Cuộc vận động “Trường học Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học” nhằm hướng đến mục tiêu tuyên tuyền bằng nhiều hình thức, biện pháp để các em học sinh sinh từ bậc Tiểu học đến Trung học phổ thông toàn tỉnh nâng cao nhận thức hoàn nữa về rõ vai trò, mục đích khi sử dụng điện thoại di động hàng ngày.
Nêu cao ý thức trong việc không sử dụng điện thoại trong buổi học chính khóa, học thêm trong nhà trường, kể cả giờ ra chơi. Đối với các buổi học, tiết học đặc thù, hoạt động tập thể hoặc trong tình huống đặc biệt, nhà trường và giáo viên quyết định việc sử dụng điện thoại đối với học sinh.
Cuộc vận động còn là để giúp các emtăng sự tương tác, giao lưu trực tiếp khi học ở trường, lớp, nhận thức lợi ích và tiêu cực khi sử dụng điện thoại thiếu trách nhiệm, thiếu hiểu biết, tránh xa tình trạng nghiện trò chơi điện tử, mạng xã hội. Đồng thời hỗ trợ phát triển về tâm lý, nhân cách, thể chất và kết quả học tập của học sinh, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Trao đổi với phóng viên, Hiệu trưởng trường THCS xã Nghi Ân Bành Thị Thúy Hà cho biết, điện thoại lâu nay đã trở thành một thiết bị hết sức gần gũi với giới trẻ đủ mọi lứa tuổi, không chỉ là phương tiện liên lạc khi cần, nó còn là phương tiện giúp các em tiếp cận nhiều hơn về công nghệ, thông tin để phục vụ việc học tập, hiểu biết…
Thế nhưng, việc sử dụng điện thoại quá mức, thậm chí là lạm dụng khiến các em phụ thuộc vào điện thoại.
“Nhận thức rõ cần kiểm soát, nâng cao trách nhiệm, nhận thức cho các em học sinh khi sử dụng điện thoại, lâu nay nhà trường luôn nhắc nhở, thông qua giáo viên thường xuyên có những tuyên truyền giúp các em học sinh trong trường hiểu rõ mặt tích cực của những chiếc điện thoại, chủ động tránh xa những mặt tiêu cực do điện thoại mang lại để không làm ảnh hưởng tới học tập, thể chất, tinh thần…”, cô Bành Thị Thúy Hà nêu.
Việc sử dụng điện thoại khi nhận thức chưa đầy đủ, chưa toàn diện khiến nhiều học sinh sa đà quá vào chiếc điện thoại. Thâm chí còn xảy ra việc gian dối trong quá trình học tập, với việc sử dụng điện thoại để giải đáp các bài học thay vì phải suy nghĩ, tìm lời giải.
Hiệu trưởng trường THPT Hà Huy Tập Cao Thanh Bảo chia sẻ: Không phủ nhận những lợi ích, mặt tích cực khi các em học sinh sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên để tránh việc quá sa đà vào điện thoại, thậm chí bị rơi vào các hoạt động tiêu cực từ chiếc điện thoại mang lại thì việc tuyên truyền vận động học sinh nêu cao trách nhiệm ý thức khi sử dụng điện thoại di động là đều rất cần.
Lâu nay nhà trường vẫn luôn có những giám sát, bắt đầu từ giáo viên chủ nhiệm, đến thầy cô bộ môn, luôn tuyên truyền, nhắc nhở các em khi sử dụng điện thoại phục vụ cuộc sống, học tập để không làm ảnh hưởng tới học tập, đời sống, tinh thần của bản thân.
Khi vào lớp học, ngoại trừ được giáo viên cho phép với những môn học cần để tra cứu tài liệu, thì các em phải bỏ điện thoại vào các hộp đựng sẵn do lớp, trường đã chuẩn bị từ trước. Chỉ khi không có giờ học, các em mới có thể sử dụng điện thoại.
Cùng quan điểm này, Hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc 3 Phạm Thị Tuyết Mai cho rằng, những cuộc vận động như ngành phát động là cần thiết, nó sẽ tạo nên những hồi chuông mạnh mẽ hơn nữa để nhắc nhở các em học sinh cần nâng cao ý thức, trách nhiệm với việc chiếc điện thoại di động làm sao cho đúng mục đích, đúng chức năng.
Nhà trường, thầy cô luôn đồng hành, nhắc nhở các em và phụ huynh cũng phải có những nhắc nhở, hướng dẫn các em sử dụng điện thoại phục vụ cuộc sống, học tập chứ không trở nên phụ thuộc, lạm dụng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nghe-an-van-dong-hoc-sinh-noi-khong-voi-dien-thoai-trong-buoi-hoc.html