Bất chấp một loạt gói trừng phạt nhằm vào Moscow, năng lượng Nga vẫn có cách chảy sang châu Âu. Nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới sắp được xây dựng tại lục địa này sẽ giúp EU độc lập với khí đốt Nga?
Nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới sẽ cạnh tranh với khí đốt của Nga? (Ảnh minh họa – Nguồn: Istock) |
Cuộc tranh luận qua lại về hydro xanh đã bất ngờ rẽ sang một hướng khác khi tập đoàn Mitsubishi của Nhật Bản đang đầu tư 690 triệu USD để xây dựng nhà máy hydro xanh lớn nhất thế giới tại Hà Lan. Đây được cho là một tin vui đối với châu Âu.
Nhà máy mới sẽ lớn hơn nhiều so với bất kỳ nhà máy nào khác được xây dựng cho đến thời điểm hiện tại. Quan trọng hơn, dự án sẽ giúp “vá” một số lỗ hổng trong kế hoạch độc lập năng lượng của châu Âu, nơi khí đốt của Nga vẫn đang bám trụ bất chấp lệnh trừng phạt.
Dự án hydro xanh này lớn đến mức nào?
Hydro xanh được tạo ra bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo để cung cấp năng lượng cho các máy điện phân phân tách các phân tử nước thành hydro và oxy. Chúng ta có thể sử dụng hydro và thải oxy vào khí quyển mà không có tác động tiêu cực nào. Đây là một trong những cách sạch nhất tạo ra hydro, sau đó có thể được sử dụng làm nhiên liệu.
Cuối tuần qua, Nikkei Asia đưa tin, “tập đoàn Nhật Bản Mitsubishi Corp. dự định đầu tư hơn 100 tỷ Yên (690 triệu USD) để xây dựng một trong những nhà máy sản xuất hydro xanh lớn nhất thế giới ở Hà Lan”.
Cụ thể, theo bài báo, “công suất dự kiến của nhà máy là 80.000 tấn mỗi năm, lớn hơn gần 30 lần so với công suất của cơ sở lớn nhất thế giới hiện đang hoạt động”.
Lớn hơn 30 lần, tức là sẽ có rất nhiều hydro xanh được tạo ra! Hydro xanh chủ yếu được sử dụng ở dạng nhiên liệu cho xe điện chạy bằng pin, nhưng nó cũng là đầu vào phổ biến của các ngành như thực phẩm, lọc dầu, luyện kim bên cạnh dược phẩm, đồ vệ sinh cá nhân và các sản phẩm khác.
Nền kinh tế toàn cầu hiện nay chủ yếu dựa vào hydro được chiết xuất từ khí đốt tự nhiên, nhưng chi phí sản xuất năng lượng gió và mặt trời giảm mạnh đã thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực điện phân.
Nhà máy điện phân mới nằm dưới sự bảo trợ của Eneco Diamond Hydrogen, một liên doanh giữa Mistubishi và công ty Eneco của Hà Lan. Được gọi là “Máy điện phân Eneco”, dự án 800 Megawatt nhằm khử cacbon cho các ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt khó điện khí hóa trực tiếp. Thay vào đó, điện được lưu trữ, vận chuyển và sử dụng dưới dạng hydro xanh.
Theo kế hoạch, cả năng lượng gió và năng lượng mặt trời sẽ được triển khai để duy trì hoạt động của các máy điện phân.
Tháng 11 năm ngoái, trong một thông cáo báo chí, Giám đốc điều hành Eneco As Tempelman giải thích: “Khi không thể điện khí hóa trực tiếp, hydro xanh là một giải pháp thay thế tốt và bền vững, vừa là nguyên liệu thô vừa là nhiên liệu”.
Đặc tính có thể lưu trữ và vận chuyển được của hydro xanh sẽ giúp tạo ra khả năng phục hồi và linh hoạt hơn trong việc cung cấp điện.
Rào cản lớn nhất đối với việc sử dụng hydro xanh là chi phí khá lớn. Bộ Năng lượng Mỹ hiện quy định 5 USD cho mỗi kg hydro xanh, mục tiêu tới năm 2030 giảm con số này xuống còn 1 USD. Đó là một sự tương phản rõ rệt với khí đốt tự nhiên, được Cơ quan Năng lượng quốc tế ấn định ở mức khoảng 1,70 USD/kg, tùy thuộc vào từng khu vực.
