Lạm thu có chỉ đạo?
Cứ vào đầu năm học, vấn đề lạm thu lại trở thành đề tài bàn tán của phụ huynh tại nhiều trường học. Nếu trước đây, vấn đề lạm thu chỉ diễn ra ở một số trường và một số khoản đóng góp của phụ huynh thì hiện tại lạm thu đã như một “ma trận” với đủ các chiêu trò, từ đóng góp đến mua sắm và tổ chức dạy học ngoài chương trình.
Đơn cử việc một trường THPT tại Hải Dương bị tố vì tổ chức thu nhiều khoản thu ngoài quy định. Theo đó, trường này đã thu tiền xã hội hóa 300.000 đồng, gửi xe 360.000 đồng/năm; đồng phục 1.464.000 đồng, bảo hiểm thân thể 300.000 đồng/năm; học thêm hè 920.000 đồng; học thêm 2.176.000 đồng; sổ liên lạc điện tử 150.000 đồng/năm… Tổng các khoản thu là hơn 8,7 triệu đồng/học sinh.
Nạn nhân của lạm thu không chỉ dừng lại ở phụ huynh, học sinh mà nhiều lúc cũng chính là ngân sách nhà nước. Bởi vì, đủ các thể loại được vẽ ra nhằm giải ngân với danh nghĩa đầu tư cho giáo dục. Mới đây, nhiều phụ huynh ở một trường học ở quận Hà Đông, Hà Nội đã phải lên tận phòng giáo dục để phản ánh về việc hệ thống điều hòa của các trường học do phụ huynh đóng góp đang hoạt động tốt thì phía nhà trường và quận chỉ đạo tháo bỏ, để tổ chức mua sắm mới hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năm học đã đến nhưng điều hòa mới thì chưa thấy đâu, các cháu vào học nhưng chưa có điều hòa để sử dụng nên phụ huynh lại nháo nhác bàn nhau góp tiền mua điều hòa cho các con.
Ma trận thu chi Hiện tại mỗi địa phương cho phép thu khác nhau. Tại Hà Nội trường học được thu 9 khoản tiền được phép thu đầu năm học 2023 – 2024 gồm: Thu, chi phục vụ bán trú; Thu, chi học 2 buổi/ngày; Thu, chi học phẩm; Thu, chi nước uống học sinh; Thu Bảo hiểm y tế học sinh; Thu chi dạy thêm, học thêm trong nhà trường; Thu chi viện trợ, quà biếu, tặng, cho; Thu chi tài trợ; Các khoản thu về quần áo đồng phục, quần áo thể dục thể thao, phù hiệu. Trong khi tại TP. Hồ Chí Minh quy định 26 khoản thu, thuộc 4 nhóm chính, bao gồm: Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; Các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; Các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; Các khoản thu hỗ trợ cho cá nhân học sinh. Với quy định thu như vậy, mỗi khoản chỉ hơn vài trăm nghìn thì số tiền phụ huynh đóng góp cũng lên đến hàng triệu đồng. |
“Hết hè nhà trường bắt các lớp tháo điều hòa do phụ huynh đóng góp mua để trả mặt bằng cho trường lập theo dự án. Nhưng đến giờ vẫn chưa lắp. Các phụ huynh lại phải đóng tiền mua điều hòa lắp vì lớp quá đông nóng nực các con không chịu được” – một phụ huynh chia sẻ.
Câu chuyện tại hai trường học trên chỉ là những hạt cát trong bối cảnh lạm thu hiện nay. Bởi vì, chủ trương cho thu nên các nhà trường tăng cường thu để lấy ngân sách hoạt động. Nếu lạm thu tự phát phụ huynh còn có thể từ chối nộp nhưng lạm thu có chỉ đạo thì phụ huynh chỉ còn cách còng lưng chịu trận.
