Ngày hội Khoa học kỹ thuật – STEM ở quận Tân Bình trưng bày và giới thiệu nhiều sản phẩm của học sinh tiểu học, THCS như dụng cụ gấp áo, rạp chiếu bóng mini, các sản phẩm nghiên cứu khoa học.
Giữa sự ồn ào, náo nhiệt của Ngày hội Khoa học kỹ thuật – STEM (do Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, TP.HCM tổ chức ngày 7-12), Phúc Nguyên – học sinh lớp 2 Trường tiểu học Hùng Vương – vẫn bình tĩnh và kiên trì chơi trò “Thoát khỏi mê cung”.
Nguyên đã đứng chơi rất lâu, quyết chinh phục trò chơi bằng được mặc dù mồ hôi túa ra. “Em phải thoát được mê cung này thì mới đi chơi trò khác”, Nguyên khẳng định.
Trò chơi “Thoát khỏi mê cung” thực ra chỉ là một khung giấy hình vuông làm bằng bìa các tông và ống hút được thiết kế khá đơn giản. Người chơi sẽ dùng hòn bi để lăn sao cho thoát khỏi các mê cung chằng chịt. Đây chính là sản phẩm của học sinh Trường tiểu học Phạm Văn Hai trong các tiết học STEM ở trường.
Ngày hội Khoa học kỹ thuật – STEM ở quận Tân Bình đã trưng bày và giới thiệu rất nhiều các sản phẩm từ các tiết học STEM của học sinh tiểu học như dụng cụ gấp áo, khung cửa sổ kể chuyện ngày và đêm, rạp chiếu bóng mini…
Trong khi đó, học sinh các trường THCS lại mang đến ngày hội những sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật hẳn hoi. Ngọc Trâm và Bảo Trân – học sinh Trường THCS Ngô Quyền – thuyết minh về đề tài “Thiết kế các hoạt động giúp cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái của học sinh lớp 9”.
Ngoài ra, học sinh THCS ở Tân Bình còn có khá nhiều công trình thiết thực khác như Nghiên cứu chế tạo nước lau sàn và giấy từ sản phẩm phụ của quá trình tách chiết tinh dầu sả; Overthinking – vấn đề và giải pháp…
Ông Phan Văn Quang – trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình – cho biết: “Ngày hội Khoa học kỹ thuật – STEM không chỉ tạo cơ hội cho học sinh tiểu học và THCS trải nghiệm những trò chơi. Năm nay, chúng tôi yêu cầu tất cả các trường tiểu học trên địa bàn trưng bày và giới thiệu sản phẩm của học sinh. Từ các tiết học STEM trong nhà trường, các em vận dụng kiến thức và làm sản phẩm.
Ở bậc tiểu học, mọi thứ vẫn còn sơ khai nhưng Phòng GD-ĐT khuyến khích học sinh thực hiện sản phẩm từ những ý tưởng sơ khai đó. Chính niềm yêu thích khoa học kỹ thuật từ bậc tiểu học sẽ ươm mầm cho học sinh, để các em bắt tay vào nghiên cứu những đề tài quy mô hơn ở những bậc học tiếp theo”.
Nguồn: https://tuoitre.vn/uom-mam-cho-niem-yeu-thich-khoa-hoc-2024120807354265.htm