Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp để tham gia ý kiến về Dự luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại văn bản này, VAFI ủng hộ chủ trương của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để giá bán các sản phẩm ngành bia tăng thêm ít nhất 10% như khuyến nghị của WHO để bảo vệ sức khỏe của người dân và điều tiết tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, VAFI cũng đồng thời nhấn mạnh quan điểm là việc tăng thuế phải đảm bảo môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành bia.
VAFI cho biết đã tiếp cận được Tờ trình đề nghị xây dựng Luật thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính và Nghị quyết 115 ngày 28/7/2023 của Chính phủ. Theo đó, việc điều chỉnh tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt được đưa ra 02 phương án:
– Phương án 01 là giữ nguyên phương pháp tính thuế hiện tại và tăng thuế suất thuế suất thuế Tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình phù hợp với khuyến nghị của WHO;
– Phương án 02 là điều chỉnh tăng thuế bằng cách áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (vừa áp dụng thuế tương đối theo tỷ lệ %, vừa bổ sung thêm một mức thuế tuyệt đối đối với mặt hàng rượu, bia).
Với 02 phương án này, Cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn Phương án 01 với lý do để đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong bối cảnh chất lượng và giá bán đồ uống có cồn có sự khác biệt và cũng là để đảm bảo nguồn thu ngân sách. VAFI đồng thuận với Bộ Tài chính về sự lựa chọn này.
Theo tính toán của VAFI với 06 kịch bản với 06 mức thuế tuyệt đối từ cao đến thấp tương ứng với các mức giá bình quan gia quyền từ cao đến thấp của sản phẩm bia hiện hữu trên thị trường Việt Nam, cả 06 kịch bản đưa ra thì
Heineken là doanh nghiệp sẽ luôn luôn có thuế % thực tế thấp nhất vì giá bán của Heineken cao hơn nhiều so với tất cả các hãng khác. Với tính toán của VAFI, Heineken sẽ là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ việc bổ sung mức thuế tuyệt đối và việc Heineken hưởng lợi bao nhiêu thì các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ thiệt hại bấy nhiêu, thậm chí tiến tới phá sản. Từ đó, VAFI khẳng định phương án bổ sung Mức thuế tuyệt đối lên rượu, bia là không phù hợp, không khả thi và không tạo ra sự bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp. Trái lại, nó tạo lợi thế cạnh tranh và ưu đãi duy nhất cho Heineken.
Ở đoạn cuối của văn bản gửi Thủ tướng, VAFI còn cho rằng ý tưởng thay đổi phương pháp tính thuế hỗn hợp với việc bổ sung mức thuế tuyệt đối nêu trên là trái với quy định tại Điều 6 và Điều 8 Luật Cạnh tranh năm 2018 và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia (trong khi chỉ mang lại lợi thế cho một doanh nghiệp thống lĩnh thị trường).
Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp rượu bia đã và đang gặp vô cùng nhiều khó khăn, từ tác động của đại địch Covid-19 và nay là sự giảm phát của nền kinh tế trong và ngoài nước, ở thời điểm này, mặc dù nhận thức rõ sự tác động tiêu cực của việc tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình lên hoạt động của doanh nghiệp nhưng vì lợi ích chung của đất nước, sức khỏe con người Việt Nam, lãnh đạo các doanh nghiệp đồng thuận với chủ trương này. Tuy nhiên, họ cũng có một khao khát chính đáng là được đối xử bình đẳng, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành. Không vì một động cơ, một điều gì đó mà tạo riêng lợi thế cho một doanh nghiệp độc chiếm thị trường, hủy hoại cạnh tranh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam./.
Theo Tuoitrethudo.com.vn