Tất nhiên rồi, khi nhắc đến ruộng bậc thang là phải điểm danh các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La… và đặc biệt là Yên Bái, nơi vốn vang danh với những thửa ruộng lúa chín vàng ươm mỗi khi thu về.
Vì thế, những cái tên huyện như Văn Chấn, Mù Cang Chải của vựa lúa Yên Bái nổi tiếng từ mùa lúa chín đến mùa nước đổ. Chính quyền tỉnh Yên Bái cũng lên lịch cụ thể với nhiều hoạt động chào đón du khách vào hai mùa đặc biệt này ở những xã, huyện có diện tích lúa nhiều và ruộng bậc thang đẹp.
Thậm chí, có những sự kiện đã trở thành điểm nhấn được mong chờ như “Bay trên mùa vàng”, “Bay trên mùa nước đổ”. Đây là những dịp du khách có thể bay dù lượn để ngắm cảnh sắc thiên nhiên hòa quyện cùng các tác phẩm do bàn tay con người tạo tác, chinh phục tự nhiên qua hàng trăm năm – những thửa ruộng bậc thang nối tiếp muôn trùng sóng lớp.
Cung đường đến Mù Cang Chải những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 trở nên nhộn nhịp hơn, nhất là vào dịp cuối tuần khi du khách từ mọi miền vượt đèo, vượt núi để được tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh ngoạn mục ở nơi đây vào mùa đổ nước. Xe chúng tôi lên đèo Khau Phạ chầm chậm, cửa kính xe được mở rộng để đón luồng không khí trong trẻo nơi vùng cao ùa vào.
Người Thái gọi tên con đèo hùng vĩ Khau Phạ với ý nghĩa là “sừng trời” – chiếc sừng núi nhô lên tận trời xanh. Cung đường đèo hiểm trở bậc nhất vùng Tây Bắc này dài 30km, là nơi thử thách tay lái nhưng cũng là nơi mà thiên nhiên ban tặng món quà tuyệt sắc cho những người đặt chân được đến đây. Chọn một vị trí an toàn để xuống xe, chúng tôi say sưa ngắm cảnh sắc núi mây ẩn hiện và những thửa ruộng bậc thang tràn đầy nước.
Đại ngàn hùng vĩ hiện ra với vẻ trầm hùng qua tông màu nâu đậm chủ đạo. Bức tranh ấy được tạo nên từ đất và nước trong từng thửa ruộng in bóng nắng. Ở nơi mà nông nghiệp còn dựa vào thiên nhiên nhiều như ở vùng cao này, những cơn mưa đầu mùa hạ trở nên quý giá khi mang tới nguồn nước để bà con canh tác vụ mùa mới.
Nước từ khe núi cao đổ về, được dẫn vào từng thửa ruộng có bờ được be cao từ 1m đến 1,5m. Khi nước mấp mé bờ là nông dân tranh thủ gieo mạ luôn. Vì thế, bức tranh mang màu trầm nhưng đa sắc với nhiều thửa ruộng chỉ có nước loang loáng mặt in bóng trời, kế bên lại có những thửa đã cấy xong lớp mạ non bén rễ lên xanh mướt…
Và không khí khẩn trương cày ải của bà con người Thái, người H’Mông khiến khung cảnh càng trở nên sinh động. Các nhiếp ảnh gia của đoàn chúng tôi kiên trì hàng giờ đồng hồ để có được những khung hình đẹp nhất, với ống tele căn góc chụp có cảnh nông dân dẫn nước, thăm ruộng…
Tạp chí Heritage