Những ngày này, học sinh (HS) các cấp trên cả nước bắt đầu bước vào mùa thi cuối học kỳ 1. Đây cũng là dịp để những đối tượng bất chính công khai chào mời sản phẩm, dịch vụ từ khóa học ôn thi “chui” đến hỗ trợ thi hộ từ xa, tất cả đều được quảng cáo là có giá phải chăng, chỉ từ vài chục nghìn đồng.
“KHÓA HỌC SAO CHÉP”
Chỉ cần gõ “khóa học ôn thi giá rẻ” trên Facebook, có thể tìm thấy hàng loạt hội nhóm mang tên “share (chia sẻ) khóa học”. Tại đây, nhiều đối tượng đã rao tin mập mờ với nội dung bán khóa ôn thi trực tuyến được cập nhật liên tục, đồng giá và không giới hạn lượt xem từ những giáo viên nổi tiếng trên mạng xã hội với chi phí từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, thay vì cả triệu bạc như giá công khai trên website chính thức. Có tài khoản còn tự đặt tên là “khóa học chui” nhưng khẳng định tài liệu bán ra hoàn toàn… chất lượng.
Trong vai một HS cuối cấp, chúng tôi liên hệ tài khoản P.H chuyên bán các khóa học giá rẻ và được tư vấn nên mua gói luyện thi tốt nghiệp THPT 2024 tổng hợp đủ môn thi, trọn lộ trình đến khi thi và được tặng kèm nhiều tài liệu với giá 280.000 đồng. Sau nhiều lần dò hỏi, P.H thú nhận đây chỉ là khóa học “chui” và toàn bộ chi phí mà HS đóng vào được dùng để mua các khóa học gốc, trả công cho cộng tác viên tham gia cập nhật khóa học và duy trì lưu trữ drive.
Cũng theo P.H, khóa học “chui” có đầy đủ video trên website, livestream bài giảng, tài liệu, sách… tương tự khóa học gốc, song thời gian cập nhật bài học sẽ chậm hơn 3 – 5 ngày. Đến 1 tháng trước kỳ thi, bài học sẽ được cập nhật ngay khi khóa học gốc dạy xong. “Thầy cô live anh ghi màn hình lại đăng lên cho các bạn xem”, H. lý giải. Song, vì chỉ ghi màn hình nên chất lượng video bài giảng thấp hơn nhiều so với video gốc và HS cũng không thể hỏi bài hay có sự trợ giúp từ thầy cô, trợ giảng như khóa học gốc.
“Dạo một vòng” tổng quan drive của khóa học “chui”, chúng tôi bắt gặp nhiều cái tên quen thuộc như: môn tiếng Anh của cô Vũ Mai Phương, môn văn của thầy Phạm Minh Nhật, các khóa luyện thi đánh giá năng lực của HOCMAI hay thầy Bùi Văn Công…
Vào một môn cụ thể, bài học trong đó chính xác là những tài liệu và bài giảng sao chép hoàn toàn từ các khóa học gốc ở trên. Bằng chứng là tài liệu có hình ảnh, logo, ký hiệu của khóa học gốc đồng thời chèn thêm tên hoặc logo của khóa học “chui”. Còn bài giảng là các video được lưu về hoặc ghi màn hình.
Dò hỏi về một khóa học “chui” khác do tài khoản T.Q.K cung cấp có giá rẻ hơn khóa học của P.H mà còn tặng kèm cả tài liệu TOEIC và IELTS, người này khẳng định tất cả bài học trong khóa giống khóa gốc 99%. Tuy nhiên, với khóa này HS không được phép chia sẻ tài khoản cho nhau. “Ai mua người đó học, mua chung thì được giảm”, T.Q.K cho biết.
Thắc mắc về nguồn bài học trong khóa, T.Q.K giải thích những tài liệu này lấy từ các khóa học gốc do K. mua, sau đó lưu về bán lại với giá rẻ, đồng thời thừa nhận “học khóa chui sẽ không hỏi bài được” khi chúng tôi thắc mắc nếu không hiểu bài thì hỏi ai.
THI HỘ CẢ Ở BẬC PHỔ THÔNG
Một hiện tượng tiêu cực khác là thi hộ. Đầu năm 2022, chúng tôi từng phản ánh về các hội nhóm kín “hỗ trợ học tập” thu hút hàng chục nghìn thành viên nhưng lại không phải là nơi để người học thảo luận về bài giảng hay giải đáp thắc mắc, mà là địa điểm trá hình chuyên cung cấp các dịch vụ học hộ, thi hộ. Sau thời gian tạm lắng, các nhóm này hiện hoạt động mạnh mẽ hơn, thậm chí “vươn vòi” đến cả… cấp THPT, THCS.
Ghi nhận ở các nhóm “hỗ trợ học tập”, chúng tôi bắt gặp đa dạng nhu cầu của HS, hầu hết đều đăng tin dưới dạng ẩn danh. “20/12 (ngày mai) có ai sp (viết tắt của “support”, tức “hỗ trợ”) sử 12 e đc k ạ”, “Tìm người sp kiểm tra môn toán c3 ngày mai ạ”, “Cần người support e kiểm tra lý 11 ạ”… là những lời “kêu cứu” liên tục xuất hiện mỗi ngày, trải dài từ các môn tự nhiên đến xã hội, thậm chí cả tiếng Anh.
