Thường xuyên ăn uống đồ ngọt, dù là bánh kem, kẹo hay nước ngọt có đường, sẽ khiến cơ thể tăng cân và dễ mắc bệnh tim. Tuy nhiên, có một niềm tin phổ biến là tập thể dục có thể giúp cơ thể đốt nhiều calo và ngăn ngừa nguy cơ này. Thế nhưng, nghiên cứu mới được công bố trên chuyên san The American Journal of Clinical Nutrition đã chỉ ra điều này có thể không đúng, theo chuyên trang khoa học Science Daily (Mỹ).
Nghiên cứu phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 100.000 người trưởng thành. Các dữ liệu này được thu thập trong khoảng 30 năm. Khi bắt đầu nghiên cứu, tất cả những người tham gia đều không mắc bất kỳ bệnh mạn tính nào.
Trong quá trình nghiên cứu, mức tiêu thụ đồ uống có đường và chất tạo ngọt nhân tạo của người tham gia được báo cáo 4 năm/lần. Bên cạnh đó, cường độ và thời lượng hoạt động thể chất của họ được thu thập 2 năm/lần.
Ngoài ra, các vấn đề ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh tim, chẳng hạn như bệnh động mạch vành, cũng được theo dõi trong suốt thời gian nghiên cứu. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm mối liên kết giữa việc thường xuyên uống đồ uống có đường và hoạt động thể chất đến bệnh tim mạch.
Kết quả cho thấy uống nhiều đồ uống có đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bất kể mức độ hoạt động thể chất. Các cơ quan y tế thường khuyến cáo người dân nên tập thể dục cường độ vừa ít nhất 150 phút/tuần để giảm nguy cơ phát triển bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện dù có thực hiện đúng như vậy thì cũng không hoàn toàn ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim nếu người tập thường xuyên dùng thức uống có đường.
Các tác giả nghiên cứu lưu ý tập thể dục thường xuyên dù có thể giảm đến 50% nguy cơ mắc bệnh tim nhưng như thế vẫn chưa đủ chống lại tác hại của nạp nhiều đường.
Bệnh cạnh đó, nhóm tác giả cho biết các loại thức uống dùng các thành phần tạo ngọt nhân tạo không làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Dù vậy, họ vẫn khuyến cáo nên thay thế các loại thức uống này bằng nước lọc vì đây được xem là loại thức uống tốt nhất cho sức khỏe, theo Science Daily.