Sáng ngày 24/10, Tại phiên thảo luận tổ về báo cáo kinh tế xã hội nhiều đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ những quan điểm liên quan đến ngành y tế.
Theo đó, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan rất trăn trở khi nhiều bức xúc cũ vẫn chưa có câu trả lời như tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế đầu vào vẫn tồn tại, chủ yếu do vướng các quy định về đấu thầu.
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bà Phạm Khánh Phong Lan cũng đề nghị sớm bổ sung, hoàn thiện các quy định về xã hội hóa y tế để đảm bảo cán bộ “dám nghĩ dám làm”.
Bà Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, xã hội hóa nhằm mục tiêu chính là tăng cường tự chủ, phát huy chất xám cho đội ngũ chứ không phải chủ yếu nhằm tiết kiệm tiền cho ngân sách.
Ngân sách nhà nước vẫn cần bố trí đủ, đầu tư xứng đáng cho y tế và giáo dục, đó chính là thể hiện bản chất xã hội chủ nghĩa.
Cũng liên quan vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tri Thức đề nghị không vì sợ mà chần chừ, không có cơ chế để bệnh viện công thực hiện liên doanh liên kết.
“Chính phủ cần ban hành sớm quy định để thực hiện cơ chế này mới có thể đảm bảo đủ thiết bị, vật tư y tế phục vụ nhân dân”, ông Thức nói và dẫn chứng tình trạng thiếu máu cho điều trị ở một số địa phương miền Tây đồng bằng sông Cửu Long.
“Không phải vì người dân không đi hiến máu, mà vì chúng ta không có đủ vật tư y tế để tiếp nhận máu hiến đúng quy định, đó là việc rất đáng tiếc”.
Một vấn đề cấp thiết khác, theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, là tình trạng đấu thầu “chạy” Thông tư 14 vì Thông tư này chỉ có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023. Hướng dẫn thực hiện Luật Đấu thầu mới (thực hiện từ 1/1/2024) đến giờ này vẫn chưa có, nên nếu không làm nhanh thì các bệnh viện không biết thực hiện theo quy định nào.