Theo UBND TP.Hạ Long (Quảng Ninh), từ năm 2019, địa phương có chủ trương thay thế tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ thép phục vụ vận chuyển khách tham quan trên vịnh Hạ Long. Chủ trương này của tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng tàu tham quan, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách, bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long.
Cụ thể, đối với tàu tham quan: Một tàu vỏ gỗ được thay thế bằng một tàu vỏ thép hoặc vật liệu tương đương, trọng tải từ 48 – 100 ghế. Đối với tàu lưu trú: một tàu vỏ gỗ được thay thế bằng một tàu vỏ thép, không tăng số giường; khuyến khích thay thế từ 2 tàu trọng tải nhỏ trở lên bằng tàu có trọng tải lớn hơn (cho phép số giường tàu đóng mới lớn hơn tổng số giường của các tàu được thay thế không quá 30%).
Trước đó, để nâng cao chất lượng và giảm số lượng tàu du lịch, tỉnh Quảng Ninh chủ trương tàu mới thay thế tàu cũ phải lớn hơn, nhưng không làm tăng tổng số ghế, giường của đội tàu. Theo đó, nhiều trường hợp, các chủ tàu phải đổi 2 – 3 tàu cũ để đóng một tàu mới; thậm chí, với các chủ tàu chỉ có một tàu phải tính phương án chung với chủ khác để đóng tàu mới.
Các tàu đóng mới thay thế có nhiều kiểu dáng từ truyền thống tới hiện đại và diện tích lớn hơn tàu gỗ, vận chuyển từ 48 – 75 khách du lịch với kinh phí đóng mới từ 3 – 4 tỉ đồng/tàu.
Các tàu thay thế phải đảm bảo yêu cầu của các cơ quan chức năng và Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh về tiêu chí chất lượng, trang thiết bị tiện nghi an toàn của tàu. Việc lập phương án thay thế tàu du lịch phải quản lý, kiểm soát chặt về số lượng, tổng tải trọng tàu hoạt động trên vịnh Hạ Long, đảm bảo phù hợp với sức chịu tải của từng khu vực trên vịnh Hạ Long và khuyến cáo của UNESCO nhằm tăng cường an toàn giao thông và bảo vệ môi trường theo quy định.
Qua thống kê của UBND TP.Hạ Long, từ năm 2019 đến nay mới có khoảng 40 tàu vỏ gỗ chuyển sang vỏ thép. Ngoài ra, còn gần 100 tàu du lịch khác chuyển vùng hoạt động, chủ yếu sang vịnh Lan Hạ để tránh việc chuyển đổi sang vỏ thép như chủ trương của tỉnh Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Văn Phượng, Chi hội Tàu du lịch tham quan vịnh Hạ Long, cho biết phần lớn các chủ tàu đều chọn theo hướng thay thế từ 2 tàu có trọng tải nhỏ trở lên để đóng thay thế một tàu lớn hơn. Các tàu mới thay thế đều được đóng theo mẫu được cơ quan chức năng phê duyệt.
Việc chuyển đổi này cũng làm giảm số lượng tàu trên vịnh Hạ Long nhưng công suất vẫn đảm bảo để phục vụ khách. Không những vậy, điều này nhằm giảm tải cho di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, nhất là tại các khu vực vùng lõi của di sản thiên nhiên thế giới, mà UNESCO từng khuyến nghị.
Tuy vậy, tiến độ thay thế tàu vỏ gỗ sang vỏ thép đang bị chậm lại do “sức khỏe” của các doanh nghiệp bị yếu đi sau nhiều năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ tàu tham quan Bài Thơ, chia sẻ: “Trong 3 năm xuất hiện dịch Covid-19, các tàu tham quan trên vịnh Hạ Long phần lớn là nằm bờ hoặc hoạt động cầm chừng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ phải bán tàu. Đến nay, rất ít doanh nghiệp có đủ vốn để mạnh dạn thay thế sang tàu vỏ sắt theo chủ trương của tỉnh Quảng Ninh”.
Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết, qua rà soát của đơn vị này chiếc tàu có niên hạn cuối cùng trên vịnh Hạ Long là vào năm 2027. Các phương tiện khi hết niên hạn phải chuyển sang đóng mới tàu vỏ sắt, nếu không phải bán phương tiện hoặc sang vùng khác để hoạt động.