Việc phân chia dự án thành phần thuộc dự án đường sắt tốc độ cao được đề xuất thực hiện ở bước phê duyệt đầu tư thay vì ở bước tiền khả thi như đã triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng quốc gia khác.
Cho đến hiện tại, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao (ĐSTĐC) trên trục Bắc – Nam đã chính thức được trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 8.
Một trong những điểm đáng chú ý là việc phân chia dự án thành phần để tổ chức triển khai dự án chưa được thực hiện ở bước tiền khả thi.
Lý giải về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, dự án ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam có chiều dài lớn, việc nghiên cứu phân chia dự án thành phần được thực hiện dựa trên các nguyên tắc: Bảo đảm tính đặc thù về yêu cầu đồng bộ hệ thống, đặc biệt là hệ thống thông tin tín hiệu, phương tiện, thiết bị; bảo đảm lựa chọn một công nghệ cho toàn tuyến, thuận lợi chuyển giao công nghệ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư.
Căn cứ các nguyên tắc nêu trên, Tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án.
Trong đó, phương án 1 thực hiện đầu tư toàn tuyến, không tách dự án thành phần độc lập, dự kiến chia dự án thành 6 hợp phần, gồm: 4 hợp phần hạ tầng; 1 hợp phần thiết bị, thông tin tín hiệu, trung tâm điều hành; 1 hợp phần cơ điện, thiết bị depot, phương tiện thành 1 gói thầu.
Phương án này có ưu điểm là bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự án từ hạ tầng đến thiết bị, phương tiện, thuận lợi cho công tác tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, nhược điểm là cần huy động nguồn nhân lực, máy móc thiết bị lớn.
Phương án 2 nghiên cứu phân chia thành 4 dự án thành phần là 4 đoạn tuyến, gồm: Hà Nội – Vinh (dài khoảng 281km); Vinh – Đà Nẵng (dài khoảng 420km); Đà Nẵng – Nha Trang (dài khoảng 480km); Nha Trang – TP.HCM (dài khoảng 360km).
Phương án này có ưu điểm đẩy nhanh được tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần.
Song, nhược điểm là xử lý tích hợp đồng bộ công nghệ giữa các dự án thành phần phức tạp; chuyển giao công nghệ không thuận lợi, nhiều rủi ro do có nhiều nhà thầu với giải pháp kỹ thuật khác nhau.
Căn cứ kinh nghiệm quốc tế, do tính đặc thù của lĩnh vực đường sắt có yêu cầu cao về tích hợp hệ thống điều khiển, vận hành, phương án phân chia dự án thành phần cần dựa trên thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) để xác định rõ các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ.
Vì vậy, việc phân chia dự án thành phần được đề xuất thực hiện khi phê duyệt dự án đầu tư.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện một đơn vị tư vấn cho rằng, đảm bảo tận dụng được nguồn lực trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tham gia, việc nghiên cứu chia dự án thành phần thành các đoạn tuyến là phương án cần nghiên cứu.
“Với phương án này, cơ quan chức năng có thể xác định thời gian tổ chức thi công phù hợp. Giai đoạn đầu có thể khởi công những đoạn tuyến quan trọng. Sau một thời gian ngắn tiếp tục khởi công các đoạn tuyến còn lại, đảm bảo thời gian về đích toàn tuyến là không thay đổi.
Làm như vậy, yêu cầu huy động nguồn lực cùng một lúc sẽ không lớn. Các đơn vị thi công cũng thuận lợi trong xây dựng phương án phân bổ nguồn lực, thiết bị ở các đoạn tuyến khởi công trước cho các dự án khởi công sau”, đại diện đơn vị tư vấn nêu quan điểm.
Song, đại diện này cũng lưu ý, dự án ĐSTĐC Bắc – Nam là dự án có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn, là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên việc cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét phương án phân chia dự án thành phần ở bước phê duyệt dự án là cần thiết.
Theo phương án trình Quốc hội, dự án ĐSTĐC trên trục Bắc – Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km.
Điểm đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi). Điểm cuối tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm).
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục.
Trên toàn tuyến được đề xuất bố trí 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng công năng vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án được đề xuất sử dụng 3 loại kết cấu chính trên tuyến, gồm: kết cấu cầu khoảng 60% chiều dài tuyến, áp dụng trong trường hợp tuyến đi qua khu vực đô thị, đông dân cư, vượt sông, đất yếu và các vị trí giao với các công trình khác (đường sắt hiện tại, đường bộ…).
Kết cấu hầm khoảng 10% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực đồi núi cao.
Kết cấu nền đất khoảng 30% chiều dài tuyến, áp dụng khi tuyến đi qua khu vực dân cư thưa, không giao cắt với công trình khác, ít bị ảnh hưởng của lũ lụt, động đất, điều kiện địa chất ổn định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/vi-sao-chua-phan-chia-du-an-thanh-phan-duong-sat-toc-do-cao-o-buoc-tien-kha-thi-192241117160452114.htm