Vẫn còn phải xem khi nào và liệu máy điện phân Eneco có thể cạnh tranh trực tiếp với khí đốt tự nhiên hay không, nhưng vị trí của cơ sở mới có thể là một lợi thế. Nhà máy hydro xanh này được đặt tại nhà máy điện Enecogen ở Europoort, Rotterdam, Hà Lan.
Eneco giải thích: “Vị trí này có nghĩa là hai nhà máy có thể chia sẻ một số cơ sở hạ tầng, đây là lợi thế về chi phí và thời gian thực hiện”.
Tuy nhiên, cũng chưa vội vui mừng với dự án mới. Tính đến tháng 11 năm ngoái, Eneco vẫn đang trong quá trình nộp đơn đăng ký quy hoạch nên việc triển khai theo kế hoạch vẫn chưa chắc chắn. Dù vậy, nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, việc xây dựng sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2026 và nhà máy dự kiến vận hành vào năm 2029.
Đồng hồ đã điểm. “Kế hoạch một hành tinh” (One Planet Plan) của Eneco đặt mục tiêu trung hòa về khí hậu vào năm 2035 cho cả công ty và khách hàng của mình.
Doanh nghiệp này giải thích: “Hà Lan và châu Âu đã đặt mục tiêu sản xuất hydro xanh. Hà Lan dự định tăng công suất sản xuất lên 4 Gigawatt vào năm 2030”.
Nỗ lực độc lập với khí đốt Nga
Từ khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine (tháng 2/2022), châu Âu ngày càng có động lực để quyết tâm ngừng phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ xứ bạch dương. Tuy nhiên, bất chấp một loạt gói trừng phạt được EU áp dụng, năng lượng Nga vẫn có cách chảy sang lục địa này.
Ngày 31/12/2023, trong một bài báo, RFE đưa tin: “Trong khi một số quốc gia ‘đã tách biệt đáng kể khỏi Nga về mặt năng lượng, thì những nước khác – chẳng hạn như Hungary, Slovakia và Áo – vẫn phụ thuộc vào khí đốt của Moscow và không sẵn sàng thay đổi vì cả lý do chính trị và kinh tế”.
Theo tờ báo, “việc loại bỏ hoàn toàn Nga khỏi ‘phương trình năng lượng’ sẽ khó đạt được hơn nhiều trong một EU bị chia rẽ, nơi các quốc gia không chỉ có nhu cầu năng lượng rất khác nhau mà còn có mối quan hệ rất khác với Điện Kremlin”.
Tình hình chính trị và cơ sở hạ tầng đường ống đã giúp khí đốt của Nga chảy sang châu Âu. Trớ trêu thay, điều đó bao gồm một hành lang vận chuyển khí đốt qua đường ống từ Nga đến châu Âu, qua Ukraine.
Trong khi xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang EU đã giảm kể từ khi xung đột bắt đầu, thì xuất khẩu LNG (khí tự nhiên hóa lỏng) thực tế lại tăng lên. Lý do khá đơn giản: Các lệnh trừng phạt đối với khí đốt của Nga vẫn chưa bao gồm LNG.
Bài báo trích dẫn số liệu từ cơ quan giám sát môi trường Global Witness cho biết: “Không chịu lệnh trừng phạt của EU, nhập khẩu LNG của Nga, chủ yếu thông qua đội tàu, đã tăng 40% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 7/2023 so với mức trước xung đột”.
Tổ chức năng lượng sạch Ukraine Razom We Stand tiếp tục nhấn mạnh “lỗ hổng LNG” trong một tuyên bố vào ngày 15/1 vừa qua. Ông Svitlana Romanko, người sáng lập kiêm Giám đốc của Razom We Stand, kêu gọi áp dụng lệnh cấm nhập khẩu LNG của Nga ở châu Âu và chấm dứt sự phụ thuộc chung vào hàng hóa từ Moscow.
EU đã nỗ lực rất nhiều để giải quyết vấn đề phụ thuộc vào năng lượng của Nga, như áp đặt hàng loạt gói trừng phạt Moscow hay triển khai rất nhiều dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, việc lục địa già có thể tự chủ về năng lượng hay không và khi nào điều đó trở thành hiện thực vẫn là một câu hỏi lớn, phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cần thời gian để trả lời.