Ngày 27.3, Hội nghị đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) chuyên trách lần 5, QH khóa XV, tiếp tục ngày làm việc cuối cùng với phần thảo luận về dự án luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Một trong những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, là có nên cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông hay không.
Liên quan vấn đề này, Ủy ban Quốc phòng – An ninh (cơ quan thẩm tra) thiết kế 2 phương án. Một là cấm tuyệt đối nồng độ cồn, áp dụng đối với tất cả các loại phương tiện giao thông đường bộ. Hai là giữ nguyên như luật Giao thông đường bộ năm 2008: chỉ cấm tuyệt đối với ô tô, máy kéo và xe máy chuyên dùng; còn mô tô, xe gắn máy sẽ có ngưỡng tối thiểu (50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/1 lít khí thở).
“NGỒI VÀO BÀN RỒI, LÀM SAO XÁC ĐỊNH UỐNG CHO ĐÚNG NGƯỠNG ?”
Bày tỏ ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn, ĐB Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Trị) cho rằng quy định này không phải là mới, mà chỉ kế thừa quy định đang có hiệu lực tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ góp phần phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro do hành vi đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây ra.
Dù vậy, bà Tâm nhận định sử dụng rượu, bia được xem là nét văn hóa, thói quen của một bộ phận người dân VN; lĩnh vực sản xuất, cung ứng sản phẩm rượu, bia cũng đóng góp cho ngân sách một phần không nhỏ, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người lao động… Cấm tuyệt đối nồng độ cồn sẽ ảnh hưởng nhất định đến những đối tượng này. Để thuyết phục hơn, nữ ĐB đề nghị cần có đánh giá tác động chính sách sâu và hoàn thiện hơn. Cụ thể là đưa ra các số liệu (bao nhiêu vụ tai nạn thuộc trường hợp vượt ngưỡng, trong ngưỡng hoặc dưới ngưỡng…) để chứng minh rằng nếu quy định ngưỡng nồng độ cồn là không khả thi, khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) cho biết từng rất băn khoăn nhưng sau khi đánh giá ưu và nhược điểm của 2 phương án, đến nay ông hoàn toàn ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn. “Nếu có ngưỡng và vượt ngưỡng mới bị xử lý, khi đã ngồi vào bàn rồi thì sao xác định được uống thế nào là trong ngưỡng, thế nào là vượt ngưỡng?”, ông Thắng nói.
Nhấn mạnh “tính mạng, sức khỏe con người là trên hết, trước hết”, vị ĐB tỉnh Hưng Yên khẳng định việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn là cần thiết, sẽ góp phần hình thành văn hóa đã uống rượu, bia thì không lái xe, đồng thời bảo vệ cho chính gia đình của người điều khiển phương tiện giao thông.
Tương tự, ĐB Thái Thị An Chung (đoàn Nghệ An) nhận định cấm tuyệt đối nồng độ cồn có thể gây ảnh hưởng đến một phần phát triển kinh tế, nhưng bà ủng hộ cấm trong ít nhất 5 năm tới, để góp phần thay đổi thói quen lạm dụng rượu, bia của một bộ phận người dân. Khi thói quen đã thay đổi sẽ tiến tới tổng kết, đánh giá, cân nhắc có cần quy định ngưỡng hay không.
QUY ĐỊNH NỒNG ĐỘ CỒN BẰNG 0 LÀ CHƯA HỢP LÝ
Có quan điểm khác, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ phương án 2, tức là cần có ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu. Theo ông, hiện người lao động nông thôn nhiều gấp 2 lần ở thành thị, “ở thành thị người ta có lái xe đi, còn lao động bình thường như ở Đông Bắc, Tây Bắc, ĐBSCL nếu quy định 100% không có nồng độ cồn thì không khả thi”.
Vị ĐB lấy dẫn chứng ngay với bản thân mình, rằng “nếu uống 1 cốc bia hoặc 1 cốc rượu, không biết người khác sao chứ tôi tâm trí vẫn bình thường, lái xe vẫn tốt. Uống 1 cốc bia mà tâm trí không tỉnh táo để lái xe là không chuẩn”. Ông khẳng định hoàn toàn ủng hộ nguyên tắc đã uống rượu, bia thì không lái xe, nhưng “uống ngày trước đến sáng nay vẫn còn nồng độ cồn, nếu bị CSGT phạt thì vô lý”. Vì thế, ông đề nghị QH xem xét, cơ quan y tế cũng cần phối hợp để có tính toán về vấn đề này.
