Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất mua dầu Nga, chế biến và xuất khẩu sang nước khác. Các đại gia dầu mỏ Tây Á, dẫn đầu là Saudi Arabia, đang mua hàng triệu thùng dầu diesel của Nga, loại dầu bị cấm ở châu Âu, để bán sản phẩm này cho người mua ở Liên minh châu Âu (EU).
Saudi Arabia đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn của Nga. (Nguồn: FILE) |
Ấn Độ tăng mua dầu Nga
Ấn Độ – nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới – đang xuất khẩu dầu của Nga, sau khi tinh chế, sang các nước ở châu Âu và châu Á.
Theo dữ liệu từ Vortexa, tháng 5/2023, Ấn Độ đã nhập khẩu 1,96 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga vào tháng trước, cao hơn 15% so với tháng 4, xác lập kỷ lục mới. Chi phí trung bình để mua một thùng dầu thô của Nga bao gồm cả chi phí vận chuyển đến bờ biển Ấn Độ trong tháng 4 là 68,21 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ khi quốc gia này bắt đầu mua khối lượng lớn dầu thô từ Nga.
Trước đây, Ấn Độ hầu như không nhập khẩu dầu thô từ Nga. Chi phí vận chuyển khổng lồ khiến dầu thô của Nga trở nên rất đắt đỏ so với các nguồn nhập khẩu lân cận của Ấn Độ từ Tây Á.
Nhà máy lọc dầu khu vực tư nhân đầu tiên của Ấn Độ tại Jamnagar ở Gujarat – do Reliance Industries (RIL) xây dựng – đã sử dụng dầu thô nhập khẩu, chủ yếu từ các nhà cung cấp Tây Á, để sản xuất sản phẩm tinh chế cho mục đích xuất khẩu.
Cho đến năm 2020-2021, Ấn Độ mua dầu thô từ Nga chưa đến 1% tổng lượng dầu nhập khẩu của nước này. Trong 10 tháng đầu năm 2020-21, Ấn Độ chỉ mua 419.000 tấn dầu thô từ Nga, chiếm 0,2% trong tổng lượng nhập khẩu 175,9 triệu tấn.
Ấn Độ đã xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế trị giá 49 tỷ USD vào năm 2021, đưa nước này trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ tinh chế lớn thứ ba thế giới. Các thị trường xuất khẩu chính là Singapore (4,59 tỷ USD), Mỹ (3,56 tỷ USD), Hà Lan (2,89 tỷ USD) và Australia (2,62 tỷ USD).
Các thị trường xuất khẩu xăng dầu tinh chế tăng trưởng nhanh nhất của Ấn Độ trong giai đoạn 2020 và 2021 – thời điểm trước chiến dịch quân sự – là Mỹ, Australia và Togo.
Tình hình đã thay đổi sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm ngoái. Lệnh cấm vận tài chính và thương mại của phương Tây đối với Nga đã buộc nước này phải bán dầu mỏ và các sản phẩm khác với giá chiết khấu cao.
Nhập khẩu dầu đột nhiên trở nên rẻ hơn nhiều từ Nga. Điều này khiến Ấn Độ tìm đến dầu thô của Nga vì thị trường năng lượng của nước này phụ thuộc 87% vào dầu nhập khẩu.
Dầu thô giá rẻ của Nga và nhu cầu xuất khẩu cao hơn đối với các sản phẩm tinh chế, xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Ấn Độ đang tăng lên. Giá trị nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ trong tài khóa vừa qua ước đạt 158,3 tỷ USD, tăng từ 120,7 tỷ USD trong năm trước. Năm ngoái, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ, lần đầu tiên thay thế vị trí của Iraq.
Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ. (Nguồn: AP) |
Đại gia dầu mỏ cũng “nhập hội”
Đặc biệt, Saudi Arabia – một trong những nước có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới và kiếm được hàng tỷ USD từ xuất khẩu dầu mỗi năm – cũng đã trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn của Nga. Saudi Arabia đã và đang xuất khẩu dầu mỏ tinh chế, polyme etylen và propylen sang Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và UAE.
Bất chấp sự phản đối từ Mỹ, các nước vùng Vịnh giàu dầu mỏ đang tận dụng giá dầu giảm của Nga. Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đang nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga để tăng cường xuất khẩu dầu với giá cao hơn sang châu Âu.
Lý do duy nhất đằng sau việc Saudi Arabia và UAE nhập khẩu lượng lớn dầu từ Nga là để tận dụng sự khác biệt về giá cả. Trong vài tháng qua, hai đại gia dầu mỏ này đã nhập khẩu lượng dầu kỷ lục từ Moscow. Và dầu của Nga đang được vào EU thông qua Saudi Arabia và UAE – hai đồng minh Tây Á đáng tin cậy của Mỹ.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp từ công ty phân tích Kpler, Saudi Arabia đã nhập khẩu 174.000 thùng dầu diesel và dầu khí mỗi ngày từ Nga vào tháng 4/2023 và thậm chí nhiều hơn trong tháng 3/2023.
Hãng tin trên tiết lộ, khoảng 35% tổng lượng dầu diesel xuất khẩu của Saudi Arabia trong tháng 4/2023 được vận chuyển đến các nước Liên minh châu Âu (EU) và Anh. Saudi Arabia đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp chính của châu Âu kể từ tháng 2 năm nay.
Trong khi đó, hãng tin Reuter cho biết, Saudi Arabia đã tận dụng chiến lược lợi nhuận từ lọc dầu bằng cách nhập khẩu một lượng đáng kể dầu diesel của Nga với giá thấp và vận chuyển số lượng kỷ lục đến Singapore, nơi có thể tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
Các nhà phân tích và thương nhân trong ngành nói rằng, tập đoàn Aramco của Saudi Arabia đã nắm bắt cơ hội để tăng xuất khẩu dầu diesel sang Singapore lên mức kỷ lục trong tháng 5.
Chuyển hướng sang thị trường châu Á đã cho phép Aramco thu được lợi nhuận ròng cao hơn do nguồn cung ở châu Á giảm trong mùa bảo dưỡng, đồng thời tận dụng nguồn cung dầu diesel tương đối khan hiếm ở Singapore do vấn đề bảo dưỡng nhà máy lọc dầu trong khu vực.
The Northlines nhận định, việc một số đồng minh của Mỹ ở Tây Á buôn bán dầu mỏ của Nga sang EU qua “cửa sau” cho thấy, các biện pháp trừng phạt của phương Tây với ngành năng lượng vẫn còn những lỗ hổng.
Các quốc gia phương Tây đang cố gắng cắt giảm thu nhập của Nga từ dầu mỏ và khí đốt nhưng chưa thực sự thành công. Các nước EU và Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đặt mức giá tối đa là 60 USD/thùng đối với dầu thô của Nga.
Đáng chú ý, EU đã không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí đốt của Nga vì châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung cấp của Nga.
Nhờ những người “bạn tốt” như Trung Quốc, Ấn Độ, Saudi Arabia, UAE và Iran, Nga đã đạt mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục là 227 tỷ USD vào năm 2022. Khi nhập khẩu giảm, cán cân thương mại của Nga đã tăng lên 282,3 tỷ USD vào năm ngoái, từ mức 170,1 USD tỷ của năm trước.