Được ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016, trò Xuân Phả đã vượt ra khỏi phạm vi làng xã, trở thành một biểu tượng quý giá của văn hóa dân gian Việt Nam.
Trò diễn “độc nhất vô nhị”
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, trò Xuân Phả xuất hiện vào thời nhà Đinh (968 – 980), phát triển rực rỡ vào thời Lê sơ.
Xuân Phả nổi bật với 5 điệu trò dân gian mang hình tượng “Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống” gồm: trò Hoa Lang (Vương quốc Cao Ly), trò Tú Huần hay Lục Hồn Nhung (một bộ tộc phía Bắc Đại Cồ Việt), trò Ai Lao (tượng trưng người Thái-Lào), trò Ngô Quốc (một quốc gia cổ đại ở Trung Quốc), trò Chiêm Thành (người Chăm Pa).
Mặt nạ biểu diễn trong các trò Xuân Phả.
Trò Xuân Phả được hình thành và phát triển hơn 1.000 năm để trở thành một tổ hợp múa dân gian “độc nhất vô nhị”, diễn ra hàng năm từ 9-12/2 âm lịch tại di tích Nghè Xuân Phả, xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Bùi Văn Hùng – Trưởng Đoàn nghệ thuật truyền thống Xuân Phả, người dành gần 40 năm gìn giữ và phát triển trò diễn “độc nhất vô nhị” cho biết, mỗi trò gắn với câu chuyện riêng nhưng đều tái hiện hình ảnh các đoàn sứ thần đến chầu vua Nam Việt.
Trò Hoa Lang trang phục gồm: áo dài, đầu đội mũ cao da bò, tay trái cầm quạt, tay phải mái chèo, đeo mặt nạ cũng làm bằng da bò phết sơn trắng…
Trò Hoa Lang tượng trưng cho người Cao Ly (Triều Tiên) tiến cống, với các nhân vật ông, cháu, mế nàng và mười quân. Lời hát thể hiện tình bang giao, bên cạnh đó, trang phục với màu sắc và hoa văn bắt mắt, xuất hiện biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến, cũng là tín hiệu của yếu tố cung đình trong trò diễn.
Trò Tú Huần tượng trưng cho người Thổ Hồn Nhung (Mông Cổ) tiến cống.
Trò Tú Huần có trang phục gồm đầu đội mũ loóng làm từ tre, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và mười người con. Mũ tre đan như rế nồi úp ngược có lạt tre làm tóc bạc, đội trên miếng khăn vuông vải đỏ bịt đầu tóc. Mặt nạ gỗ sơn trắng vẽ mắt mồm màu đen “kinh dị”. Mặt bà cố nhăn nheo, mặt người mẹ già nua, mười người con được chia thành năm cặp, mặt vẽ theo độ tuổi từ trẻ đến già với 1, 2,…5 cái răng tương xứng.
Trò Ai Lao tượng trưng người Thái – Lào tiến cống.
Trò Ai Lao gồm Chúa Lào, người hầu, lính bảo vệ (mười quân), voi và hổ nhảy múa theo tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu trưng cho sức mạnh săn bắt nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Chúa đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo chàm xanh. Quân lính đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân mang xà cạp và tay cầm xênh tre.
Trò Ngô Quốc tượng trưng người Ngô Việt (Trung Hoa) tiến cống
Trò Ngô Quốc có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo. Đầu màn có xuất hiện nhân vật người bán thuốc, người bán kẹo và thầy địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho các nàng tiên cùng chúa và đoàn quân đi ra. Màn diễn gồm các điệu múa quạt, múa khăn rồi múa mái chèo.
Trò Chiêm Thành tượng trưng người Champa tiến cống.
Trong trò Chiêm Thành, ngoài chúa, quân còn có thêm nhân vật phỗng. Áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm màu đỏ hồng và không thêu thùa hoa văn. Chúa và quân đều vấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình.
NNƯT Bùi Văn Hùng khẳng định: “Trò Xuân Phả giữ nguyên các điệu múa và lời ca cổ, không pha trộn, tạo nên sự khác biệt so với nhiều loại hình nghệ thuật khác. Nó không chỉ là một tổ hợp múa dân gian mà còn là sự kết hợp giữa nghệ thuật cung đình và trí tuệ dân gian, mang lại một bản sắc văn hóa độc đáo. Chính sự trường tồn của những giá trị này đã giúp trò Xuân Phả vượt qua thử thách của thời gian”.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản
Theo NNƯT Bùi Văn Hùng, ở Xuân Trường hiện có khoảng 22 nghệ nhân đóng góp vào việc bảo tồn các điệu múa Xuân Phả. Trong đó, có 1 Nghệ nhân Nhân dân và 15 Nghệ nhân Ưu tú. Người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân là cụ ông Đỗ Đình Tạ đã ngoài tuổi 90.
“Trò Xuân Phả không chỉ là di sản của riêng gia đình nào mà đã trở thành tài sản chung của cộng đồng. Chúng tôi luôn cố gắng truyền dạy cho các thế hệ trẻ, để họ hiểu và yêu quý những giá trị văn hóa này”, NNƯT Bùi Văn Hùng chia sẻ.
Cũng theo NNƯT Bùi Văn Hùng, việc duy trì đoàn nghệ thuật chủ yếu bởi tâm huyết của các thành viên với nghệ thuật mà cha ông để lại. Các nghệ nhân hầu như vẫn sống bằng nghề nông, khi nào có đoàn khách tham quan thì biểu diễn hoặc đưa Xuân Phả đi các nơi quảng bá theo chương trình văn hóa của tỉnh.
Công tác truyền dạy diễn ra đều đặn trong các lớp học, từ tiểu học đến trung học cơ sở, giúp các em không chỉ học múa mà còn hiểu được lịch sử và văn hóa quê hương.
“Truyền dạy động tác múa thì dễ nhưng để các cháu hiểu được giá trị văn hóa và lịch sử đằng sau mỗi điệu múa lại là một thách thức lớn. Học sinh còn nhỏ, nhận thức chưa sâu, nên phải kiên nhẫn từng bước. Sự tham gia của chính quyền địa phương, cộng đồng và đặc biệt là thế hệ trẻ đã giúp trò Xuân Phả không chỉ bảo tồn mà còn phát triển mạnh mẽ”, NNƯT Bùi Văn Hùng khẳng định.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/ve-xu-thanh-xem-tro-xuan-pha-co-1-0-2-ton-tai-1-000-nam-2347397.html