Không có câu trả lời hoàn toàn chính xác cho câu hỏi sau bao lâu thì nồng độ cồn về 0, bởi tùy vào từng người mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một đơn vị uống chuẩn chứa 10g cồn tương ứng với: 1 chén rượu mạnh 40 độ (30ml), 1 ly rượu vang 13,5 độ (100ml), 1 vại bia hơi (330ml), hoặc 3/4 chai (lon) bia 5% (330ml). Tùy vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Với người trưởng thành, sức khỏe bình thường thì cứ sau một tiếng, gan sẽ đào thải được một đơn vị cồn. Những người chức năng gan suy yếu hay có cơ thể chuyển hóa chậm hơn sẽ mất nhiều thời gian hơn.
Đây là con số ở mức trung bình, tùy theo thể trạng khác nhau quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi, như các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Uống 15 chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 15 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 15 tiếng đào thải. Ngoài ra, sau khi thải trừ rồi, gan cần 3 tiếng nữa để nồng độ cồn trong máu về 0. Do đó, bạn phải mất khoảng 18 tiếng thổi nồng độ cồn mới không lên. Lưu ý, cho dù sau khi gan thải trừ hết nồng độ cồn thì về cơ bản, cơ thể vẫn cần 2-3 tiếng để thải trừ hết hoàn toàn.
Nhiều người cho rằng cần phải cấm tuyệt đối việc lái xe sau khi uống rượu, bia. Tuy nhiên, cũng có người băn khoăn bởi sau khi uống rượu đến ngày hôm sau vẫn có nồng độ cồn, thậm chí không ý thức được rằng mình có nồng độ cồn sau cuộc nhậu ngày hôm trước.
Thời gian hết nồng độ cồn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như liều lượng, loại bia rượu, nồng độ bia rượu, thời gian uống kéo dài bao lâu, uống lúc đói hay lúc no. Chỉ một điều chắc chắn là càng uống nhiều bia rượu thì nồng độ cồn trong cơ thể càng cao.