Chia sẻ với Thanh Niên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết đã có 17 lô hàng, tổng trọng lượng trên 82 tấn vải thiều đã đạt được chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo ông Đạt, năm 2021 và 2022, do dịch Covid-19, Nhật Bản ủy quyền tạm thời để Việt Nam giám sát xử lý và kiểm dịch thực vật đối với vải xuất khẩu sang nước này.
Năm nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nên đầu tháng 6 vừa qua, chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam để tham gia kiểm soát, chứng nhận cho các lô vải thiều xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Cục Bảo vệ thực vật cũng cùng chuyên gia Nhật Bản giám sát và thực hiện các thủ tục kiểm dịch thực vật ngay tại các cơ sở xử lý, tạo điều kiện cho việc xuất khẩu vải thiều nhanh chóng, hiệu quả.
Ông Huỳnh Tấn Đạt cũng cho biết, dự báo năm nay xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản sẽ tăng trưởng tích cực, doanh nghiệp sẽ có nhiều đơn hàng hơn so với những năm trước.
Còn theo ông Nguyễn Phi Thoàn, Giám đốc điều hành Công ty JV Solutions (Nhật Bản), lô hàng 5 tấn vải đầu tiên từ Việt Nam của doanh nghiệp này thử nghiệm đầu tháng 6 đã nhận được sự quan tâm của nhiều đối tác, khách hàng và có sức tiêu thụ tốt ở Nhật Bản.
“Vải thiều đang được bán lẻ trong các cửa hàng, siêu thị tại Nhật Bản với mức giá khoảng 400.000 đồng/kg”, ông Thoàn nói.
Trước đó, ngày 3 – 4.6, trong Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản, diễn ra tại Công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã mở gian hàng tặng miễn phí vải thiều cho những người tham dự và được rất nhiều người dân Nhật Bản, người Việt Nam ở Nhật Bản đón nhận.
Trong ngày 15.6 vừa qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã phối hợp với một số doanh nghiệp đưa gần 30 doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đến Hải Dương, Bắc Giang để khảo sát vùng trồng vải thiều, lên kế hoạch thu mua xuất khẩu.
Trong chuyến đi này, các doanh nghiệp Nhật Bản đã giới thiệu với các địa phương công nghệ lên men vải thiều thành thức uống bổ dưỡng; chế biến vải thiều thành các sản phẩm dạng sấy khô, mỹ phẩm làm đẹp nhằm đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ quả vải, từ đó giúp loại trái cây này có giá trị kinh tế cao hơn.
Thông tin cho Thanh Niên, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết từ ngày 23 – 25.6 tới, Bộ Công thương, UBND TP.Hà Nội đồng chủ trì, phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tập đoàn Aeon Nhật Bản, sẽ tổ chức Tuần hàng Việt Nam năm 2023, hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản. Trong sự kiện này, quả vải Việt Nam sẽ được quảng bá, bày bán ở các siêu thị của Aeon tại Nhật Bản.