Bước ngoặt chính sách
Chính phủ Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel từng hạn chế xuất khẩu vũ khí sang Ả Rập Xê Út vào tháng 10 năm 2018. Điều này nhằm đáp lại vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul và sự can dự của Ả Rập Xê Út vào cuộc nội chiến ở Yemen.
Nhưng giờ đây, chỉ hơn 5 năm sau, Chính phủ Đức do Thủ tướng Olaf Scholz đứng đầu đang đánh giá lại mối quan hệ của mình với Ả Rập Xê Út. Liên minh trung tả cầm quyền của Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) , Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do tân tự do (FDP) đã xem xét lại quan điểm của Đức về vấn đề này.
Vào cuối tháng 12 vừa rồi, Chính phủ Đức được cho là đã phê duyệt việc xuất khẩu 150 tên lửa phòng không IRIS-T sang Ả Rập Xê Út. Người phát ngôn chính phủ Steffen Hebestreit đã xác nhận điều này vào thứ Tư, ngày 10 tháng 1.
Ngoại trưởng Annalena Baerbock (Đảng Xanh) ngày 7/1 cho biết sau vụ tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel hôm 7/10, Ả Rập Xê Út đã và đang đóng góp đáng kể cho an ninh của Israel. “Và điều này giúp ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng khắp khu vực”, bà nói.
Bà Baerbock cũng không còn muốn ngăn chặn việc bán máy bay chiến đấu của châu Âu cho Ả Rập Xê Út. Hiện đã có 72 chiếc Eurofighter bay dưới lá cờ của hoàng gia Ả Rập Xê Út. Vương quốc Anh muốn cung cấp thêm 48 chiếc nữa. Nhưng điều này cần phải có sự chấp thuận của Chính phủ Đức vì Eurofighter, còn được gọi là Typhoon, là sản phẩm chung của nhiều nước châu Âu, trong đó có Đức và Anh.
Người phát ngôn chính phủ Đức, ông Steffen Hebestreit hôm thứ Hai cho biết tại một cuộc họp báo ở Berlin: “Không quân Ả Rập Xê Út cũng sử dụng Eurofighter để bắn hạ các tên lửa của Houthi đang hướng tới Israel. Và dựa trên tất cả những diễn biến này, cần phải làm rõ quan điểm của Chính phủ Đức đối với Eurofighter”.
Bất đồng trong thỏa thuận liên minh
Nhóm đối lập lớn nhất trong Quốc hội Đức, khối bảo thủ của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), cũng đã hoan nghênh đường lối mới của chính quyền liên bang. Tuy nhiên, cũng có sự phản đối từ các nhà lập pháp Đảng Xanh, những người rất ngạc nhiên trước thông báo của Ngoại trưởng Baerbock.
Sara Nanni, người phát ngôn chính sách quốc phòng của nhóm nghị sĩ thuộc Đảng Xanh trong Quốc hội Đức, cho biết: “Vấn đề xuất khẩu vũ khí luôn là vấn đề cốt lõi của Đảng Xanh”.
Đảng Xanh có nguồn gốc từ phong trào hòa bình ở Đức. Và chính sách đối ngoại của họ được định hình bởi quan điểm đạo đức hơn là những cân nhắc về địa chính trị. Thỏa thuận liên minh giữa SPD, FDP và Đảng Xanh từ năm 2021 nêu rõ rằng sẽ không phê duyệt việc giao vũ khí cho bất kỳ quốc gia nào trực tiếp tham gia vào cuộc chiến ở Yemen.
Nghị sĩ đảng Xanh Sara Nanni vẫn giữ nguyên quyết định này. Mặc dù vai trò của Ả Rập Xê Út trong cuộc xung đột Yemen đã thay đổi một chút, nhưng “đó không phải là lý do để tôi chấp thuận việc chuyển giao Eurofighters”, bà Nanni nói với DW.
Sau 9 năm chiến tranh, mức độ cam kết của Ả Rập Xê Út đã thay đổi và Thái tử nước này, Mohammed bin Salman đã cởi mở về mong muốn thoát khỏi cuộc chiến tốn kém, làm dấy lên hy vọng về các cuộc đàm phán hòa bình sắp xảy ra tại Yemen.
Ả Rập Xê Út được coi là một thị trường khổng lồ cho thiết bị quân sự. Quốc gia này đã chi khoảng 75 tỷ USD cho vũ khí chỉ riêng trong năm 2022.
Sự do dự của người Đức bắt nguồn từ lịch sử
Đức đứng thứ 5 trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tổng hợp. Tuy nhiên, họ được coi là do dự khi xuất khẩu thiết bị sang các nước ngoài liên minh NATO. Tội ác của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai thường được coi là nguyên nhân dẫn đến sự miễn cưỡng này.
Nghị sĩ Sara Nanni nói: “Đó không chỉ là trách nhiệm lịch sử của chúng tôi mà còn là sự hiểu biết của Đức về thiệt hại do chiến tranh và bạo lực gây ra bởi những kẻ hung hãn. Ở đây, điều này có lẽ còn rõ ràng hơn ở các quốc gia khác”.
Trong các dự án vũ khí chung như Eurofighter, sự kiềm chế này thường vấp phải sự bất bình của các đối tác của Đức như Vương quốc Anh. Chính phủ Đức đã từ chối cấp giấy phép cho các công ty Đức và thậm chí cả các đối tác quốc tế của họ bán vũ khí cho Ả Rập Xê Út.
Đại diện ngành công nghiệp quốc phòng từng cảnh báo rằng các dự án chung trong tương lai, chẳng hạn như chế tạo xe tăng hoặc máy bay, có nguy cơ gặp rủi ro vì các đối tác tiềm năng lo ngại các hạn chế xuất khẩu của Đức.
Bước ngoặt của Chính phủ Đức giờ đây sẽ làm dấy lên hy vọng giành được các thỏa thuận bán vũ khí mới trị giá hàng tỷ euro. Matthias Wachter từ BDI, một hiệp hội thúc đẩy các ngành công nghiệp cốt lõi của châu Âu, nhận định: “Việc chấm dứt lệnh cấm (bán vũ khí) của Đức là chính đáng và cần thiết”.
Ông Wachter nói thêm: “Nó giúp Israel và ngăn chặn việc Đức bị cô lập ở châu Âu về chính sách vũ khí. Châu Âu chỉ có thể hợp tác nhiều hơn trong chính sách an ninh với sự tin tưởng lớn hơn chứ không phải thông qua quyền phủ quyết”.
Nguyễn Khánh