Vì sao dạy nghề, tạo việc làm lại là cách làm quan trọng giảm nghèo ở Quảng Ngãi?

Báo Dân ViệtBáo Dân Việt07/02/2025

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ đó đã tạo sinh kế cho người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao đời sống và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.


Chú trọng công tác đào tạo nghề

Ông Nguyễn Hữu Dũng – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Chương trình giảm nghèo), đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng công tác tư vấn, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần tạo sự thành công trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương".

Quảng Ngãi thực hiện giảm nghèo bền vững như thế nào? - Ảnh 1.

Một lớp đào tạo nghề trồng hoa, cây cảnh cho phụ nữ xã Bình Thới (nay là Thị Trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: Hải Yến.

Từ nguồn vốn thuộc Chương trình giảm nghèo, tỉnh đã hỗ trợ cho hơn 200 dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 4.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo tham gia; giúp cho các đối tượng tiếp cận được khoa học, kỹ thuật trong lao động sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững.

Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 2.500 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; thực hiện hỗ trợ các thủ tục đưa gần 200 lao động trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện các phiên giao dịch việc làm với gần 400.000 lượt người lao động tham gia; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho gần 450 lao động.

Quảng Ngãi thực hiện giảm nghèo bền vững như thế nào? - Ảnh 2.

Nhờ được đào tạo nghề bài bản, nhiều hộ nghèo ở Quảng Ngãi đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để thoát nghèo bền vững. Ảnh: Q.N.

Giai đoạn 2022-2024, tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức 111 lớp đào tạo nghề cho 2.498 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo (1.034 người thuộc hộ nghèo; 1.143 người thuộc hộ cận nghèo; 321 người thuộc hộ mới thoát nghèo.

Học nghề có việc làm và thu nhập ổn định

Theo ông Dũng, thời gian qua tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo nghề tại các huyện miền núi, từ đó sau khi được đào tạo nghề bài bản, nhiều nông dân, hộ nghèo đã phát huy được hiệu quả và tạo việc làm tăng thu nhập.

Quảng Ngãi thực hiện giảm nghèo bền vững như thế nào? - Ảnh 3.

Nông dân được đào tạo thực hành vận hành, bảo dưỡng, bảo trì máy cày tại xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Ảnh: Hải Yến.

"Đặc biệt, tại các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, thời gian qua đã tổ chức 73 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 2.124 lao động thuộc Chương trình là: người dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chủ yếu đào tạo các nghề chính như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau an toàn, sửa chữa máy nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã mở 10 phiên giao dịch việc làm tại các huyện Sơn Tây, Trà Bồng, Ba Tơ...", ông Dũng nói.

Quảng Ngãi thực hiện giảm nghèo bền vững như thế nào? - Ảnh 4.

Nhiều lao động nông thôn ở tỉnh Quảng Ngãi đã được học nghề may và có thu nhập ổn định. Ảnh: Quảng Ngãi

Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất – kinh doanh, tạo việc làm tại chỗ, có thu nhập cao hơn, thúc đẩy tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, giảm nghèo..., góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 ước còn khoảng 4,53%. Đặc biệt, các huyện miền núi hằng năm có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, vượt chỉ tiêu giao 1,63% (chỉ tiêu giao giảm bình quân mỗi năm từ 4-4,5%).

Theo ông Dũng, bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn do: một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, chưa chịu khó lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo; người lao động không muốn tham gia đăng ký học nghề; các cơ sở đào tạo nghề chỉ tập trung thực hiện các lớp đào tạo theo kế hoạch của nhà trường, chưa tích cực trong việc phối hợp với cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc ký kết hợp đồng đào tạo từ nguồn vốn của Chương trình.

Quảng Ngãi thực hiện giảm nghèo bền vững như thế nào? - Ảnh 5.

Nhiều mô hình, dự án kinh tế được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã giúp cho người dân cải thiện thu nhập. Ảnh: T.H.

"Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đổi mới phương thức tuyển sinh và hình thức đào tạo nghề phù hợp với đối tượng người lao động thuộc Chương trình; liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; triển khai có hiệu quả các chương trình hợp tác với doanh nghiệp trong tiếp nhận và sử dụng lao động sau khi hoàn thành khóa học...", ông Dũng cho hay.



Nguồn: https://danviet.vn/vi-sao-day-nghe-tao-viec-lam-lai-la-cach-lam-quan-trong-giam-ngheo-o-quang-ngai-20250206220855687.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available