Điểm rèn luyện là một trong những điều kiện bắt buộc trong quá trình học và xét tốt nghiệp của sinh viên. Vì vậy, dù lịch học dày đặc, sinh vẫn phải tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để tích đủ mức điểm trung bình.
Xin giấy chứng nhận của người khác để nộp minh chứng
Dưới bài đăng thảo luận về điểm rèn luyện trên fanpage của Hội Sinh viên TP.HCM gần đây, nhiều bình luận cho rằng điểm rèn luyện đang trở thành “gánh nặng” cho sinh viên. Từ đó, cụm từ “nô lệ điểm rèn luyện” xuất hiện như một cách gọi vui dù có phần hơi tiêu cực về một tiêu chí cần để xét tốt nghiệp hoặc xét học bổng.
Tài khoản tên L.T.B.T cho rằng điểm rèn luyện nên được chấm nhẹ nhàng vừa phải để sinh viên cân bằng giữa việc học và đi làm thêm.
Một người dùng khác tên N.N thì cho rằng điểm rèn luyện là áp lực vì số lượng người tham gia các hoạt động tính điểm có giới hạn. Người dùng này chia sẻ: “Đôi khi mình chưa đọc hết thông tin chương trình, mới chỉ qua vài phút mà biểu mẫu đăng ký đã khóa vì đã đủ người đăng ký”.
Vì thế, một vài sinh viên đã tìm cách đối phó để đạt đủ điểm theo quy định. Do lịch học quá dày và phải đi làm thêm, L.T.P, sinh viên năm 3 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đành xin giấy chứng nhận của bạn để nộp minh chứng.
“Các giấy chứng nhận thường để trống phần họ tên và mã số sinh viên nên tôi chỉ cần điền vào. Việc chấm điểm khá thoáng, người chấm điểm cũng không kiểm tra xem có thực sinh viên đã tham gia hay không, sinh viên chỉ cần có giấy chứng nhận ghi tên mình là được”, P. cho biết.
Động lực hay áp lực?
Tham gia hoạt động ngoại khóa để tích điểm là việc làm tích cực. Tuy nhiên, sinh viên không nên bất chấp khiến sức khỏe hay việc học chính khóa trên trường bị ảnh hưởng.
Đạt 86,5 điểm rèn luyện ở học kỳ vừa rồi, N.N.T, sinh viên khoa Dược học Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Hoạt động được cộng nhiều điểm thường đi kèm việc tham gia tổ chức các chương trình từ 4-7 ngày. Không có nhiều thời gian nên tôi sẽ dự các buổi talkshow, hội thảo hoặc chương trình ca nhạc do câu lạc bộ trong trường tổ chức để lấy điểm. Các buổi này thường kéo dài 4-5 giờ, sinh viên phải điểm danh đầu và cuối buổi thì mới được cộng 1 điểm”.
Ngoài ra, khi thiếu điểm, T. sẽ tham gia hiến máu tình nguyện vì hoạt động này được cộng tối đa 5 điểm. Dù biết có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vì cần điểm rèn luyện để xét học bổng nên T. cố gắng tham gia.
Tương tự, T.D.B, sinh viên năm 3 Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), chia sẻ, những bạn sống ở ký túc xá còn phải tham gia hoạt động “Ngày thứ bảy xanh” do ban quản lý tổ chức.
“Đây là một hoạt động tình nguyện vì môi trường do ký túc xá kết hợp với trường để tính điểm rèn luyện cho sinh viên. Tuy nhiên, hoạt động này lại được tổ chức vào sáng thứ bảy hàng tuần và bắt buộc sinh viên phải tham gia. Nếu không tham gia đủ số ngày, ký túc xá sẽ gửi danh sách về trường để trừ điểm rèn luyện”, B. nói.
Theo nam sinh viên, việc trừ điểm này là chưa hợp lý vì phần lớn sinh viên hiện nay đều có lịch học vào thứ bảy nên gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian tham gia. “Tôi nghĩ ký túc xá nên khắc phục bằng cách thay đổi thời gian tổ chức hoạt động”, B. đề xuất.
