Gần đây, những lời kêu gọi các quốc gia phương Tây hãy công nhận Nhà nước Palestine đang ngày càng phổ biến. Như đã biết, ngoại trừ các quốc gia này, thì phần lớn các thành viên tại Liên hợp quốc (139/193) đã thừa nhận các vùng lãnh thổ hiện tại của Palestine là một quốc gia thống nhất.
Sự công nhận này dường như đang được Mỹ xem xét dù nước này trước đây luôn phủ quyết hầu hết mọi nỗ lực công nhận một nhà nước Palestine. Vương quốc Anh, một đồng minh của Mỹ, cũng đang cân nhắc về điều này mặc dù trong quá khứ cũng phản đối giống như Mỹ.
Hồi tháng 2, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói: “Điều chúng ta cần làm là mang lại cho người dân Palestine một chân trời hướng tới tương lai tốt đẹp hơn, tương lai có một nhà nước của riêng họ”.
Đặc biệt, một sự chuyển biến lớn trong chủ trương của các quốc gia phương Tây tại châu Âu đã vừa diễn ra, khi Tây Ban Nha, Na Uy và CH Ireland đồng loạt công nhận Nhà nước Palestine.
Các nước trên cho rằng quyết định công nhận Nhà nước Palestine sẽ đẩy nhanh các nỗ lực nhằm đảm bảo lệnh ngừng bắn trong cuộc xung đột Israel – Hamas ở Gaza, hiện đã bước sang tháng thứ 8.
Tại sao vấn đề này gây tranh cãi?
Đối với nhiều quốc gia ở phương Tây, hầu hết không công nhận Nhà nước Palestine, thì sự thay đổi địa vị của người Palestine sẽ diễn ra khi các cuộc đàm phán về giải pháp hai nhà nước thành công, nơi hai nhà nước Israel và Palestine cùng tồn tại cạnh nhau.
Đây là lý do tại sao những tuyên bố về việc công nhận Nhà nước Palestine gây ra nhiều tranh cãi. Một số người nói rằng việc công nhận Nhà nước Palestine sẽ là bước đầu tiên hướng tới giải pháp lâu dài và hòa bình cho cuộc xung đột đã kéo dài hàng thập kỷ.
Song những ý kiến khác cho rằng trừ khi các điều kiện thực tế thay đổi, sự công nhận sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào, vì vậy nên tiếp tục để lại cho Nhà nước Israel toàn bộ quyền lực.
Tác động tích cực
Sự công nhận sẽ mang lại cho Nhà nước Palestine nhiều quyền lực chính trị, pháp lý và thậm chí mang tính biểu tượng hơn. Đặc biệt, việc Israel chiếm đóng hoặc sáp nhập lãnh thổ Palestine sẽ trở thành một vấn đề pháp lý nghiêm trọng hơn.
“Sự thay đổi như vậy sẽ đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán về quy chế vĩnh viễn giữa Israel và Palestine, không phải như một sự nhượng bộ giữa bên chiếm đóng và bên bị chiếm đóng, mà là giữa hai thực thể bình đẳng dưới con mắt của luật pháp quốc tế”, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ viết trên tờ Los Angeles Times vào đầu năm nay. Ông từng từ chức vì bất đồng với chính sách của Mỹ tại Gaza.
Tuy nhiên, có lẽ lợi thế lớn nhất đối với người Palestine là mang tính biểu tượng. Một nhà nước Palestine có thể đưa Israel ra một tòa án quốc tế nào đó, nhưng đó sẽ là một chặng đường dài, theo nhà phân tích Trung Đông Philip Leech-Ngo cho biết.
Nhà phân tích Leech-Ngo cho biết, đối với Chính quyền Palestine, sự công nhận là toàn bộ mong muốn và lý tưởng của họ. Chính quyền Palestine hiện đang chỉ quản lý một số khu vực ở Bờ Tây bị Israel chiếm đóng, được thừa nhận là một phần đại diện chính thức của người dân Palestine.
Tuy nhiên, “chính quyền không thể cung cấp cho công chúng Palestine nhiều thứ. Họ không thể đối đầu với Israel, không có khả năng cải thiện cuộc sống người dân Palestine dưới quyền tài phán của họ… Vì vậy, điều duy nhất mà họ có thể làm cho người dân Palestine là đưa ra lời hứa về sự công nhận quốc tế”, ông Leech-Ngo nói.
Những bất lợi là gì?
Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy hầu hết người Israel không muốn có một nhà nước Palestine. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nhiều lần nói như vậy trong nhiều năm. Đối với Israel và những người ủng hộ Israel, họ có những lo ngại rằng nếu một nhà nước Palestine được công nhận, thì đó có thể là một chiến thắng dành cho những người ủng hộ bạo lực.
Ông Jerome Segal, Giám đốc Tổ chức Tư vấn Hòa bình Quốc tế, cho biết hồi tháng 2 rằng nếu Nhà nước Palestine được công nhận vào thời điểm hiện tại, Hamas có thể dựa vào sự công nhận này để chứng tỏ rằng chỉ có đấu tranh vũ trang mới mang lại kết quả.
Mặc dù có những lợi thế về mặt pháp lý và biểu tượng, việc công nhận một nhà nước Palestine sẽ không ngay lập tức thay đổi bất cứ điều gì trên thực tế.
Bà Dahlia Scheindlin thuộc tổ chức nghiên cứu Century International của Mỹ cho biết: “Đầu tiên và quan trọng nhất, giới lãnh đạo chính trị Israel quyết tâm ngăn chặn sự độc lập của người Palestine bằng mọi giá. Thứ hai, giới lãnh đạo Palestine hoàn toàn bị chia rẽ và gần như không có tính hợp pháp trong nước. Tất cả những trở ngại này ngày càng trở nên tồi tệ hơn kể từ ngày 7/10”.
Nhà phân tích Trung Đông Leech-Ngo chỉ ra rằng nếu một nhà nước Palestine đột nhiên được công nhận, thì những vấn đề to lớn vẫn chưa thể giải quyết ngay lập tức.
“Vẫn sẽ bị chiếm đóng, vẫn có có các khu định cư, Gaza vẫn sẽ bị tàn phá, biên giới vẫn sẽ thiếu sự kiểm soát… Cuối cùng, vẫn có rất nhiều vấn đề sẽ không được giải quyết ngay lập tức”, ông kết luận.
Ngọc Ánh (theo DW)
Nguồn: https://www.congluan.vn/viec-cong-nhan-nha-nuoc-palestine-co-y-nghia-gi-post296694.html