Thẳng thắn thừa nhận bản thân thi thoảng sử dụng chất có cồn, ĐB Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho hay không ủng hộ việc đã uống rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Thế nhưng, theo bà, việc quy định nồng độ cồn bằng 0 khác với việc cấm người đã sử dụng rượu, bia mà vẫn lái xe (vì có những trường hợp không sử dụng rượu bia vẫn có nồng độ cồn – PV).
Lấy ví dụ trường hợp sử dụng strongbow – một loại thức uống giấm táo hoặc hương vị khác, bà Phúc nói đã tham khảo một số tài liệu thì đây không phải là rượu hoặc bia, nhưng uống vào sẽ lên nồng độ cồn. Vậy trường hợp này xử phạt thế nào? Bà Phúc đề cập một cục nghiệp vụ của Bộ Y tế vừa qua đã tiến hành khảo sát để đánh giá nồng độ cồn thế nào là phù hợp. Trong khi chờ kết quả từ cơ quan chuyên môn, bà đề nghị cần có sự đánh giá khách quan, khoa học.
“Nên cân nhắc kỹ càng, không nên quy định nồng độ bằng 0, trước hết là để thực thi pháp luật một cách tường minh, hai là bảo vệ hình ảnh của lực lượng thực thi công vụ, ba là tránh sai số trong thiết bị đo nồng độ cồn”, nữ ĐB nêu quan điểm.
TRÁNH LẠM DỤNG KIỂM TRA, XỬ PHẠT
Bày tỏ quan điểm trung lập hơn, nhiều ĐB đồng tình với phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện giao thông, nhưng cần tính toán áp dụng có lộ trình, phù hợp thực tiễn; để luật đi vào cuộc sống, có sức thuyết phục khi thông qua.
Dẫn câu chuyện thực tế tại địa phương mình, ĐB Lý Thị Lan (đoàn Hà Giang) cho biết ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc nông thôn, điều kiện của người dân khi tham gia giao thông chưa thể thực hiện triệt để việc không có nồng độ cồn.
“Ở đây liên quan đến yếu tố văn hóa, vùng miền, địa phương. Dịp tết, đi từ làng này sang làng kia chúc tết, khó có thể không uống 1 chén rượu, 1 cốc bia. Mà đã uống, nếu bị kiểm tra thì đương nhiên vi phạm. Nhưng việc này có ảnh hưởng, liên quan đến tai nạn giao thông hay không thì cần đánh giá”, bà Lan nói, và đề nghị cần rà soát mức xử phạt, hình thức xử phạt theo lộ trình để dần trở thành ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, nữ ĐB đề nghị tránh lạm dụng quy định để xử phạt, kiểm tra, gây phản cảm cho người dân đối với lực lượng chức năng. Bà dẫn trên mạng xã hội có đưa nhiều hình ảnh dịp tết, lực lượng chức năng đi vào các vùng nông thôn, nơi rất khó khăn để kiểm tra nồng độ cồn và xử phạt người dân. “Như vậy gây sự phản cảm, cần xem xét xử phạt, kiểm tra và nên có sự mềm dẻo hơn”, vị ĐB nêu.
Như câu chuyện Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh từng trực tiếp tham gia cùng tổ công tác, phát hiện một tài xế xe máy vi phạm nồng độ cồn, sau đó nhắc nhở và tuyên truyền thay vì xử phạt. Việc này, theo bà Lan, đã tạo sự đồng thuận rất lớn trong dư luận, vì thế nên xem xét lộ trình xử phạt hợp lý.
Cùng ủng hộ cấm tuyệt đối nồng độ cồn, song ĐB Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề nghị Chính phủ quy định chi tiết về mức vi phạm đối với từng phương tiện và mục đích sử dụng. Ông đề xuất nếu người lái xe vi phạm dưới 20 mg/100 ml máu hoặc 0,1 mg/lít khí thở đối với xe máy cá nhân (ngoại trừ dịch vụ chở người hoặc chở hàng) thì chỉ phạt hành chính chứ không tước giấy phép lái xe.