Hồi tuần trước, Nhật Bản đã lần đầu tiên đưa ra cảnh báo về nguy cơ xảy ra siêu động đất xung quanh rãnh Nankai chạy dọc theo bờ biển Thái Bình Dương, khiến Thủ tướng Kishida Fumio phải hủy kế hoạch công du châu Á và hàng nghìn người hủy kế hoạch du lịch.
Nhật Bản đang cảnh giác cao độ với cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất trong tuần này. (Nguồn: NHK) |
Cảnh báo này được Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đưa ra hôm 8/8, vài giờ sau một trận động đất có độ lớn 7,1 độ richter ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki, trên rìa phía Tây của rãnh Nankai, làm rung chuyển khu vực Tây Nam Nhật Bản.
Tại sao lại có cảnh báo siêu động đất?
JMA dự báo, siêu động đất với tâm chấn giả định thuộc rãnh thấp Nankai là nguy cơ tương đối cao hơn so với bình thường, không chỉ giới hạn trong khu vực xung quanh trận động đất lần này mà có thể mở rộng ở toàn bộ khu vực thuộc rãnh thấp Nankai.
Theo JMA, trong trường hợp xấu nhất, một trận động đất mạnh có thể làm rung chuyển một khu vực rộng lớn của Nhật Bản, từ vùng Kanto, mà trọng tâm là Tokyo, đến vùng Kyushu phía Tây Nam và sóng thần cao có thể sẽ xuất hiện dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ vùng Kanto đến vùng Okinawa.
Hồi tháng 1, Ủy ban Nghiên cứu động đất của chính phủ Nhật Bản đã dự báo khả năng xảy ra động đất có độ lớn từ 8-9 độ richter, gần rãnh Nankai trong 30 năm tới là khoảng 70-80%.
Sau khi đánh giá trận động đất mới nhất ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Miyazaki nói trên, người đứng đầu ủy ban trên Naoshi Hirata nhận định, khả năng xảy ra động đất lớn dọc theo rãnh Nankai hiện đã tăng “nhiều lần”.
Tuy nhiên, ông cũng không thể dự báo chính xác các khu vực cần chuẩn bị ứng phó thảm họa nhưng kêu gọi mọi người cần thận trọng với mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Theo JMA, nguy cơ siêu động đất có thể xảy ra vào một ngày nào đó trong vòng 1 tuần kể từ khi đưa ra cảnh báo.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã quyết định hủy bỏ kế hoạch thăm các nước Trung Á là Kazakhstan, Uzbekistan và Mông Cổ, vốn dự kiến diễn ra từ ngày 9-12/8, để tập trung chỉ đạo công tác ứng phó với nguy cơ xảy ra động đất lớn.
Nhà lãnh đạo cũng kêu gọi người dân cần chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với nguy cơ xảy ra động đất tiếp theo.
Nhật Bản rốt ráo công tác ứng phó
Các nhà khoa học nghiên cứu động đất của Nhật Bản đã khuyến cáo nước này nên chuẩn bị cho một trận “siêu động đất” tiềm tàng có thể xảy ra vào một ngày nào đó và khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, tuy nhiên họ nhấn mạnh rằng, cảnh báo này không có nghĩa là một trận động đất lớn sắp xảy ra.
Với vị trí địa lý nằm dọc theo “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, một vành đai kiến tạo động đất hoạt động mạnh nhất thế giới, Nhật Bản thường xuyên phải trải qua các trận động đất, thậm chí là sóng thần, xứ sở Mặt trời mọc không bao giờ phớt lờ các nguy cơ về thảm họa này.
Một cảnh báo yêu cầu người dân không tắm biển tại một bãi biển ở Hiratsuka vào ngày 10/8. (Nguồn: AFP) |
Sau cảnh báo của JMA, người dân các tỉnh ven biển của Nhật Bản đã đẩy mạnh công tác chuẩn bị ứng phó với nguy cơ xảy ra siêu động đất, bao gồm thiết lập các tuyến đường sơ tán an toàn, kiểm tra và sửa chữa các điều kiện vật chất tại những cơ sở tránh trú và lập thêm hàng chục địa điểm phục vụ người dân di tản..
Với vị trí địa lý nằm dọc theo “Vành đai lửa Thái Bình Dương”, một vành đai kiến tạo động đất hoạt động mạnh nhất thế giới, Nhật Bản thường xuyên phải trải qua các trận động đất, thậm chí là sóng thần. |
Tại tỉnh Kochi, phía Tây Nhật Bản, nếu kịch bản siêu động đất xảy ra, có thể kèm theo sóng thần cao đến 34m và ập đến thị trấn Kuroshio của tỉnh này, vì vậy, giới chức địa phương đã kêu gọi người cao tuổi và những người gặp khó khăn về vấn đề đi lại cần chủ động tìm đến những địa điểm an toàn hơn trong thời gian này.
Các lực lượng ứng phó khẩn cấp với khủng hoảng luôn trong trạng thái cảnh giác 24/7.
Mặc dù cẩn thận với công tác chuẩn bị ứng phó, chính phủ Nhật Bản vẫn kêu gọi người dân không tích trữ quá nhiều bộ dụng cụ khẩn cấp dùng trong thảm họa.
Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản đã chia sẻ một hướng dẫn trên trang mạng xã hội, kêu gọi người dân không nên tích trữ thực phẩm mà khuyến nghị người dân chỉ mua nhiều hơn bình thường một chút mỗi ngày, sử dụng hết thực phẩm đã mua rồi mới bổ sung để dự trữ.
Lời kêu gọi được đưa ra bởi một số mặt hàng đã cạn kiệt do nhu cầu tăng đột biến sau khi nhà chức trách cảnh báo nguy cơ xảy ra siêu động đất.
Trên các trang web mua sắm trực tuyến của Amazon và Rakuten Group, các mặt hàng như nước uống, nhà vệ sinh di động khẩn cấp và thực phẩm đóng hộp đã nhanh chóng trở thành các sản phẩm bán chạy nhất, một số thậm chí cháy hàng.
Nhu cầu về nước, ba lô đựng bộ dụng cụ khẩn cấp và các sản phẩm ngăn đồ đạc bị đổ cũng đặc biệt tăng cao, nhất là ở miền Trung Nhật Bản, một trong những khu vực có nguy cơ xảy ra động đất lớn.
Các siêu thị đã buộc phải giới hạn bán không quá 12 chai nước uống dung tích 2 lít cho mỗi gia đình để ngăn chặn tình trạng tích trữ hàng hóa.
Cảnh báo của JMA cũng đã khiến hàng nghìn người hủy đặt phòng khách sạn tại những khu vực được xác định có nguy cơ cao, gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các công ty, do đây là thời điểm người dân bắt đầu dịp nghỉ lễ Obon, một trong những kỳ nghỉ dài ngày của người dân Nhật Bản trong tháng 8, từ ngày 13-16/8.
Tại Kochi, ít nhất 9.400 người đã hủy đặt phòng khách sạn kể từ khi có cảnh báo của JMA, gây thiệt hại khoảng 140 triệu Yen (948.000 USD).
Nguồn: https://baoquocte.vn/nhat-ban-lan-dau-tien-canh-bao-ve-nguy-co-sieu-dong-dat-vi-sao-lai-xay-ra-dieu-nay-282537.html