Học sinh thực hành quan sát bầu trời.
Đây, Hòn Chồng. Kia là Hòn Vợ. Giữa không gian trời biển hữu tình, nghe chuyện xưa có một người khổng lồ đến xứ này ngoạn cảnh, cứ ngẩn ngơ ngắm bầy tiên nữ nô đùa tung tăng giữa làn nước trong xanh mà trượt chân té ngã, in dấu bàn tay khổng lồ trên tảng đá.
Bây giờ, Hòn Chồng không chỉ có đá, có hồn non nước mà còn có một địa chỉ, một điểm đến mới: Đài Thiên văn Nha Trang.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Đài Thiên văn Nha Trang hẹn tôi 6 giờ tối Chủ nhật đến để quan sát mặt trăng cùng một nhóm du khách. Tôi đến sớm, tranh thủ tham quan khu vực trưng bày các hình ảnh về vũ trụ. Trong khuôn viên chừng 200m2, những hình ảnh về các vì sao, các hiện tượng trong vũ trụ… được sắp xếp hết sức sinh động, khoa học.
Thiên hình vạn trạng, ảnh nào cũng đẹp. Một tốp học sinh đang ngắm ảnh và nghe các anh chị kể những câu chuyện kỳ bí về sao Thổ. Hình ảnh thể hiện, nhìn từ Trái đất, sao Thổ là một trong những thiên thể sáng nhất trên bầu trời đêm. Chuyển động của sao Thổ khiến người Hy Lạp liên tưởng đến sự trôi đi của thời gian, cho nên đặt tên cho nó là Cronus, tên một vị thần thời gian.
Trần Nguyễn Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang) quan sát tỉ mỉ và ghi chép rất cẩn thận: “Em thích tìm hiểu về vũ trụ, nơi chúng ta đang ở trong nó. Từ nhỏ, em đã thích những câu chuyện ông bà ta nhìn sao trên trời mà xác định phương hướng, thời gian khuya sớm, hoặc nhìn mây thay đổi, sắc trời mà đoán thời tiết, nắng mưa, gió bão. Có những câu chuyện rất thú vị, thí dụ như trong khoa học vũ trụ, chiều dài, khoảng cách được đo bằng đơn vị hàng triệu năm ánh sáng. Xa quá! Chỉ có vũ trụ mới có chiều dài như vậy. Và những hình ảnh về vũ trụ đều rất đẹp, rất huyền bí!”.
Đúng giờ, tôi lên tầng 5, nơi đặt kính thiên văn quang học có đường kính 0,5m do Công ty Marcon chế tạo và chuyển giao công nghệ. Kính được trang bị một máy ảnh và một bộ phân tích phổ có độ phân giải hình ảnh và quang phổ cao trong vùng bước sóng rộng. Hệ kính này giúp nghiên cứu quan sát những sao biến quang, từ đó thực hiện nghiên cứu khí quyển; đo phổ vạch của các sao để thu thông tin về loại sao, tốc độ quay và độ lớn từ trường trên bề mặt sao; đo vận tốc xuyên tâm của sao chủ để tìm kiếm ngoại hành tinh; đo tốc độ quay của một số hành tinh; nghiên cứu hình thái của các thiên hà; tìm kiếm thiên thể gần Trái đất, siêu tân tinh hay phát xạ quang đi kèm với những bùng phát vô tuyến nhanh…
Đêm rằm. Trăng tròn, nhưng trời có một ít mây. Cả nhóm kiên nhẫn chờ đến khi trăng xuất hiện thật rõ. Cộng tác viên Nguyễn Thanh Thiện hướng dẫn cách quan sát trên kính. Bầu trời muôn nghìn tinh tú, lấp lánh, lung linh. Hình ảnh sáng và rõ, sắc nét. Lần đầu tiên tôi thấy mặt trăng gần như vậy, nhìn rõ cả bề mặt lỗ chỗ của nó.
Một bé gái ngắm mặt trăng xong, chợt hỏi: “Cô ơi, sao con không thấy chị Hằng và chú Cuội ở đâu cả?”. Cô hướng dẫn phải giải thích cặn kẽ cho em, rằng trí tưởng tượng của con người về không gian, vũ trụ là vô cùng phong phú, nhiều khi lãng mạn nữa.
Đài thiên văn Nha Trang nằm trên đỉnh đồi Hòn Chồng.
Suất chiếu hình lúc 10 giờ 30 phút sáng tại nhà chiếu hình vũ trụ có 61 chỗ ngồi, diện tích sàn hơn 340m2. Được thiết kế giống rạp chiếu phim, nhưng màn hình nhà chiếu vũ trụ có dạng mái vòm, đường kính chừng 9m. Hình ảnh được chiếu lên màn hình bởi hệ thống sáu máy chiếu có độ phân giải cao, được lắp đặt ở bốn hướng, mang lại hiệu ứng mái vòm rất chân thực về bầu trời.
Đó là những hình ảnh về hệ mặt trời, thiên hà, cụm sao cầu; sự thay đổi vị trí các thiên thể trên bầu trời, các hiện tượng quen thuộc như nhật thực, nguyệt thực… cũng như những chuyến khám phá của con người trong vũ trụ. Hình ảnh, âm thanh của những đoạn phim mang lại cảm giác như đang bay trong không gian choáng ngợp của vũ trụ, với muôn vàn vì sao lấp lánh.
Vũ trụ là gì? Nhân loại loay hoay suốt hàng thế kỷ đi tìm câu trả lời. Nhà triết học Lão Tử từng cho vũ trụ là một tồn tại “vô thủy, vô chung, vô cùng, vô tận”. Khoa học phát triển như vũ bão. Nhưng vũ trụ vẫn còn có quá nhiều điều bí ẩn.