Vấn nạn dạy liên kết trong các nhà trường
Lạm thu đầu năm chỉ là biểu hiện nhỏ của lạm thu toàn bộ năm học. Việc lạm thu xảy ra dưới nhiều hình thức, trong đó dạy học liên kết tiếng Anh được xem là các lạm thu phức tạp nhất hiện nay. Đơn cử, Trường Tiểu học Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa ra 3 chương trình dạy liên kết với đơn vị tư nhân (chưa tính các câu lạc bộ ngoài giờ lên lớp), gồm: Tiếng Anh BME-KIDs (mức thu 150.000 đồng/tháng); Tiếng Anh Toán (mức thu 100.000 đồng/tháng); bổ trợ Tiếng Anh thông qua bộ môn Khoa học STEM (mức thu 150.000 đồng/tháng). Tương tự, Trường Tiểu học Mai Động (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa 3 hoạt động dạy thêm: Chương trình tiếng Anh – Toán; Chương trình tiếng Anh tiểu học BME-KIDs; chương trình bổ trợ tiếng Anh qua bộ môn khoa học STEM. Các câu lạc bộ đều được nhà trường liên kết với đơn vị tư nhân bên ngoài và có tính phí. Tại Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), năm nay, nhà trường triển khai chương trình làm quen tiếng Anh, tiếng Anh thông qua ngôn ngữ Toán – Khoa học đối với học sinh lớp 1, 2. Một tuần 4 tiết, mức giá hơn 460.000 đồng/học sinh/tháng và 4.140.000 đồng/học sinh/năm học (9 tháng).
Tình trạng các trường công lập đua nhau liên kết với các đơn vị tư nhân yêu cầu phụ huynh đăng kí học tăng cường theo tinh thần “tự nguyện” không phải là mới. Sự việc này đã diễn ra trong nhiều năm nay, ở rất nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy ra sao đang là vấn đề mà phụ huynh lo lắng. Mới đây, một phụ huynh bất ngờ trước danh sách giáo viên dạy tiếng Anh liên kết mà một Sở Giáo dục và Đào tạo phân công về địa phương của họ. Trong danh sách, không thấy bóng dáng của một giáo viên nước ngoài là người bản ngữ (Anh, Úc, Mỹ) mà toàn là những giáo viên đến từ các quốc gia châu Phi xa xôi như Uganda, Ghana, Cameroon.
“Dạy tiếng Anh liên kết khi mời giáo viên người bản ngữ (Anh, Úc, Mỹ) để học sinh được giao tiếp và học tập văn hóa sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh ở những người nói Tiếng Anh là tiếng mẹ để. Còn nếu lấy người nước ngoài công dân của những nước không nói Tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ thì chắc gì trình độ đã hơn thầy cô người Việt. Các thầy cô giáo dạy ngoại ngữ Việt Nam hiện nay khi vào đại học phải thi 3 môn (Toán, Văn, Anh) cạnh tranh rất cao. Các thầy cô không chỉ giỏi ngoại ngữ mà kiến thức nền cũng rất tốt. Đằng này, không biết những giáo viên không dùng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ thì có đủ năng lực để dạy Tiếng Anh hay không”- phụ huynh này thắc mắc.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, một giáo sư người Việt tại nước Anh chia sẻ, hiện rất khó để nói trình độ tiếng Anh của những giáo viên không phải là người bản xứ. Tuy nhiên, theo bà, tiếng Anh của những người dân đến từ các nước như Uganda, Ghana, Cameroon rất khó nghe.
“Muốn biết trình độ của các giáo viên này đến đâu cần phải kiểm tra theo trình độ IELTS. Đối với những giáo viên là người Anh, Mỹ, Úc thì việc thẩm định IELTS không gây khó được họ nhưng các nước còn lại chắc chắn ít người có trình độ trên 7.0 còn đòi hỏi 8.0 thì hầu như sẽ trượt” – vị Giáo sư này chia sẻ. Cũng liên quan đến trình độ ngoại ngữ của những giáo viên không phải đến từ các quốc gia Anh, Mỹ, Úc – một chuyên gia đang công tác tại Úc cũng bày tỏ quan điểm, đã thuê người dạy phải thuê được những giáo viên người bản ngữ. Những người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ còn các giáo viên đến từ các quốc gia khác cần kiểm tra kiến thức chặt chẽ trước khi cho vào dạy.
Hiện nay, quy mô dạy liên kết ngoại ngữ trong các nhà trường phổ thông lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Vì thế, các công ty cung cấp giáo viên nước ngoài để đưa vào trường học giảng dạy tiếng Anh mọc lên như nấm. Với đủ loại hình và chương trình khác nhau. Tuy nhiên, do nhu cầu nhiều nên không tuyển đủ giáo viên dẫn tới tuyển giáo viên chất lượng kém. Vì lợi nhuận và % chiết khấu từ vấn đề dạy thêm này mà việc quản lý đang bị buông lỏng.
Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu đầu năm học, như Điều lệ về Ban đại diện cha mẹ học sinh, các hoạt động tài trợ cho giáo dục, đào tạo. Các địa phương cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh lạm thu dưới mọi hình thức. |
Trinh Phúc