Giá trị của một chính trị gia “No drama”
Năm 2020, Keir Starmer tiếp quản Đảng Lao động đang hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của Jeremy Corbyn, một người theo chủ nghĩa xã hội cực đoan ủng hộ việc quốc hữu hóa các mảng kinh tế của Vương quốc Anh, bài Do Thái và thậm chí cho phép các nhà hoạt động thường xuyên vẫy cờ Palestine trong những cuộc họp của đảng.
Keir Starmer, một cựu công tố viên, đã chấm dứt tất cả những điều đó. Ông kéo đảng vào vị trí trung lập, loại bỏ những thành viên có thái độ bài Do Thái. Và, hai năm sau khi nắm quyền, ông yêu cầu các thành viên Đảng Lao động phải hát bài quốc ca “God Save the King” trong cuộc họp thường niên. Những lá cờ duy nhất trong hội trường là cờ Liên hiệp Vương quốc Anh.
Hiện tại, tám năm sau khi Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu và bước vào kỷ nguyên hỗn loạn chính trị và kinh tế hậu Brexit, cử tri Anh đã yêu cầu chính trị gia được gọi là “No-Drama Starmer” ổn định đất nước bằng năng lực khô khan của ông.
Starmer trở thành Thủ tướng Anh sau khi Đảng Lao động của ông giành được một trong những đa số ghế trong quốc hội lớn nhất trong lịch sử. Trong khi đó, số ghế của Đảng Bảo thủ tụt xuống mức thấp nhất trong lịch sử hiện đại.
Quy mô của chiến thắng vang dội này chỉ kém một chút so với chiến thắng lớn nhất trước đó của Đảng Lao động vào năm 1997 dưới thời Tony Blair, người cũng đã chấm dứt thời kỳ cầm quyền lâu dài của Đảng Bảo thủ bằng cách đưa đảng của mình vào thế trung dung, mở ra thời kỳ nắm quyền kéo dài 13 năm, thời gian cầm quyền dài nhất mà Đảng Lao động từng có.
Tuy nhiên, không giống như Blair, Starmer không có sức lôi cuốn, không đưa ra tầm nhìn về sự thay đổi toàn diện và thậm chí không được nhiều người ưa chuộng. Các cuộc thăm dò thường xuyên cho thấy số cử tri không tán thành ông nhiều hơn là tán thành. Ngay cả những người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông cũng nói rằng chiến thắng này chủ yếu đến từ sự sụp đổ của Đảng Bảo thủ.
Nhưng điều gì cũng có lý do của nó. Cử tri Anh đổ xô đến Starmer như một liều thuốc giải cho tình trạng hỗn loạn hậu Brexit. Trong năm tháng của năm 2022, nước này đã có ba thủ tướng khác nhau và một cuộc chạy đua tài chính trên đồng bảng Anh. Cựu Thủ tướng Boris Johnson thậm chí bị chính đảng của mình phế truất sau nhiều vụ bê bối, bao gồm cả việc tổ chức tiệc tại Phố Downing số 10 trong thời gian phong tỏa vì đại dịch.
Vào thời điểm các đảng cực hữu dân túy đang trỗi dậy ở châu Âu, và nền chính trị Mỹ bị chi phối bởi sự hiện diện của Donald Trump, Starmer sẽ là phép thử cho câu hỏi liệu người dân có thể dựa vào một nhà lãnh đạo thực dụng thay vì đắm chìm với những lời hùng biện cao siêu, những lời hứa suông và chủ nghĩa dân túy hay không?
“Chính trị đầy rẫy những người la hét rất to về một vấn đề”, Starmer từng nói cách đây vài năm. “Nhưng có một loại đam mê khác… đó là, ‘Câu trả lời cho vấn đề đó là gì?’”