Nếu bài viết được đăng vào “khung giờ vàng” từ tối đến khoảng nửa đêm thì chỉ vài phút sau các đối tượng chuyên thi hộ sẽ lập tức bình luận yêu cầu nhắn tin riêng để trao đổi thêm. Nhiều tài khoản còn đăng bài tự quảng cáo dịch vụ và “lợi thế” của bản thân như không yêu cầu cọc trước, có 8.0 IELTS hay cho phép kiểm tra kiến thức, tức sẽ trả lời trực tiếp những câu hỏi của người học để đảm bảo mình có đủ năng lực.
Song, khác với “kiểu truyền thống” là đóng giả thí sinh để thi hộ, đối với bậc phổ thông, các đối tượng chỉ nhận “hỗ trợ” từ xa, nghĩa là HS gửi đề và người thi hộ sẽ giải bài rồi gửi lại đáp án ngay trong giờ thi. “Giá anh thi cuối kỳ là 400k/môn, bảo đảm điểm từ 7,5 trở lên em nhé!”, L.M, một tài khoản chuyên thi hộ, khẳng định chắc nịch khi được hỏi có thể “hỗ trợ” các môn tự nhiên như toán, lý và hóa hay không.
Cũng theo L.M, 7,5 là điểm tối thiểu và chúng tôi có thể đặt ra yêu cầu cao hơn, miễn là trả thêm phí và không nhắm đến điểm 10 vì “anh không đảm bảo được do còn phụ thuộc vào cách chấm bài của giáo viên”. Nếu muốn “chốt” đơn, chúng tôi phải gửi người này ảnh chụp thẻ HS hoặc CCCD với mục đích “làm tin”. Và ngoài các môn học, người này cũng nhận thi tiếng Anh, tiếng Nga ở trình độ B1 và B2.
Một tài khoản khác tên B.N.T thì rao tin chuyên nhận “hỗ trợ” các môn liên quan đến hóa, trong đó có bậc THCS, THPT. Người này tự giới thiệu có 2 giải HS giỏi quốc gia môn hóa cùng nhiều giải nhất, nhì cấp tỉnh và thành phố, cũng như có thể “hỗ trợ” ở cả chương trình mới. “400k trên 8 điểm, anh xong câu nào gửi em câu đó chứ không dồn lại. Nhưng nói trước anh chỉ nhận chuyển khoản trước khi làm”, B.N.T nói.
Trong khi đó, tài khoản T.T, tự giới thiệu là sinh viên ngành sư phạm lịch sử của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thì tỏ ra bối rối khi được nhờ “hỗ trợ” thi lớp 11, tức chương trình giáo dục phổ thông mới. “Sách chị chưa đọc qua nên chưa biết nội dung, sợ không đọc kịp để giúp em. Với mấy bạn thi lớp 12, chị nhận sp tầm 8,5 đến 9 hoặc 9,25. Nếu dưới điểm yêu cầu đề ra thì sẽ hoàn 30-50% số tiền”, người này cho hay.
Còn tài khoản T.H thì quảng cáo chỉ cần trả 250.000 đồng, người mua dịch vụ sẽ đạt tối thiểu 8 điểm môn sử. “Chị làm được cả trắc nghiệm lẫn tự luận, thời gian làm bao lâu còn tùy đề em gửi, nhưng sẽ có trước lúc kết thúc giờ thi 15 phút”, T.H nói.
Bên cạnh HS, sinh viên là đối tượng chính của các nhóm “hỗ trợ học tập” này, với 4 dịch vụ phổ biến là học hộ theo ca hoặc “trọn gói”, lâu dài; làm hộ bài tập, tiểu luận, bài thuyết trình; đóng giả đến trường thi hộ trực tiếp; hoặc “hỗ trợ” thi hộ từ xa. Chi phí được rao dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Và để thuận tiện tìm “khách hàng”, các nhóm này còn lập các kênh khác như Messenger, Zalo, Telegram. (còn tiếp)
Rủi ro của khóa học ‘chui’
Có không ít trường hợp “tiền mất, tật mang” bởi các khóa học “chui”. Chẳng hạn, một tài khoản chia sẻ trên nhóm rằng sau khi mua khóa học “chui” luyện thi tốt nghiệp THPT năm 2024, người này chỉ nhận được tài liệu năm 2022 và bị người bán cắt liên lạc. Tương tự, tài khoản Hoàng Tú kể rằng từng mua tài liệu luyện thi năm 2023 nhưng đến một tuần trước thi mới phát hiện tài liệu trong khóa học “chui” là của năm 2022.
Khác với 2 trường hợp trên, Nguyễn Trần Quỳnh Như, sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) từng bị xóa tài khoản học và không được hoàn tiền vì đăng nhập trên nhiều thiết bị. “Có lần, tôi đăng nhập tài khoản trên thiết bị khác thì bị xóa tài khoản và không được hoàn lại tiền đã đóng”, Như kể.