Tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Trình bày Báo cáo tóm tắt Kết quả thực hiện giám sát chuyên đề các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm so với yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Đối với một số dự án được phân chia thành các dự án thành phần do các địa phương khác nhau làm cơ quan chủ quản vận hành độc lập, nên khó khăn trong việc điều hòa, phối hợp, cân đối tổng mức đầu tư giữa các dự án thành phần.
Công tác dự báo, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng.
Tại một số dự án, việc thực hiện các công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán còn bất cập; công tác nghiệm thu, thanh toán, quản lý chi phí đầu tư, chất lượng công trình còn một số hạn chế.
Một số dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS); việc chưa tổ chức thu phí dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình; trên nhiều đoạn, tuyến đường còn tồn tại, bất cập…
Báo cáo của Đoàn giám sát cũng nêu cụ thể các nguyên của tồn tại, hạn chế (nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương…
Về nguyên nhân khách quan ông Mạnh chỉ ra, dịch Covid-19 kéo dài gần 2 năm đã ảnh hưởng lớn, làm chậm tiến độ thi công. Xung đột địa chính trị trên thế giới làm giá nhiên, nguyên vật liệu tăng cao ngoài dự đoán.
Một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, quá trình triển khai thực hiện do không lựa chọn được nhà đầu tư đã phải báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển đổi sang hình thức đầu tư công, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện.
Các cơ quan trong thời gian đầu áp dụng cơ chế,chính sách đặc thù còn lúng túng, hướng dẫn của các Bộ, ngành còn chưa kịp thời hoặc có cách hiểu khác nhau gây khó khăn khi triển khai như thủ tục cấp mỏ trực tiếp cho nhà thầu, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng; một số quy định pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ, dẫn đến khó khănkhi áp dụng.
Trách nhiệm của các cơ quan thế nào?
Về nguyên nhân chủ quan, công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án còn bị động, chất lượng chưa cao, chưa sát thực tế, còntình trạngthiếu sót trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán và thi công của một số chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, nhà thầu.
Một số cơ quan triển khai chưa quyết liệt, còn tình trạng né tránh trách nhiệm. Năng lực của Ban quản lý dự án tại một số địa phương được giao làm cơ quan chủ quản chưa đồng đều, có địa phương làm chưa tốt ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của các dự án thành phần.
Việc triển khai khối lượng lớn các dự án trong cùng một khoảng thời gian làm hạn chế việc huy động các nguồn lực thực hiện tại một số dự án và tại một số thời điểm dẫn đến tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu…
Tại một số địa phương, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thu hồi đất cho các dự án còn chậm, do đây là việc khó, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những bất cập trong quản lý đất đai tồn tại trong thời gian dài khi kiểm đếm, đền bù hỗ trợ còn gặp nhiều khó khăn…
Về trách nhiệm của các cơ quan, ông Mạnh cho biết, các cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện dự án có trách nhiệm trong việc chưa sâu sát, chưa quyết liệt, chưa kịp thời phối hợp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh, dẫn đến một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ.
Các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn, cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trong việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật và dự toán có một số nội dung chưa phù hợp, chưa chuẩn xác, chưa dự báo được các vấn đề phát sinh; sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư một số dự án thành phần phải điều chỉnh; khảo sát mỏ vật liệu xây dựng tại một số dự án còn chưa phù hợp với thực tế, chưa lường trước được khó khăn khi khai thác.
Các địa phương chịu trách nhiệm trong việc chậm bàn giao mặt bằng, quản lý giá vật liệu xây dựng, chậm cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm trong việc triển khai, thực hiện một số dự án chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra.
Các dự án quan trọng quốc gia bao gồm: Dự án Sân bay Long Thành; các dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 và 2021 – 2025; dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng giai đoạn 1. Đây là các dự án do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư nhằm đẩy mạnh triển khai một trong ba đột phá của Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 về xây dựng kết cấu hạ tầng.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-mot-so-du-an-quan-trong-quoc-gia-cham-tien-do-a665213.html