Kỷ luật và hành động
Là một sinh viên luật tại Đại học Oxford, Starmer đã bỏ tù rất nhiều kẻ khủng bố khi trở thành Trưởng công tố viên của Anh. Nhưng khi liệt kê những thành tựu lớn nhất của mình ở cương vị này, ông lại nhắc đến việc chuyển đổi hệ thống tư pháp hình sự từ giấy sang kỹ thuật số. Với tư cách là lãnh đạo của Đảng Lao động, quyết sách đầu tiên của ông là điều chỉnh các điều lệ bí ẩn của đảng để thắt chặt quyền kiểm soát của mình đối với cách thiết lập chính sách.
Keir Starmer là sự đối lập với Boris Johnson, nhà lãnh đạo cuối cùng mà nước Anh bầu vào năm 2019. Johnson lôi cuốn là sản phẩm của một trường tư thục ưu tú, để tóc vàng hoe, trích dẫn tiếng Latin và vẽ nên một viễn cảnh bao quát về “vùng cao ngập nắng” dưới thời Brexit. Còn Starmer xuất thân từ một gia cảnh khiêm tốn, đeo kính và để tóc mái gọn gàng, không có tiểu thuyết yêu thích, là một diễn giả cứng nhắc và tự giới thiệu mình là người có thể đưa ra những lựa chọn khó khăn trong thời điểm khó khăn.
Một nhân vật như vậy đến đúng vào vào lúc người Anh đang sốt ruột chờ đợi sự thay đổi và chán ngấy những lời hứa suông. Nền kinh tế Anh chỉ tăng trưởng trung bình 1,3% trong những năm kể từ năm 2016 và tiền lương thực tế đã trì trệ trong những năm gần đây. Đất nước này có 6,3 triệu người đang chờ điều trị tại Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) do nhà nước điều hành. Tài chính công bị hạn chế sau khi phân phát hàng tỷ bảng cho công chúng trong thời kỳ đại dịch và cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine gây ra. Các nhà tù chật chội đến nỗi tội phạm có thể được thả ra trước hạn.
Ông Starmer đã dành phần lớn chiến dịch tranh cử để nhấn mạnh những gì ông sẽ không làm: tăng thuế rộng rãi hoặc tăng mạnh chi tiêu, vì ông cho rằng Vương quốc Anh không đủ khả năng chi trả. Các cam kết của ông là một kế hoạch năm điểm bao gồm cắt giảm thủ tục hành chính để xây dựng thêm nhà ở, giảm nhập cư, tạo quỹ để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng xanh và giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc đặt lịch hẹn trong hệ thống y tế.
Về chính sách đối ngoại, ông Starmer cũng bày tỏ quan điểm tiếp nối các chính phủ tiền nhiệm khi giữ Mỹ gần gũi và ủng hộ Ukraine. Ông ủng hộ các doanh nghiệp và muốn hàn gắn quan hệ với châu Âu nhưng sẽ không đảo ngược Brexit. Điều gì cần ổn định, Starmer sẽ giữ ổn định. Những gì cần cải cách, sẽ được cải cách. Tất cả đều dựa trên sự thực dụng, chứ không phải để làm đẹp cho những lời hứa.
Starmer không phải… chính trị gia
Keir Starmer là một trường hợp kỳ lạ ở Westminster (Tòa nhà Quốc hội Anh). Ông không nổi tiếng với tài hùng biện. Robert Hayward – một nhà thăm dò ý kiến và là thành viên Đảng Bảo thủ của Thượng viện – cho biết, ông gần như chưa từng nghe thấy một chính trị gia người Anh có quá ít kinh nghiệm chính trị lại giành chiến thắng trong một cuộc tổng tuyển cử. Vậy mà Starmer chỉ mới tham gia chính trường cách đây 9 năm. “Starmer không biết nhiều về Đảng Lao động. Ông ấy đến từ bên ngoài”, Hayward nói.
