Lão nông ở Khánh Hòa đam mê sáng chế máy nông nghiệp Hưng Yên: Thu giữ 15 động cơ máy nông nghiệp không rõ nguồn gốc, xuất xứ |
Đó là trải lòng của anh Tạ Đình Huy (42 tuổi) ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội về lý do, động lực khiến anh trở thành nhà sáng chế máy nông nghiệp đa chức năng được nhiều người ngưỡng mộ. Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện cùng anh Tạ Đình Huy để hiểu hơn về những đóng góp của anh cho ngành nông nghiệp.
Anh có thể chia sẻ về quá trình anh sản xuất ra những chiếc máy nông nghiệp có “một không hai” này và sự ra đời của sản phẩm này đã góp phần như thế nào trong quá trình sản xuất nông nghiệp?
Anh Tạ Đình Huy với sản phẩm máy nông nghiệp đa năng do anh sáng chế. Ảnh: NVCC |
Tôi xuất thân là một người nông dân, khu vực tôi sinh sống quanh năm tiếp xúc với đồng ruộng. Từ nhỏ đến lớn, chứng kiến sự tần tảo, vất vả làm đồng của mẹ và cũng từng được trải nghiệm sự vất vả ấy đã hun đúc trong tôi ý chí, khát khao muốn tìm ra một giải pháp nào đó “gánh” đỡ và giảm bớt sức lao động cho bà con. Chính vì vậy, sản phẩm tôi ấp ủ sáng tạo ra chính là những chiếc máy đa năng để có thể phục vụ tốt trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Thực tế trên thị trường có rất nhiều loại máy nông nghiệp từ nước ngoài, nhiều loại máy lớn rất hiện đại, nhưng quan trọng hơn là làm thế nào để tạo ra một loại máy có mức độ phục vụ phù hợp, giải quyết thay việc làm thủ công của người nông dân, lại phải phù hợp với túi tiền, phù hợp với điều kiện sức khỏe và mô hình canh tác của bà con nông dân? Và sau nhiều năm tháng mày mò, nghiên cứu từ thực tế, những sản phẩm máy nông nghiệp đa năng của tôi đã được ra đời.
Về điểm khởi đầu, từ những năm 2008, tôi đã tạo ra chiếc máy nông nghiệp từ những phế liệu bỏ đi để có thể hỗ trợ bà con trong việc cày, cuốc, bơm, kéo, vận chuyển… Sau nhiều cải tiến, trải qua rất là nhiều giai đoạn, tôi đã đúc kết ra một chiếc máy hoàn hảo hơn để có thể giải quyết được tất cả công việc nhà nông, tích hợp 23 chức năng (cày đất, tạo luống, phay đất, bừa, bơm nước, tạo hàng gieo hạt, làm cỏ vườn, đào bồn cà phê, đảo phân vi sinh, phun thuốc bảo vệ thực vật, phát điện, đào hố trồng cây…).
Hiện sản phẩm máy nông nghiệp đa năng của tôi đã bán khắp các tỉnh trong cả nước, mỗi năm khoảng 1.000 máy. Ngoài ra, sản phẩm cũng đã xuất bán sang một số máy nước như Lào và Campuchia. Nhiều bà con kiều bào tại các nước này nghe tin cũng quay về mua và mang qua “bển” sử dụng.
Nhờ những chiếc máy anh sáng chế này đã hỗ trợ rất nhiều cho bà con nông dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp, vậy anh có thể chia sẻ về những khó khăn hiện nay trong việc phát triển sản phẩm của mình?
Khó khăn lớn nhất, để sản phẩm cạnh tranh với thị trường là một điều rất là khó. Hiện do chưa có công nghệ sản xuất đồng loạt nên phụ tùng để lắp ráp sản phẩm tôi phải nhập từ nước ngoài. Nhiều chi tiết vẫn phải làm một cách thủ công. Trong khi, nếu đặt gia công sản xuất rồi mang về lắp ráp thì giá thành sẽ rất cao, không có tính cạnh tranh trên thị trường.