Ở đây, tôi thấy người hướng dẫn đã phải rất vất vả để thuyết minh cho các em về sự hình thành vũ trụ, về vụ nổ lớn Big Bang, và cả những thắc mắc như có bao giờ mặt trời thôi chiếu sáng, khi nào trái đất ngừng quay… Quả thật, đây là những kiến thức chuyên sâu, truyền đạt thế nào để các em hình dung được là điều không mấy dễ dàng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thảo, nhiệm vụ của Đài Thiên văn Nha Trang là thực hiện nghiên cứu cơ bản về vật lý thiên văn quang học và phổ biến kiến thức về khoa học vũ trụ tới cộng đồng. Bên cạnh đó, ở đây còn hỗ trợ đào tạo, giảng dạy, nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực vật lý thiên văn và vũ trụ; đồng thời tổ chức hợp tác nghiên cứu với các nhóm nghiên cứu cùng lĩnh vực ở trong nước và nước ngoài.
Hiện Đài Thiên văn Nha Trang có bốn nhóm hoạt động dành cho khách đoàn và trường học, gồm: Hoạt động quan sát mặt trời, địa vật, thiên thể trên bầu trời; hoạt động mô phỏng bầu trời, xem phim khoa học trong nhà chiếu hình vũ trụ; hoạt động steam thiên văn ứng dụng như làm lịch, tìm hiểu con đường tơ lụa, những chuyến hải trình của Christopher Columbus, Ferdinand Magellan, quan sát các hiện tượng thiên văn, hệ mặt trời, mặt trăng, sao băng, sao chổi… và cuối cùng là steam công nghệ qua các trò chơi như chế tạo tên lửa nước, thiết bị quan sát… Ở đây, người tham gia được trải nghiệm khá toàn diện về toán học, vật lý và khoa học vũ trụ.
Tổng Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn khẳng định: Xây dựng Đài Thiên văn Nha Trang là bước khởi đầu quan trọng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu vũ trụ; khơi dậy tình yêu, niềm đam mê khoa học vũ trụ của cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ. Chính lớp trẻ này sẽ là lực lượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển của ngành khoa học vũ trụ của Việt Nam sau này.
“Vì sao chọn Nha Trang làm vị trí đặt Đài Thiên văn?”, tôi hỏi các nhà khoa học và được biết nguyên nhân do nơi đây từng là nền móng của một trạm quan sát do các chuyên gia khoa học vũ trụ người Nga chọn làm nơi tổ chức nhiều hoạt động quan sát thiên văn từ những năm 1980. Nha Trang nằm gần đường xích đạo nên có thể quan sát cùng lúc cả bắc và nam thiên cầu, thời gian quan sát tốt nhất là từ tháng 2 đến tháng 9. Trên thực tế, họ đã thu được kết quả rất tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thảo cho biết, Đài Thiên văn Nha Trang đã hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, con người và đi vào hoạt động, đón khách tới tham quan trải nghiệm từ năm 2020 đến nay. Bên cạnh việc tổ chức nghiên cứu khoa học, Đài Thiên văn Nha Trang phối hợp nhiều địa phương, đơn vị đón khách đến thăm và trải nghiệm, khám phá với nhiều hoạt động như nhận biết các vì sao, chòm sao; học cách sử dụng kính thiên văn cá nhân; tìm hiểu cấu tạo và nguyên lý hoạt động của tên lửa; tìm hiểu về kính vạn hoa, cách làm kính vạn hoa từ những vật liệu đơn giản; sử dụng kính hiển vi…
Đến nay, nhiều trường học trong khu vực đã chọn Đài Thiên văn Nha Trang làm điểm đến hằng năm cho những chương trình ngoại khóa. Những trải nghiệm, trò chơi thiên văn học và công nghệ giúp các em học sinh học tập, tìm hiểu thêm được nhiều điều bổ ích về vũ trụ. Đây là cách làm cần nhân rộng, để ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên tiếp cận với khoa học vũ trụ, một lĩnh vực được coi là khá mới mẻ ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Đài Thiên văn Nha Trang đang thực hiện chương trình tham quan cho du khách mọi độ tuổi với nội dung gồm: Trải nghiệm trong nhà chiếu hình vũ trụ như mô phỏng chuyển động của bầu trời Việt Nam theo từng tháng và theo các mùa xuân, hạ, thu, đông; du hành tới các tinh vân, thiên hà, cụm sao trong vũ trụ, giới thiệu một số chòm sao tiêu biểu; thiên thực; hiện tượng ngày và đêm; chuyển động nghịch hành của các hành tinh; xem phim về không gian và chinh phục không gian vào các ngày thứ ba, thứ sáu, thứ bảy và tối chủ nhật hằng tuần.
Tôi đã đưa Marcel, người Nam Phi, đến thăm Đài Thiên văn Nha Trang. Gia đình anh đang sống và làm việc tại Việt Nam, từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Nha Trang du lịch. Marcel đang được đào tạo nâng cao để trở thành giáo viên PADI, dạy lặn biển cao cấp. Anh vui vẻ nói: “Trước giờ, tôi về Nha Trang lặn ngắm đáy đại dương. Đáy biển Nha Trang quả là quá đẹp. Nay, đến đài thiên văn, tôi lại được ngắm cả bầu trời, cả vũ trụ huyền ảo của chúng ta. Thật tuyệt! Tôi nghĩ, cần có nhiều hoạt động quảng bá hơn nữa để nhiều người biết đến địa chỉ này. Để từ đây, họ có thể đến gần hơn với vũ trụ”