Những cuộc phỏng vấn với hàng chục người từng làm việc với Starmer vẽ nên bức tranh về một chính trị gia sử dụng sự nghiền ngẫm tỉ mỉ để đạt được kết quả. Ông không dựa vào danh tiếng để giành được điều mình muốn. Trong chiến dịch tranh cử, khi một cử tri hỏi Starmer tại sao ông lại khô khan như vậy, Starmer đã khiến mọi người bật cười khi trả lời rằng…”cảm ơn bạn!” Những ai biết Starmer sẽ nói rằng ông có thể ra những quyết định tàn nhẫn và không ngại từ bỏ các đồng minh hoặc đảo ngược những chính sách ăn sâu bén rễ.
Khi ứng cử vào vị trí lãnh đạo Đảng Lao động năm 2020, ông đã định vị mình là đồng minh của phe cánh tả, cam kết quốc hữu hóa ngành năng lượng của Vương quốc Anh và xóa bỏ học phí đại học. Ông cũng gọi Corbyn là bạn. Nhưng chỉ trong vài tháng sau khi trở thành lãnh đạo Đảng Lao động, Starmer đã loại bỏ những chính sách đó, đình chỉ Corbyn khỏi đảng và chấp nhận Brexit dù trước đó từng đi khắp Vương quốc Anh để vận động cử tri không bỏ phiếu cho việc rời EU.
Chỉ riêng trong năm qua, Keir Starmer đã hủy bỏ một kế hoạch đầu tư xanh trị giá 28 tỷ bảng/năm vốn được ca ngợi từ lâu và làm loãng một chính sách cải thiện quyền của người lao động. Điều này đã biến ông thành một nhân vật đáng ghét đối với phe cực tả của đảng và khiến nhiều cử tri truyền thống của Đảng Lao động không còn nhiệt tình với ông.
Ông Starmer lớn lên trong hoàn cảnh khiêm tốn ngay phía nam London tại một nơi gọi là Oxted, một vùng ngoại ô giàu có và là trung tâm của Đảng Bảo thủ. Cha mẹ ông đặt tên con trai theo tên người sáng lập Đảng Lao động, Keir Hardie. Cha ông là một thợ cơ khí và tận tụy chăm sóc mẹ của Starmer, một cựu y tá mắc phải một dạng viêm khớp hiếm gặp khiến bà phải vật lộn để đi lại. Keir trở thành người đầu tiên trong gia đình tốt nghiệp đại học.
Ra trường, Keir Starmer bắt đầu sự nghiệp luật sư nhân quyền theo chủ nghĩa tự do. Ông được ca ngợi vì đại diện cho những người phải đối mặt với án tử hình ở Caribe và châu Phi. Ông từng thắng một số vụ kiện quan trọng, bao gồm một vụ kiện giúp lật ngược án tử hình bắt buộc ở Uganda và đã làm việc miễn phí trong gần một thập kỷ để bảo vệ hai nhà hoạt động ăn chay mà McDonald’s kiện vì tội phỉ báng sau khi họ phát tờ rơi chỉ trích tập đoàn này.
Năm 2008, Starmer trở thành Trưởng công tố Vương quốc Anh. Ông dành 9 tháng để thăm tất cả 42 văn phòng khu vực của cơ quan công tố. Khi ấy, ngân sách của cơ quan này đã bị cắt giảm khoảng một phần ba khi chính phủ Bảo thủ cầm quyền cắt giảm chi tiêu công để vá víu tài chính của chính phủ. Starmer cảm thấy quy mô cắt giảm chi tiêu có nguy cơ gây tổn hại đến nền tảng của nhà nước phúc lợi Anh được tạo ra sau Thế chiến II. Vì thế, ở độ tuổi 50, ông đã tham gia chính trường với tư cách là một nhà lập pháp của Đảng Lao động.
Và phần còn lại là những gì chúng ta đã thấy. Lạnh lùng và lý tính, Starmer đã cải tổ đảng này mạnh mẽ, đưa Đảng Lao động vươn lên nắm lấy thời cơ lịch sử để giành lại quyền lực sau 14 năm chứng kiến Đảng Bảo thủ dẫn dắt chính trường.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/vi-sao-nguoi-dan-vuong-quoc-anh-bau-sir-keir-starmer-lam-thu-tuong-post302561.html