Người chèo đò không muốn ký hợp đồng
Ngày 8.7, Công ty TNHH Đầu tư – thương mại – dịch vụ Tràng An (đơn vị quản lý, khai thác Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động) ra thông báo về việc tạm dừng hoạt động khu du lịch Tam Cốc – Bích Động để sửa chữa, nâng cấp các công trình, hạng mục trong khu du lịch.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân chính dẫn tới việc tạm dừng hoạt động là do giữa doanh nghiệp với người chèo đò không thống nhất được việc ký hợp đồng lao động.
Một người có nhiều năm chèo đò ở thôn Văn Lâm cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ trước, người dân thôn Văn Lâm đã bắt đầu chèo đò chở du khách tham quan các danh lam, thắng cảnh dọc sông Ngô Đồng. Dần dần, Tam Cốc – Bích Động được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, đổ về đây và trở thành khu du lịch nổi tiếng.
“Trước đây, bà con thôn Văn Lâm thấy nhiều người có nhu cầu tham quan nên đóng thuyền chèo đò phục vụ và lấy tiền công. Hơn 30 năm qua, nghề chèo đò trở thành một trong những nguồn thu nhập thường xuyên của hàng trăm người dân địa phương. Ngoài chở khách, người dân xã Ninh Hải còn chèo đò dọc sông Ngô Đồng, vào sâu bên trong để trồng và thu hoạch lúa. Giờ doanh nghiệp vào quản lý rồi họ bảo ký hợp đồng lao động, bà con chúng tôi thấy không hợp lý nên chưa đồng ý”, một người dân thôn Văn Lâm cho hay.
Hơn 10 năm trước, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường được quyền quản lý, điều hành hoạt động Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Kể từ đó, du khách muốn tham quan bằng đò dọc sông Ngô Đồng phải mua vé. Tiền bán vé một phần được trả công cho người chèo đò, phần còn lại doanh nghiệp thu. Hiện nay, việc quản lý điều hành Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động là Công ty TNHH Đầu tư – thương mại – dịch vụ Tràng An.
Ông Đinh Văn Đập (72 tuổi, ngụ thôn Văn Lâm), cho hay: “Tôi năm nay 72 tuổi nhưng vẫn đang chèo đò. Đa số người dân lái đò đều cao tuổi, thấp thì hơn 60 tuổi, cao đã gần 80 tuổi. Bến đò Tam Cốc đã có hơn 40 năm nay rồi. Chúng tôi xem hợp đồng chưa thấy hợp lý nên chưa ký. Còn việc tạm dừng hoạt động khu du lịch là do doanh nghiệp dừng. Gần 2 tháng đã phải dừng đò rồi, chúng tôi bức xúc lắm chứ”.
Cũng theo ông Đập, hiện nay, bình quân mỗi tháng một gia đình chỉ được chở từ 4 – 5 lượt đò, với nguồn thu 150.000 đồng/lượt. Như vậy, thực tế mỗi tháng người dân chỉ chèo 5 ngày, những ngày còn lại làm việc khác để bảo đảm cuộc sống. “Giờ công ty yêu cầu ký hợp đồng mỗi tháng phải làm 24 ngày, mỗi ngày 8 tiếng. Trong khi thực tế bà con chỉ lái đò có 5 ngày, thế còn gần 20 ngày thì làm gì, bà con không thể đi cuốc đất, trồng cây cho họ được. Nên bà con chúng tôi chưa đồng ý ký hợp đồng lao động”, ông Đập nói.
Nhiều ý kiến người dân cũng cho rằng môi trường, dòng sông là tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên quốc gia, đò do người dân tự bỏ tiền đóng thì lý do gì bà con lại phải ký hợp đồng để chịu sự ràng buộc về thời gian.
Ảnh hưởng lớn nếu không sớm trở lại hoạt động
Ngày 30.8, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Cao Tấn, Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, cho biết đến ngày 30.8, hoạt động chèo đò ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động vẫn chưa thể hoạt động bình thường, dù doanh nghiệp đã thông báo hoạt động trở lại từ ngày 21.8.
“Sau khi doanh nghiệp thông báo tạm dừng hoạt động vào ngày 8.7, chúng tôi đã yêu cầu doanh nghiệp phải cho hoạt động trở lại. Đến ngày 21.8 thì thông báo mở cửa trở lại, nhưng vẫn không thể phục vụ du khách vì chưa triển khai được việc chèo đò”, ông Tấn cho hay.
Cũng theo ông Tấn, thời gian qua, chính quyền địa phương cùng với các đơn vị chức năng đã nhiều lần đến tuyên truyền, vận động, đối thoại, gặp gỡ người dân nhưng vẫn chưa nhận được sự thống nhất của người chèo đò. Đa phần người chèo đò vẫn không muốn ký hợp đồng vì sợ bị ràng buộc về thời gian, hợp đồng chỉ kéo dài có 1 năm và do một số nguyên nhân khác.
“Chúng tôi cũng tìm hiểu hương ước của làng, có những điểm rất nhân văn, như những người neo đơn, người tàn tật, hộ gia đình khó khăn sẽ được ưu tiên cấp số đò (số thứ tự lượt chèo đò – PV) để có kế sinh nhai, có công việc, thu nhập. Nhưng để hướng tới một ngành du lịch chất lượng, đảm bảo quy định thì phải có quy định trách nhiệm với nhau để tránh những điều không văn hóa, văn minh xảy ra ở khu du lịch, nên cần có hợp đồng để có trách nhiệm, cam kết với nhau để cùng hướng đến môi trường du lịch tốt hơn”, ông Tấn nói.
Việc triển khai ký hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp với người chèo đò ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động không phải bây giờ mới triển khai, trước đây đã từng có nhiều lần làm nhưng cũng không nhận được sự đồng thuận của người dân nên phải dừng lại.
Cũng theo ông Tấn, việc Tam Cốc – Bích Động bị tê liệt thời gian qua đã làm ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh du lịch của Ninh Bình nói chung và của khu du lịch nói riêng. Đặc biệt, Tam Cốc – Bích Động nằm trong quần thể di sản Tràng An, một tuyến du lịch gây rất nhiều ấn tượng cho du khách trong nước và quốc tế.
Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động nằm trong quần thể di sản Tràng An. Tại khu du lịch này hiện có hơn 600 chiếc đò do người dân tự bỏ tiền đóng và chở khách du lịch tham quan. Du khách khi tham quan bằng đò phải mua vé do Công ty TNHH Đầu tư – thương mại – dịch vụ Tràng An tổ chức bán. Tiền vé thời gian qua đang triển khai thu đối với chở khách người Việt Nam là 630.000 đồng/chuyến (chở 4 du khách); trong đó, trả cho người chở đò là 150.000 đồng/chuyến, còn lại 480.000 đồng doanh nghiệp thu; đối với chở du khách nước ngoài giá vé 390.000 đồng/chuyến (chở 2 du khách), trong đó trả cho người chở đò 150.000 đồng/chuyến, doanh nghiệp thu 240.000 đồng/chuyến.