Ông chính là Lê Quang Bí, sinh năm 1506, tự Thuần Phu, hiệu Hối Trai, là con trạng nguyên Lê Nại, người làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Theo gia phả dòng họ, lên 5 tuổi, Lê Quang Bí có tiếng hiếu học, được người đương thời gọi là thần đồng. Năm 20 tuổi, ông thi đỗ hoàng giáp, đứng thứ 4 trong 20 vị đại khoa.
Đại Việt Sử ký toàn thư chép: “Khoa thi Hội năm Thống Nguyên thứ 5 (đời Lê Cung Hoàng, 1526), lấy đỗ 20 người, ba người đỗ đầu (Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ) là Trần Văn Vân, Nguyễn Văn Du, Lưu Trung Doãn. Nhóm Lê Quang Bí bốn người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tương đương danh hiệu hoàng giáp hồi đầu triều Lê)”.
Thời Mạc Tuyên Tông, vào năm Mậu Thân (1548), sứ thần Lê Quang Bí được giao đem cống vật sang nhà Minh cống theo lệ hằng năm. Ông theo đường Quảng Tây đến Nam Ninh thì bị giữ lại vì nghi ngờ là giả mạo, phải chờ tra xét. Nhà Minh gửi văn thư đòi nhà Mạc thẩm tra, nhưng mãi không thấy hồi âm.
Bấy giờ ở trong nước, Mạc Tuyên Tông đang gặp nhiều khó khăn do mất mùa và chiến tranh liên miên với Nam triều, nên nhiều việc để bê trễ. Chính vì vậy mà sứ thần Lê Quang Bí phải ăn dầm ở dề tại quán dịch Nam Kinh, đi không được mà về cũng không xong.
15 năm sau, viên quan đến trấn nhậm Lưỡng Quảng biết chuyện mới cho ông đi theo về Bắc Kinh. Tuy nhiên, khi Lê Quang Bí tới kinh đô, lại bị lưu ở sứ quán đến 3 năm ròng rã.
Sách Hoa Việt thông sử lược kể lại giai thoại khi Lê Quang Bí bị giữ ở Nam Ninh, ông vẫn điềm tĩnh không hề sợ hãi. Những ngày trời nắng, ông lại nằm phơi bụng ra ngoài trời. Người Minh hỏi thì ông vỗ bụng nói: “Tôi phơi sách trong này cho khỏi mốc”.
Người Minh bắt đọc cả bộ Đại học, ông đọc suốt một lượt không sai chữ nào. Triều thần Trung Quốc nể phục xin vua Minh cho Bí ra ngụ tại khách quán.
Tài học của Lê Quang Bí từ đó lững lẫy khắp kinh đô Trung Quốc. Mộ tài ông, một học trò người Minh tên Đặng Hồng Chấn (Hoa Việt bang giao sử ghi là Đặng Hồng Thần), đã đỗ cử nhân, xin theo làm học trò.
Đến khoa thi năm Kỷ Mùi (1559), Chấn đỗ tiến sĩ, được bổ Tri huyện ở hạt Quảng Đông rồi thăng Chủ sự ở Yên Kinh. Theo sách này, Đặng Hồng Chấn đã dâng sớ kể sự tình của thầy, góp phần giúp Lê Quang Bí được vua Minh cho về nước.
Trong thời gian bị giữ, Lê Quang Bí có sáng tác các tập thơ Tô Công phụng sứ thuật lại chuyện Tô Vũ để gửi gắm tâm sự của mình và Tư hương vận lục, trong đó có những bài ca ngợi các vị tổ tiên là Lê Cảnh Tuân và Vũ Quỳnh, lời lẽ rất lâm ly.
Khi Lê Quang Bí trở về Thăng Long ra mắt nhà vua, ông được ban thưởng và phong tước Tô Quận công, do chuyện đi sứ của ông cũng chẳng khác gì chuyện Tô Vũ mục dương nước Tàu khi xưa. Sử gia Lê Quý Đôn sau này có viết lời cảm khái về Lê Quang Bí như sau: “Lúc ra đi tóc mây xanh mướt, khi trở về râu tuyết bạc phơ phơ”.
Hiện chưa rõ ông mất năm nào, nhưng ở nhà thờ họ Lê tại làng Mộ Trạch, có bia ghi công của Lê Quang Bí, do bảng nhãn Đỗ Uông soạn năm 1578, có lẽ ông mất trước đó.
Kim Nhã
Nguồn: https://vtcnews.vn/vi-quan-noi-tieng-di-su-lau-nhat-su-viet-la-ai-ar901821.html