Chiều 9/9, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023 sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì buổi họp báo.
Tại họp báo, phóng viên báo chí đã gửi câu hỏi đến Trung tướng Tô Ân Xô – Người phát ngôn Bộ Công an liên quan đến vụ Việt Á. Cụ thể, hồi đầu tháng 6/2023, Bộ Công an cho biết, Việt Á kiếm lãi khoảng 4000 tỷ đồng và chi khoảng 800 tỷ để bôi trơn nhưng trong kết luận điều tra đã ban hành thì Bộ Công an xác định số tiền Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1200 tỷ đồng, số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Xin Bộ Công an giải thích việc chênh lệch ở những con số này?
Theo kết luận thì một số lãnh đạo dù nhận tiền cảm ơn lớn nhưng chỉ bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ và vi phạm về đấu thầu trong vụ Việt Á. Vậy Bộ Công an lý giải sao về việc này? Và cơ quan điều tra – Bộ Công an có tính đến việc tiếp tục mở rộng điều tra vụ án này hay không?
Trả lời nội dung nêu trên, giải thích về sự chênh lệch giữa số liệu ban đầu của cơ quan điều tra thông báo về doanh thu, số tiền (trích hoa hồng, bôi trơn) so với kết luận điều tra, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết: Sau khi khởi tố vụ án, Phan Quốc Việt cùng các bị can có liên quan có khai là công ty có doanh thu và lợi nhuận khoảng 4000 tỷ đồng. Trong đó, Phan Quốc Việt dùng 20 đến 25% số tiền này tương ứng với khoảng 800 tỷ đồng để chi phần trăm ngoài hợp đồng cho các đơn vị, các đối tác mua kít xét nghiệm, vật tư, sinh phẩm y tế khác.
“Đây là lời khai ban đầu của Việt Á và cơ quan điều tra, Người phát ngôn đã cung cấp cho phóng viên các thông tin ở các kỳ họp trước. Sau khi có kết luận điều tra ban hành ngày 17/8 thì có những con số chênh lệch”, ông Tô Ân Xô nói.
Trung tướng Tô Ân Xô giải thích cụ thể: Thứ nhất, không thể dùng lời khai ban đầu của các đối tượng để làm căn cứ đưa vào kết luận điều tra, vì nguyên tắc là “trọng chứng hơn trọng lời khai”.
Thứ hai là chỉ khi nào có đủ căn cứ chứng minh là việc đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì mới có thể khởi tố, điều tra kết luận và truy tố.
Thứ ba là chứng cứ rõ đến đâu kết luận đến đó.
Thứ tư là ngoài việc Bộ Công an giao C03 tiến hành điều tra thì đã phân công, uỷ thác điều tra cho công an 61 tỉnh, thành phố điều tra liên quan đến vụ Việt Á. Hiện nay, một số tỉnh vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ con số tiền thu lợi bất chính và tiền bôi trơn trong vụ án này.
Giải thích vì sao cùng một hành vi nhận tiền mà bị can này bị khởi tố tội danh này, bị can kia lại khởi tố tội danh kia? Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, phương thức, cách thức và hoàn cảnh nhận tiền của các bị can trong vụ Việt Á rất khác nhau. Có bị can thì đặt yêu cầu, nêu thoả thuận, đặt điều kiện với đối tượng đưa tiền. Và họ nhận tiền xong mới xử lý việc 2 bên đặt yêu cầu.
Trong khi đó, có những đối tượng, bị can không đưa ra yêu cầu, thoả thuận, điều kiện nào trong xử lý công việc. Và họ nhận tiền, quà sau khi sau khi công việc đã hoàn thành.
“Có bị can nói là tôi nhận những cái này là quà biếu, quà tặng nhưng vẫn bị xử lý hình sự. Như vậy, động cơ, hành vi khác nhau trong việc nhận tiền thì sẽ bị xử lý khác nhau”, ông Tô Ân Xô nêu rõ.
Thông tin thêm về vụ Việt Á, ông Tô Ân Xô cho biết, việc khởi tố điều tra, đề nghị truy tố với các bị can về các tội danh trong kết luận điều tra (Bộ Công an đã đề nghị truy tố 38 bị can về 6 tội danh) đã được Bộ Công an tiến hành khoa học, khách quan, toàn diện, triệt để, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Quán triệt và thực hiện chủ trương là: Nhân văn, nhân ái nhưng cũng rất nghiêm khắc mà Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương đã chỉ đạo.
Cùng với đó là có sự phân hoá rõ với từng bị can, từng hành vi tội phạm một cách thấu đáo; phân tích rõ tình tiết nào là tăng nặng, tình tiết nào là giảm nhẹ, tình tiết nào là khoan hồng trên nguyên tắc không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.