Linh hoạt để sinh viên tìm điểm dễ dàng
Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, anh Nguyễn Đăng Quang, Bí thư Đoàn Thanh niên, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết, quy chế đánh giá điểm rèn luyện được quy định theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
“Sinh viên được phổ biến quy cách tính điểm vào các buổi sinh hoạt công dân đầu năm. Điểm sẽ bao gồm nhiều thành phần như: điểm học tập, điểm ý thức về mặt kỷ luật, điểm thực hiện nội quy, điểm tham gia hoạt động phong trào…”, anh Quang thông tin.
Nhằm khuyến khích sinh viên tích cực tham gia hoạt động, phía Đoàn-Hội sẽ hướng đến những giá trị mà các bạn đạt được sau khi tham gia như năng lực tổ chức, ý thức, thái độ trong quá trình làm việc nhóm…
“Sinh viên tham gia hoạt động với mục đích chính là phát triển bản thân và khi tham gia nhiều thì điểm cộng sẽ cao. Lịch tổ chức các chương trình sẽ được sắp xếp phù hợp với lịch học của sinh viên và đăng công khai trên các trang thông tin của Đoàn-Hội để các bạn theo dõi. Hiện nay, do chú trọng vào chuyển đổi số nên một số workshop hay hội thảo cũng được tổ chức trực tuyến, điều đó giúp sinh viên dễ dàng tham dự hơn”, anh Quang nói.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng có thể tham gia các hoạt động ngoài nhà trường và nộp minh chứng để được xét cộng điểm. “Điểm rèn luyện là động lực thúc đẩy sinh viên trải nghiệm, phát triển bản thân, trở nên hòa đồng, cởi mở. Do đó, với trường hợp xin giấy chứng nhận tham gia của người khác để cộng điểm ‘ảo’, tôi nghĩ cần phải có cơ chế xử lý”, anh Quang nhận định.
Trực tiếp chấm điểm rèn luyện cho sinh viên khác, anh Nguyễn Tuấn Khanh, Liên chi hội phó Liên chi hội sinh viên khoa Hóa học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết hiếm gặp trường hợp không đủ điểm trung bình. Nếu điểm thấp thì sinh viên có thể cải thiện bằng cách tham gia các hoạt động tình nguyện thường xuyên ở lớp hay cấp khoa, cấp trường…
“Lịch học quá dày là điều khó khăn cho sinh viên khi tích điểm rèn luyện. Tuy nhiên, Đoàn-Hội, CLB… luôn cố gắng triển khai chương trình hỗ trợ vào thời gian các bạn có thể tham gia thoải mái nhất. Bên cạnh tích điểm, sinh viên còn được học thêm các kỹ năng mềm như giải quyết vấn đề, giao tiếp, sắp xếp thời gian… khi tham gia các hoạt động”, anh Khanh chia sẻ.
Nên xem điểm rèn luyện là trải nghiệm học tập
Một số sinh viên cho rằng điểm rèn luyện nên được xem là cách giúp sinh viên chủ động hơn trong việc tự giác tham gia hoạt động ngoại khóa, tạo cơ hội tiếp cận với các cơ hội việc làm hay mở rộng mối quan hệ.
Nguyễn Hoàng Mai, sinh viên khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Để cân bằng giữa việc học và điểm rèn luyện thì nên biết cách chọn lọc các hoạt động tham gia. Sinh viên chỉ nên chọn tham gia 1 đến 2 câu lạc bộ thật sự phù hợp với bản thân, tránh ôm đồm quá nhiều việc khiến việc học trì trệ. Sinh viên cũng phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lý, như vậy sẽ vừa có điểm rèn luyện, vừa có ích cho mình nhưng vẫn đảm bảo việc học trên lớp”.
Còn Võ Thái An, sinh viên khoa Báo chí Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận thấy điểm rèn luyện tại môi trường ĐH là một điều cần thiết vì ngoài học tập, sinh viên cũng cần rèn luyện đạo đức, tham gia các hoạt động xã hội…
“Tôi thường tham gia khá nhiều hoạt động như hiến tóc, Mùa Hè Xanh, Xuân Tình Nguyện, các buổi talkshow, workshop… nhưng mục đích chính không phải chỉ vì điểm rèn luyện. Vì thế, sinh viên nên cân nhắc xem hoạt động nào phù hợp với mình, hữu ích cho mình và cho xã hội, không nên đăng ký vô tội vạ để tránh mất thời gian, ảnh hưởng đến việc học”, Thái An chia sẻ.