Trong vô số sự kiện diễn ra ở giai đoạn trọng đại ấy, có nhiều câu chuyện thú vị được ghi chép lại từ chính các “vị khách” nước ngoài khi chứng kiến những giây phút đầu tiên Cách mạng tháng Tám thành công và sự ra đời của một quốc gia mới – Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Lễ chào cờ đầu tiên đón các đoàn khách quốc tế
Từ ngày 15/8/1945, sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh, các lực lượng Đồng Minh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mà gần nhất là bộ phận đóng ở Côn Minh – Trung Quốc, đã rục rịch chuẩn bị đưa quân vào Việt Nam giải giáp quân đội Nhật. Trong số này, có phái đoàn của viên thiếu tá Mỹ trong lực lượng OSS (tiền thân của Cục tình báo Trung ương Mỹ – CIA) Archimedes L.A. Patti đi tiền trạm, cũng như phái đoàn của thiếu tá Pháp Jean Sainteny, danh nghĩa là của Đồng Minh, nhưng thực chất đại diện quân đội Pháp (phái kháng chiến chống phát xít của tướng Charles de Gaulle).
Patti đến Hà Nội từ ngày 22/8, sau khi Hà Nội đã nằm trong tay Việt Minh và các lực lượng quần chúng nhân dân. Phái đoàn tiền trạm của ông ta được bố trí ở tại một căn biệt thự tại khu vực phố Lê Thái Tổ ngày nay. Tại đây, ngày 25/8, các sĩ quan Đồng Minh đã được mời bước ra ngoài cổng biệt thự tham dự một lễ chào cờ mừng đón phái đoàn của đại diện chính quyền Việt Nam mới.
Trong cuốn sách Why Viet Nam: Prelude to America’s Albatros (Tại sao Việt Nam: Khúc dạo đầu của con chim hải âu Mỹ, NXB Đại học California, 1980), ông Patti đã mô tả khá kỹ về buổi lễ chào cờ nghiêm trang và xúc động này.
Viên thiếu tá này kể lại trong sách: “Vào ngày chủ nhật đầu tiên ở Hà Nội, chúng tôi đang chờ đợi một ngày yên tĩnh và kéo dài bữa ăn sáng thì nghe thấy ngoài cửa có tiếng ồn ào, tiếng kèn trống. Ngay ở thềm cửa trước nhà đã có bốn quý ông Việt Nam chờ Trưởng phái bộ Mỹ. Họ là đoàn đại biểu của Ủy ban Giải phóng Dân tộc, tức Chính phủ lâm thời mới, đến để chào mừng Đồng minh”.
Các đại diện Chính phủ lâm thời gồm ông Vũ Văn Minh (đại diện Thành ủy Hà Nội), Võ Nguyên Giáp, đại diện cho Hồ Chủ tịch, cùng ông Dương Đức Hiền (Tổng Bí thư Đảng Dân chủ Việt Nam, sau đó là Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ lâm thời), Khuất Duy Tiến (Bí thư Thành ủy Đảng Cộng sản Đông Dương Hà Nội). Sau khi uống cà phê và chuyện trò, ông Võ Nguyên Giáp nói với các vị khách: “Công chúng đang mong được đón chào ông và các bạn Mỹ. Vì vậy, xin mời ông và cả đoàn hãy vui lòng ra phía cổng trước”. Qua những tiếng ồn ào, Patti biết ngay đây là một buổi lễ ở ngoài trời.
Khi các vị khách bước ra khỏi cổng biệt thự, họ chứng kiến một dàn quân nhạc khoảng 50 người đã đứng dàn ngang trên đường, phía trước mặt, phía trước là 5 lá cờ lớn của Mỹ, Anh, Liên Xô, Trung Hoa Dân quốc và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bên trái là một đơn vị bộ đội 100 người đứng ở tư thế đứng nghiêm, với trang phục mũ cát, có áo cộc tay, quần soóc kaki, mang vũ khí Mỹ và Anh. Bên phải là các toán thanh niên của Dương Đức Hiền, mặc đồ trắng.
Trong không khí nghiêm trang, lần lượt các lá cờ được kéo xuống, trừ cờ Mỹ, quốc thiều Mỹ nổi lên. Sau đó, cứ tiếp tục như vậy cho cờ mỗi nước, lần lượt đến Liên xô, Trung Hoa Dân quốc và cuối cùng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đội quân nhạc này chính là dàn nhạc của lực lượng Bảo an binh Hà Nội, đã gia nhập đội quân cách mạng ngay trong ngày khởi nghĩa 19/8. Người chỉ huy dàn nhạc là ông Quản Đinh Ngọc Liên.
Sau khi viên thiếu tá Mỹ tỏ lời cảm ơn đoàn đại biểu, viên chỉ huy bộ đội, đội quân nhạc, các đơn vị bắt đầu diễu hành… Trong lúc chia tay, ông Võ Nguyên Giáp, với một vẻ xúc động, đã quay lại nói với Patti: “Đây là lần đầu tiên mà cờ nước chúng tôi được trương lên trong một buổi lễ quốc tế và quốc ca chúng tôi được cử hành để chào mừng những vị khách nước ngoài. Tôi sẽ mãi mãi không quên ngày này”.
Những “vị khách” ở Dinh Toàn quyền Đông Dương trong Cách mạng tháng Tám
Nhớ đến cuộc Cách mạng tháng 8, chúng ta thường nhớ đến hình ảnh biểu tượng là quần chúng nhân dân biểu tình cướp chính quyền trước Phủ Khâm sai Bắc kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ ở đường Ngô Quyền, Hà Nội). Nhiều người thắc mắc: Tại sao lại không có hình ảnh cướp chính quyền ở Dinh Toàn quyền Đông Dương?