Thứ hai, mặc dù hiện nay, những sản phẩm do cơ sở sản xuất đã đáp ứng được nhu cầu cơ bản của bà con nông dân và ít nhiều đã đạt những hiệu quả nhất định, song, hiện rào cản về nguồn vốn khiến chúng tôi khó có thể mở rộng quy mô sản xuất. Đó là lý do khiến sản phẩm sẽ chậm phát triển, đổi mới. Chính vì vậy, tôi mong muốn những sản phẩm của mình có điều kiện được đầu tư nhiều hơn, cải tiến chất lượng hơn và đặc biệt có tính ứng dụng cao hơn. Do đó, tôi rất mong các cơ quan chức năng liên quan tạo điều kiện để thúc đấy những sản phẩm như của chúng tôi có cơ hội phát triển.
Ngoài ra, khó khăn nữa là hiện nay, công tác quảng bá, truyền thông cho sản phẩm còn hạn chế. Với một đơn vị sản xuất, chúng tôi còn thiếu kinh nghiệm trong việc phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ. Do đó, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ để từ các cấp chính quyền để quảng bá, giới thiệu để sản phẩm được nhân rộng và được nhiều người biết tới.
Thêm nữa, về mặt bằng sản xuất. Để mở rộng sản xuất cần có quỹ đất, tuy nhiên hiện chúng tôi gặp vướng trong việc xử lý các thủ tục đăng ký, xin cấp phép. Theo đó, tôi mong rằng, chính quyền địa phương, các cơ quan ban ngành cần quan tâm hơn nữa đến những sáng chế, nhất đối với người nông dân như tôi về chính sách giúp cho những sản phẩm được phát triển nhân rộng.
Để đạt được kết quả ngày hôm nay là sự dày công cố gắng, vậy anh có chia sẻ gì về thành quả của mình cũng như trong thời gian tới, anh có dự định như thế nào để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm?
Quá trình hoàn thiện chiếc máy không phải là quãng thời gian dễ dàng với tôi. Là người không qua bất kỳ lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy, tôi sản xuất máy nông nghiệp với kiến thức về nghề sửa xe máy. Phải mất nhiều thời gian, làm đi, làm lại nhiều lần mới ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. Từ những chiếc máy đầu tiên, cho đến chiếc máy hiện tại tôi đều mày mò dựa trên những nhu cầu thực tế của bà con nông dân. Tôi muốn người nông dân không phải vất vả, chân lấm tay bùn.
Nhìn lại chặng đường gần 20 năm, với niềm đam mê sáng chế, hiện cơ sở sản xuất của tôi đã có hàng chục loại máy nông nghiệp. Ngoài máy nông nghiệp đa năng, tôi còn đưa ra thị trường nhiều loại máy khác nhau như: máy chăm sóc cây chè, máy làm cỏ rau, máy tạo hàng hỗ trợ cho người trồng hoa ly, máy đào mương, máy phun thuốc cho cây thanh long, máy cấy lúa, xe rùa máy, máy xay cây… Giá mỗi chiếc dao động từ 8 đến trên 20 triệu đồng. Với giá thành của mỗi chiếc máy, lợi nhuận không nhiều, chủ yếu tôi nghiên cứu làm ra giúp người nông dân được nhàn hơn.
Tôi cảm thấy may mắn vì mình được sống với niềm đam mê của mình, và đặc biệt, xưởng sản xuất của gia đình tôi giờ là nơi giải quyết việc làm thời vụ cho hơn 20 công nhân, trong đó 15 lao động thường xuyên với mức lương ổn định. Tôi vẫn luôn ấp ủ sẽ truyền nghề cho nhiều thanh niên trong xã có đam mê ngành cơ khí.
Đặc biệt, với những cố gắng của mình, năm vừa qua (2023), tôi đã vinh dự đoạt giải cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất. Đó là niềm tự hào cho một “lão nông” như tôi. Đó cũng là động lực để tôi quyết tâm hơn nữa cho những sản phẩm mới.
Và để mở rộng thị trường phát triển sản phẩm, hiện tôi đang nghiên cứu áp dụng công nghệ, sản xuất các máy nông nghiệp tự động hóa, được điều khiển qua phần mềm cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh sẽ giúp bà con nông dân thuận lợi, dễ dàng hơn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhằm tạo giá trị lao động, năng suất cao hơn, hiệu quả hơn.
Nguồn: https://congthuong.vn/chang-thanh-nien-sang-che-may-nong-nghiep-tu-khat-khao-thoat-canh-co-cay-vai-bua-352653.html