Vệ tinh này có thể gây ra lo ngại về rác trôi nổi trong vũ trụ.
Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) ngày 2/10 công bố quyết định phạt Dish – một công ty truyền hình, khoản tiền 150.000 USD vì không xử lý vệ tinh đã hết hạn sử dụng theo đúng quy định.
Đây là khoản tiền phạt điển hình đầu tiên mà giới chức Mỹ áp đặt để xử lý trường hợp vi phạm quy định về xử lý rác vũ trụ.
Theo FCC, Dish sở hữu vệ tinh có tên EchoStar-7 trên quỹ đạo từ năm 2002. Khi vệ tinh địa tĩnh này kết thúc thời gian hoạt động, Dish di chuyển vệ tinh đến độ cao thấp hơn mức mà hai bên đã thỏa thuận, do đó vệ tinh này có thể gây ra lo ngại về rác trôi nổi trong vũ trụ.
Ủy ban cho biết, Dish cam kết vào năm 2012 sẽ nâng vệ tinh lên độ cao 300km trong vòng quỹ đạo địa tĩnh. Tuy nhiên, khi nhiên liệu sắp hết, Dish cho vệ tinh dừng hoạt động ở độ cao chỉ hơn 120km so quỹ đạo này.
FCC khẳng định quyết định xử phạt này sẽ giải quyết sai phạm của Dish, buộc công ty thừa nhận trách nhiệm pháp lý và tuân thủ thỏa thuận. Hiện Dish chưa đưa ra bình luận nào trước thông tin trên.
Cơ quan Vũ trụ châu Âu ước tính có khoảng 1 triệu mảnh vụn lớn hơn 1cm, kích thước đủ lớn để “vô hiệu hóa tàu vũ trụ” đang ở trên quỹ đạo Trái Đất. Rác vũ trụ đã gây ra nhiều vấn đề, từ vụ suýt va chạm vào tháng 1 năm ngoái liên quan đến vệ tinh Trung Quốc, đến lỗ thủng 5mm trên cánh tay robot trên Trạm Vũ trụ Quốc tế vào năm 2021.
Với các vệ tinh hiện có vai trò quan trọng đối với Hệ thống định vị toàn cầu (GPS), băng thông rộng và dữ liệu ngân hàng, các vụ va chạm gây ra rủi ro đáng kể trên Trái Đất.
(Nguồn: vietnamplus)