Diễn biến của cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu công bố chính sách áp thuế với một số nước, đặc biệt là việc áp thuế đối với nhôm và thép.
Công nhân dệt may làm việc tại TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thực tế này đặt ra những lo ngại về nguy cơ Mỹ sẽ có động thái tương tự đối với các nước có thặng dư thương mại lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng cần đánh giá kỹ các cơ hội, thách thức để ứng phó.
Nhận diện cơ hội, ứng phó thách thức
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Mạnh Cầm - phó chánh văn phòng Tập đoàn Dệt may VN - cho rằng với việc Mỹ áp thuế càng cao với hàng Trung Quốc, ngành dệt may VN chắc chắn được hưởng lợi. Bởi với vị trí thứ 2 về thị phần tại Mỹ sau Trung Quốc và bỏ xa các quốc gia còn lại, hàng may mặc VN sẽ càng có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường này.
Theo ông Cầm, Mỹ cũng sẽ siết chặt việc kiểm soát nguồn gốc (các quy định theo Đạo luật chống lao động cưỡng bức - UFLPA) và tiếp tục điều chỉnh quy định De Minimis trong quy tắc xuất xứ hàng hóa. Do đó, nếu VN tuân thủ tốt những quy định sẽ càng có cơ hội vào thị trường này.
Trước đó, kết quả điều tra của Hải quan Mỹ đối với hàng dệt may xuất khẩu vào Mỹ cho thấy VN tuân thủ rất tốt UFLPA.
Với các biện pháp trả đũa của Trung Quốc với chính sách áp thuế của Mỹ, như áp thuế một số mặt hàng, điều tra với một số thương hiệu/doanh nghiệp Mỹ..., trong đó có các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ, theo ông Cầm, đây có thể là cơ hội dịch chuyển đặt hàng của các nhãn hàng cũng như sản xuất sang VN.
Tuy nhiên, với thặng dư xuất khẩu vào Mỹ tương đối cao, VN vẫn thuộc nhóm có nguy cơ bị áp thuế.
Riêng đối với hàng dệt may, theo ông Cầm, lo ngại có thể bị kiểm soát chặt hơn nhằm ngăn chặn nguồn gốc bông Tân Cương, cũng như các nhà sản xuất Trung Quốc có thể vào VN để "trú ẩn". "Do đó, VN cần có chính sách để nâng cao khả năng tuân thủ quy định về nguồn gốc xuất xứ nhằm tránh bị áp thuế", ông Cầm khuyến cáo.
Trong khi đó, ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN - cho rằng rất khó để tiên đoán được chính sách áp thuế của ông Trump, đặc biệt với ngành gỗ khi trao đổi thương mại hai nước là sự tương tác cùng có lợi, tạo ra giá trị gia tăng, dựa trên lợi thế so sánh của từng nước.
Quan hệ thương mại này cũng phù hợp với chủ trương của Mỹ không phụ thuộc vào một công xưởng và tìm kiếm các nguồn cung ứng thân hữu (friend-shoring) để đa dạng nguồn cung. VN cũng là nước tiêu thụ nguyên liệu gỗ Mỹ nhiều thứ 2, chỉ sau Trung Quốc để làm các sản phẩm chất lượng cao như tủ bếp, bàn trang điểm, đồ gỗ gia đình.
"Các doanh nghiệp gỗ Việt rất khó tìm kiếm được thị trường đầu ra thay thế thị trường Mỹ, và ở chiều ngược lại, người dân Mỹ cũng rất khó có các nguồn cung ứng khác có thể thay thế sản phẩm gỗ nhập khẩu từ VN. Sẽ rất đáng tiếc cho cả hai bên nếu xuất hiện rào cản thuế quan làm cho thương mại gỗ hai chiều VN - Mỹ bị giãn cách", ông Hoài nói.
Hàng hóa hai nước bổ trợ, ít cạnh tranh
Theo đại diện Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), quan hệ kinh tế, thương mại và kinh tế giữa VN - Mỹ mang tính chất bổ trợ. Cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước.
Hàng hóa VN xuất sang Mỹ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Mỹ mà còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Mỹ được sử dụng hàng hóa rẻ của VN.
Vì vậy, Bộ Công Thương đánh giá trụ cột kinh tế, thương mại sẽ tiếp tục phát triển ổn định trong tổng thể quan hệ đối tác chiến lược toàn diện VN và Mỹ.
Các vấn đề tồn tại trong kinh tế thương mại song phương, nếu có, sẽ được chủ động trao đổi thông qua cơ chế đối thoại chính sách của Hội đồng Thương mại và Đầu tư VN - Hoa Kỳ, cơ chế đang được duy trì liên tục và đạt hiệu quả ở tất cả các cấp, góp phần định hướng dài hạn lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại song phương.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thị trường thế giới, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết bộ đã chỉ đạo các vụ thị trường nước ngoài, hệ thống các thương vụ theo dõi sát, nắm bắt thông tin về tình hình thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách... ảnh hưởng tới thương mại với VN để kịp thời tham mưu cho Chính phủ các phản ứng chính sách phù hợp.
Chủ động xây dựng các kịch bản và phương án ứng xử khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang.
Với quan điểm luôn kiên định chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, đa dạng hóa ngành hàng và sản phẩm, vị này nhấn mạnh việc lấy khoa học công nghệ làm đòn bẩy, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ của sản phẩm được sản xuất, chế biến tại VN là mục tiêu. "Phải tận dụng những lợi thế sẵn có của VN, để từng bước nâng cao vai trò và vị thế của VN trong chuỗi cung ứng của thế giới cũng như trên thị trường quốc tế", vị này nói.
Cũng theo vị này, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng lộ trình và giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động, môi trường...
"Cần chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, cũng như đánh giá thận trọng việc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp của những nước đang có căng thẳng thương mại với Mỹ", vị này khuyến cáo.
Chủ động ứng phó vụ kiện phòng vệ thương mại
Ông Trần Thanh Hải, phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng việc áp thuế của chính quyền Trump 2.0 cho thấy chủ nghĩa đơn phương sẽ vẫn là một xu hướng có tác động lớn đến thương mại quốc tế trong thời gian tới.
Bên cạnh việc áp thuế quan, Mỹ có thể tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bởi trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, số vụ việc phòng vệ thương mại đã tăng tới 40%. Vì vậy, ông Hải cho rằng chuẩn bị một kịch bản ứng phó và có một thái độ ứng xử thích hợp là cần thiết trước các diễn biến trong xung đột thương mại giữa các nước.
"Các doanh nghiệp cần kiên trì đấu tranh với các nước để chứng minh hàng hóa của ta không thuộc diện trợ cấp hay bán phá giá, cũng như chuẩn bị đầy đủ, minh bạch về quá trình sản xuất nếu bị kiện phòng vệ", ông Hải nói.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ung-pho-voi-thuong-chien-tan-dung-co-hoi-han-che-rui-ro-20250213232341713.htm
Bình luận (0)