Việc cha mẹ dành nhiều thời gian cho trẻ không chỉ vun đắp tình cảm mà thậm chí còn có thể tác động lên chỉ số thông minh (IQ) của trẻ. Ảnh: CTV |
Gánh nặng cơm áo gạo tiền và những đứa trẻ “bơ vơ”
Chị H.T.H làm việc tại một cơ sở y tế của huyện Tây Hòa. Chồng chị nuôi tôm tại TX Sông Cầu nên mỗi năm chỉ về nhà vài lần. Dù có thu nhập tốt, chỉ sinh một con nhưng vì cả hai vợ chồng đều bận rộn nên phần lớn thời gian con ở trường, ở các lớp học năng khiếu.
Lúc con nhỏ, chị H thấy như vậy cũng ổn. Nhưng khi con lớn lên, chị không nghe con chia sẻ về bạn bè, trường lớp, các mâu thuẫn trong lớp học mà con ngày càng đắm chìm trong thế giới của điện thoại di động hoặc máy tính. Khi nói chuyện với mẹ, con trai luôn trả lời ngắn gọn - “dạ” và sau đó làm theo ý con. Con ngày càng bướng bỉnh, khó bảo nhưng chị không thể giao tiếp để điều chỉnh hành vi của con. Lo lắng và cảm thấy bất lực, vợ chồng chị không dám sinh thêm con dù gia đình neo người và kinh tế đủ đầy.
Gia đình chị H không phải là trường hợp hiếm hoi cha mẹ không có thời gian cho con khi ngày nay cuộc sống của người trưởng thành quá bận rộn. Theo nhận xét của một số giáo viên THCS, khi qua tuổi tiểu học, học sinh bắt đầu có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lý. Đây là cột mốc quan trọng, phụ huynh cần hiểu rõ cũng như đồng hành cùng con em mình để trẻ phát triển đúng hướng. Lý thuyết là vậy nhưng ngày nay, nhiều cha mẹ bận bịu không có nhiều thời gian cho con. Khi không nhận đủ sự quan tâm, nhiều học sinh trở nên lầm lì, ít nói, học tập lơ là, giao tiếp kém hiệu quả; có em còn nảy sinh tâm lý chống đối. Khi liên lạc để trao đổi với gia đình các em, hầu như cha mẹ đều đi làm xa, gửi con lại cho ông bà. Hoặc có những em cha mẹ làm việc tại nhà nhưng vì quá bận rộn nên chỉ sắm cho con điện thoại, cho tiền tiêu phóng khoáng mà không quan tâm con ăn gì, học hành thế nào.
Theo nghiên cứu của TS Schulte (Mỹ), mỗi 10 phút của thời gian chất lượng có thể mang đến sự khác biệt lớn cho sự phát triển của trẻ và nên có ít nhất là 10 phút mỗi ngày. Nghĩa là, trẻ không cần bạn dành quá nhiều thời gian mỗi ngày, chỉ ít nhất 10 phút cho những hoạt động chất lượng, thậm chí chỉ cần một hoạt động chất lượng cũng thực sự mang lại lợi ích cho trẻ.
Theo các chuyên gia tâm lý, việc thiếu vắng tình thương, sự quan tâm từ cha mẹ có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với sự phát triển của trẻ. Trẻ có thể cảm thấy cô đơn, lạc lõng, thiếu tự tin, thậm chí là trầm cảm. Nhiều trẻ tìm đến các thiết bị điện tử, mạng xã hội để giải khuây, nhưng điều này lại càng khiến trẻ trở nên xa cách với gia đình và dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực trên mạng. Cùng với đó, việc thiếu sự giám sát, định hướng từ cha mẹ cũng khiến trẻ dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
Dành thời gian chất lượng cho trẻ
Cuộc sống hiện đại, cha mẹ luôn nỗ lực làm việc với mong muốn có thể cho con xuất phát điểm tốt hơn, giúp tương lai con rộng mở hơn. Để đảm bảo cuộc sống đầy đủ cho gia đình, nhiều người chọn đi xa, chọn làm thêm giờ, làm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập. Vậy giải pháp nào giúp cha mẹ có thể đồng hành cùng con dù cuộc sống, công việc áp lực và bận rộn?
Theo chuyên gia - bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn, Phó Tổng Biên tập tạp chí Harvard Public Health Review, Đại học Harvard, cha mẹ bận rộn có thể không dành quá nhiều thời gian cho con, nhưng phải đảm bảo thời gian bên con là thời gian chất lượng, dành cho phát triển giáo dục trẻ.
Thời gian chất lượng có thể kể đến như: Cha mẹ có thể dành thời gian tìm hiểu để cập nhật kiến thức và đọc sách về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ; tìm hiểu về nhu cầu dinh dưỡng, sức khỏe của trẻ ở mỗi độ tuổi; sáng tạo cùng trẻ; đọc sách cùng trẻ và xây dựng tình yêu với sách. Ngoài ra, thời gian chất lượng còn là khi cha mẹ tương tác hai chiều cùng trẻ: như hỏi đáp, trò chuyện và lắng nghe ý kiến của trẻ để đáp ứng phù hợp; chơi cùng trẻ, dạy trẻ kỹ năng quan trọng… Những khoảng thời gian chất lượng này chính là những điều một đứa trẻ thực sự cần lúc nhỏ.
Nhiều nhà tâm lý học đã chỉ ra vài thời điểm vàng trong ngày giúp cha mẹ dù bận đến mấy vẫn có thể gắn kết cùng con. Những khoảnh khắc đến từ những lúc rất đỗi bình thường như khi con thức dậy vào buổi sáng, khi con tan trường về, bữa ăn tối hay trước khi con đi ngủ... Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tạo ra một môi trường gia đình ấm áp, yêu thương, nơi con cái có thể thoải mái chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình.
Nguồn: https://baophuyen.vn/hon-nhan-gia-dinh/202504/ap-luc-cuoc-song-va-su-hy-sinh-tham-lang-cua-con-tre-9dd3950/
Bình luận (0)