Bảo tàng Đà Nẵng - biểu tượng văn hóa mới của thành phố

Báo Thanh niênBáo Thanh niên13/02/2025


KHI BẢO TÀNG NẰM TRONG DI TÍCH

Trả lời PV Thanh Niên, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cho hay đơn vị thi công bảo tàng mới (tại địa chỉ 42 - 44 Bạch Đằng, Q.Hải Châu) đang cấp tập thực hiện những hạng mục cuối cùng để chuẩn bị mở cửa bảo tàng vào ngày 29.3 tới, nhân kỷ niệm 50 Ngày giải phóng TP.Đà Nẵng. Công tác di dời hiện vật về trưng bày tại các không gian của bảo tàng mới cũng sắp hoàn tất. "Đây là sự kiện rất quan trọng của ngành văn hóa Đà Nẵng, bởi khi bảo tàng mới được kỳ vọng là biểu tượng văn hóa mới của Đà Nẵng đi vào hoạt động cũng là lúc giai đoạn 2 dự án tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải được triển khai. Sau khi hoàn thành, Bảo tàng Đà Nẵng và thành Điện Hải sẽ trở thành những điểm nhấn trong không gian văn hóa, lịch sử của thành phố", ông Thiện đánh giá.

Bảo tàng Đà Nẵng - biểu tượng văn hóa mới của thành phố- Ảnh 1.

Phần tòa nhà cổ của Bảo tàng Đà Nẵng mới đã được cải tạo hoàn thiện

Như vậy, sau gần 15 năm "ăn nhờ ở đậu" trong vùng lõi di tích thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ được chuyển về "nhà mới" trên tổng diện tích 8.686 m², gồm 1 khối bảo tàng xây mới (1 tầng hầm, 3 tầng nổi) gắn liền với 3 khối nhà 42 - 44 Bạch Đằng và 31 Trần Phú đã được cải tạo, nâng cấp. Với tổng mức đầu tư lên đến hơn 500 tỉ đồng cùng hạ tầng bề thế nằm ở 3 mặt tiền (đường Bạch Đằng - Quang Trung - Trần Phú) và ngay sát sông Hàn, Bảo tàng Đà Nẵng mới tuy chưa khai thác nhưng đã trở thành điểm check-in của đông đảo người dân và du khách. Chưa nói đến việc "lột xác" bởi màu sơn đẹp, những khối nhà đậm chất kiến trúc Pháp đã thực sự cuốn hút người dân. Đây chính là di tích Tòa Đốc lý được người Pháp xây dựng từ hơn 120 năm trước.

"Việc hình thành chức năng mới cho Tòa Đốc lý là rất thích hợp, bởi bản thân tòa nhà này đã là một hiện vật lịch sử và tồn tại như một chứng nhân của thời gian. Đây là nơi được người Pháp xây dựng để làm trụ sở hoạt động của bộ máy công quyền. Mùa thu năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ Tòa Đốc lý, báo hiệu Cách mạng tháng Tám ở Đà Nẵng thành công. Thời VNCH, đây là Tòa Thị chính - trung tâm quyền lực lớn nhất TP.Đà Nẵng của Mỹ và chính quyền. Ngày 29.3.1975, lá cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN đã tung bay trên nóc Tòa Thị chính. Về sau, đây vẫn là tòa nhà làm việc của UBND, HĐND TP.Đà Nẵng. Trải qua bao biến thiên lịch sử, công trình này luôn được chọn là trụ sở của bộ máy chính quyền. Điều này khẳng định tầm vóc, giá trị đặc biệt của một công trình mang tính biểu tượng đối với người dân thành phố", Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nói thêm.

Bảo tàng Đà Nẵng - biểu tượng văn hóa mới của thành phố- Ảnh 2.

Bản thân Tòa Đốc lý 120 năm tuổi được sử dụng làm cơ sở Bảo tàng Đà Nẵng đã có nhiều sức hút bởi nghệ thuật kiến trúc Pháp

"BẢN GIAO HƯỞNG" CỦA NHỮNG KHÔNG GIAN

Phong cách kiến trúc tân cổ điển với hình thức đối xứng đơn giản giúp Tòa Đốc lý giữ nguyên sức hút sau 120 năm xây dựng. Bởi vậy, sau khi chuyển Bảo tàng Đà Nẵng về vị trí mới, giới nghiên cứu đánh giá đây sẽ là một biểu tượng văn hóa mới của Đà Nẵng, mở ra cơ hội phát huy vai trò giới thiệu những hiện vật, tư liệu lịch sử đến với đông đảo công chúng. Sở VH-TT TP.Đà Nẵng cho biết với mục tiêu đưa bảo tàng thành điểm nhấn trong mắt người dân, du khách và có thể được xem như "phòng khánh tiết" của thành phố trong việc đón tiếp các đoàn khách ngoại giao, lần đầu tiên TP.Đà Nẵng có công trình văn hóa được tổ chức thi tuyển kiến trúc quốc tế và tư vấn nội dung, hình thức trưng bày của bảo tàng.

