cho người lao động từ phi chính thức sang các công việc chính thức. Ở Việt Nam, tỷ lệ lao động làm nông nghiệp khá cao, đây cũng là lực lượng lao động không có quan hệ lao động, thu nhập thấp và điều kiện lao động chưa đạt yêu cầu. Do vậy, nên có một cơ chế hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức chính thức hóa các hoạt động của họ trong nông nghiệp và sử dụng lao động trong lĩnh vực này như các ngành công nghiệp khác. Song, trình độ của người lao động thấp cũng là một thách thức để người lao động có được việc làm thỏa đáng, vì vậy người lao động cũng cần phải tích cực tham gia đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường.