Vàng ròng của nhân cách là đức hy sinh...
Nhật ký nữ nhà báo chiến trường (NXB Hội Nhà văn, 2025) là một lát cắt chân thực, giàu cảm xúc từ cuộc đời nữ nhà báo, nhà thơ Lệ Thu, ghi lại những trải nghiệm sống và làm việc nơi chiến trường miền Trung, đặc biệt là Bình Định - quê hương của bà, trong những năm tháng ác liệt cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cuốn sách Nhật ký nữ nhà báo chiến trường như một món quà nhỏ mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc nhân kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất. Ảnh: NGÔ PHONG |
Tập nhật ký này được bắt đầu viết từ năm 1973 - thời điểm bà rời Hà Nội, xa đứa con trai bé bỏng để vào chiến trường với nhiệm vụ đặc biệt: Tham gia thành lập Đài phát thanh Giải phóng Khu 5. Từ giây phút chia tay con bên võng ngủ, đến từng bước chân gùi gạo, mắc võng giữa rừng Trường Sơn, đụng trận pháo, bao lần giữa lằn ranh sống - chết… tất cả đều được kể lại bằng một giọng văn chân thành, mộc mạc mà lắng sâu, đậm chất nữ tính nhưng đầy bản lĩnh, nghị lực.
Từng trang nhật ký là tiếp nối những câu chuyện sống động về cuộc sống nơi rừng núi Trường Sơn, về sự gian truân, thiếu thốn đến tận cùng nhưng cũng là nơi hội tụ của tình người, lòng quả cảm và lý tưởng cách mạng. Ở đó, một người mẹ tận tụy, người con luôn hướng về cha già và quê nhà Bình Định. Ở đó, một nhà báo cách mạng dấn thân không ngơi nghỉ. Đồng thời, đây cũng là một “bản nhạc thầm” về những rung cảm rất riêng - đầy xúc động và nhân văn - như lời thì thầm trong bài thơ Viết cho con, Lời thương gửi lại, hay nỗi mừng vui khôn xiết với những bước chân đầu tiên bước trên mảnh đất quê hương; sự ân cần, thắm thiết tình quân dân trên chiến trường Bình Định..., như tác giả bộc bạch: “Tất cả sự kiện, chi tiết trong tập nhật ký này đều hoàn toàn là sự thật, dưới góc nhìn riêng của tôi về thang giá trị”. Cuốn sách là sự kết tinh giữa tư liệu báo chí và văn học, giữa hiện thực và cảm xúc, giữa trách nhiệm công dân và tình cảm con người.
Từng trang một, Nhật ký nữ nhà báo chiến trường góp phần nhắc nhở thế hệ hôm nay rằng, có một thế hệ từng sống, yêu, chiến đấu và hy sinh vì lý tưởng lớn lao đến thế! Như lời tác giả gửi gắm những trân trọng tin yêu: “Vàng ròng của nhân cách là đức hy sinh, là lòng vị tha, là thẳm sâu một nền văn hóa sống “vì nước quên mình” của cha ông muôn thuở. Và, tôi yêu quý những người chiến sĩ trẻ đầy nhiệt huyết thanh xuân, trí tuệ và lòng nhân ái của đoàn quân giải phóng giờ đây người mất kẻ còn... Họ giống như những thỏi vàng ròng, sẽ không bao giờ han rỉ bởi thời gian!”. (Tr. 330).
Được Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân xuất bản lần đầu vào năm 2015, Nhật ký nữ nhà báo chiến trường được nhiều bạn đọc, nhà văn, nhà phê bình văn học đồng cảm và yêu mến. Tuy nhiên, do số lượng phát hành hạn chế trong hệ thống thư viện quân đội, nhiều bạn đọc vẫn chưa có cơ hội tiếp cận tác phẩm. Lần tái bản này do NXB Hội Nhà văn in ấn và phát hành, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, là cơ hội để những giá trị tinh thần mà cuốn sách lưu giữ tiếp tục lan tỏa đến độc giả hôm nay và mai sau.
NGÔ PHONG
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=18&macmp=18&mabb=354124
Bình luận (0)