Bảo tàng Đà Nẵng - biểu tượng văn hóa mới của thành phố- Ảnh 3.

Không gian trưng bày hiện đại kết hợp công nghệ số cuốn hút du khách

Bảo tàng Đà Nẵng - biểu tượng văn hóa mới của thành phố- Ảnh 4.

Di dời hiện vật về cơ sở mới, Bảo tàng Đà Nẵng đã tự làm mới mình từ hình thức cho đến nội dung trưng bày

Bảo tàng Đà Nẵng - biểu tượng văn hóa mới của thành phố- Ảnh 5.

Các không gian trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng hứa hẹn sẽ hấp dẫn du khách

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, Bảo tàng Đà Nẵng ứng dụng công nghệ 4.0 để tạo ra những không gian trải nghiệm hấp dẫn. Được đầu tư hiện đại, ứng dụng công nghệ số vào quy trình vận hành, điểm nhấn độc đáo của bảo tàng là hệ thống bảng LED, hệ thống trình chiếu phim tự động, thiết bị cảm biến tự động, công nghệ 3D… giúp khách tham quan tương tác tốt hơn. "Đây là cơ hội để Bảo tàng Đà Nẵng đổi mới trưng bày cả về quy mô lẫn nội dung, hình thức, cập nhật những quan điểm, kỹ thuật mới của VN và thế giới về khoa học trưng bày. Qua đó, đưa Bảo tàng Đà Nẵng trở thành điểm nhấn trong quy hoạch tổng thể khu quảng trường văn hóa, lịch sử ven sông Hàn", ông Thiện nói.

Ròng rã trong vòng 1 năm, trải qua nhiều lần tham vấn, tổ chức 3 buổi hội thảo khoa học để lấy ý kiến từ các chuyên gia về lĩnh vực bảo tàng cũng như một số thành viên của Cục Di sản văn hóa và Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đề cương chi tiết trưng bày Bảo tàng Đà Nẵng mới được phê duyệt. Nội dung trưng bày được xây dựng trên cơ sở 6 khu vực: trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, trưng bày kho mở, trưng bày có thời hạn, trưng bày nghiên cứu phát triển, trưng bày ngoài trời.

Đáng chú ý, nếu trước đây Tòa Đốc lý có hàng rào bao bọc thì nay đã được tháo dỡ để không gian trưng bày ngoài trời đến gần hơn với công chúng. Đây sẽ là không gian của những hiện vật khối lớn và là không gian lý tưởng cho khách tham quan chiêm ngưỡng những hiện vật giá trị, chụp hình lưu niệm chuyến tham quan bảo tàng. "Chúng tôi kỳ vọng, sau khi đi vào hoạt động, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với công chúng. Đây không chỉ là điểm đến của du khách, những người yêu thích bảo tàng mà còn là một không gian cộng đồng phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu, tham quan, hưởng thụ văn hóa của người dân TP.Đà Nẵng", ông Thiện bày tỏ.

Choáng ngợp trước không gian hiện đại

Thoạt nhìn kiến trúc Pháp cổ xưa của Bảo tàng Đà Nẵng, nhiều người khó hình dung rằng bên trong bảo tàng là một không gian "ngập tràn công nghệ". Chỉ cần bước qua cánh cửa, khách tham quan sẽ tiếp xúc với những công nghệ bảo tàng hiện đại nhất. Tất cả không gian bảo tàng đều sử dụng công nghệ 3D mapping, phim 2D, 3D được trình chiếu tự động, những slide hình ảnh được kết nối theo dòng thời gian thông qua nghệ thuật ánh sáng, nghệ thuật nghe nhìn, nghệ thuật màu sắc…



Nguồn: https://thanhnien.vn/bao-tang-da-nang-bieu-tuong-van-hoa-moi-cua-thanh-pho-185250212211514738.htm

Bình luận (0)

No data
No data

Event Calendar

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available