Dinh Toàn quyền Đông Dương tại khu vực quảng trường Ba Đình ngày nay được người Pháp xây dựng từ năm 1901, đến năm 1906 thì hoàn thành. Đây là nơi làm việc của viên Toàn quyền Đông Dương, viên chức cao cấp nhất của chính quyền thuộc địa cai trị ba kỳ của Việt Nam và Lào, Campuchia.
Tháng 3 năm 1941, quân đội Nhật chiếm đóng ở Việt Nam đã bắt toàn bộ quan chức Pháp, chiếm Dinh Toàn quyền làm trụ sở của Công sứ Nhật ở Bắc Bộ. Khi đó, Tổng hành dinh quân đội Nhật đóng tại khu vực Nhà khách Quân đội, số 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội ngày nay. Trong ngày 19/8/1945, khi quần chúng và các lượng lượng tự vệ Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai Bắc kỳ, Trại Bảo an Binh (số 40A Hàng Bài, Hà Nội) ngày nay và các cơ quan công quyền thành phố Hà Nội như Tòa Thị chính (UBND thành phố Hà Nội ngày nay), Sở Cảnh sát trung ương (trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm ngày nay), kho bạc, nhà bưu điện… quân đội Nhật từ trong doanh trại ở cạnh Bảo tàng Lịch sử đã điều xe tăng ra dự định can thiếp, nhưng sau khi được các vị lãnh đạo cuộc khởi nghĩa thuyết phục, họ đã rút xe tăng và binh lính về khu vực đóng quân.
Từ Côn Minh, phái đoàn các sĩ quan Pháp do Jean Sainteny dẫn đầu đến Hà Nội bằng máy bay đáp xuống sân bay Gia Lâm trưa ngày 22/8/1945, và sau đó được đưa về dinh Toàn quyền, lúc đó vẫn do quân đội Nhật chiếm đóng, trong khi các sĩ quan người Mỹ được đưa về khách sạn Metropole. Theo phía Mỹ, các sĩ quan Pháp được đưa về dinh Toàn quyền cũ do vị trí này cách biệt với các khu dân cư và những sĩ quan này gần như bị “giam lỏng” trong “chiếc lồng vàng”.
Còn Sainteny viết trong cuốn hồi ký Câu chuyện về một nền hòa bình bị bỏ lỡ (NXB CAND in năm 2003, Lê Kim dịch), quân đội Nhật viện cớ nếu để những sĩ quan Pháp ở tại khách sạn Metropole đã “gây ra sự phẫn nộ lớn trong quần chúng”, do đó, Sainteny yêu cầu được chuyển tới dinh Toàn quyền cũ. Ở đây, các sĩ quan Pháp đã thiết lập liên lạc vô tuyến điện với các cơ sở Pháp ở Côn Minh. Mặc dù vậy, các sĩ quan này chỉ được ở trong dinh thự, còn nếu bước ra đến vườn cây, họ đã phải ngán ngẩm khi thấy luôn có hai hoặc ba tên lĩnh Nhật súng trường lăm lăm trong tay hoặc kiếm tuất trần theo sát họ từng bước một.
Ngày 27/8, các đại diện Việt Minh cũng đã đến gặp phái đoàn này, đó là các ông Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp và Bộ trưởng Thanh niên Dương Đức Hiền. Phái đoàn này do Patti đưa tới và sau đó, Sainteny mời Patti ở lại ăn cơm.
Do Dinh Toàn quyền ngay cạnh Quảng trường Ba Đình nên sự kiện ngày Quốc khánh 2/9 của nước ta được Sainteny quan sát và mô tả chi tiết như sau: “Ngày 1/9, đội lính Nhật Bản canh gách Dinh Toàn quyền được thay thế bằng một đội Cảnh vệ Việt Nam. Ngày hôm sau, 2/9 là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong quá trình nắm chính quyền của Chính phủ Cách mạng Việt Minh. Một cuộc mít tinh khổng lồ trong “Ngày lễ độc lập” được loan báo từ trước, coi như điểm chủ chốt trong hàng loạt sự kiện tiếp theo. Trên bục gỗ cao dựng trong công viên Puginier, lần lượt Võ Nguyễn Giáp, Trần Huy Liệu rồi Hồ Chí Minh mà ngày hôm đó quần chúng nhân dân được biết đây chính là nhà cách mạng lão thành Nguyễn Ái Quốc, đã long trọng tuyên bố về nền Độc lập của Việt Nam”.
Sự kiện Lễ Độc lập của nước ta cũng đã được Sainteny đánh điện về báo cáo với Côn Minh, ông ta ước tính “có vài trăm nghìn người tham dự cuộc mít tinh này”.
Ngày 3/9, chính quyền Việt Nam đã cho phép một nhóm sĩ quan Pháp từ Dinh Toàn quyền đến khách sạn Metropole, sau đó đến trụ sở chính phủ mới của Việt Nam (Bắc Bộ phủ). Sau đó, khi quân đội Trung Hoa dân quốc kéo vào để giải giáp quân Nhật, ngày 8/9, họ đã chiếm lĩnh các phòng làm việc tại Dinh Toàn quyền.
Đến ngày 11/9, Sainteny và các sĩ quan Pháp đã phải chuyển đến một căn biệt thự ở phố Bélier (tức phố Lò Đúc) ngày nay. Dinh Toàn quyền trở thành nơi làm việc của tướng Lư Hán, Chỉ huy quân đội Trung Hoa dân quốc vào giải giáp quân Nhật, cho đến khi đội quân này rút về nước thì giao lại cho quân Pháp.
Lê Tiên Long