Bằng việc kết nối hệ thống cấp cứu liên viện và báo động đỏ nội viện, rất nhiều người bệnh đột quỵ đã được cấp cứu thành công chỉ sau 30 – 45 phút vào viện nhờ quy trình xử lý thần tốc và ứng dụng các kỹ thuật hiện đại tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Máy chụp MRI 1.5 Tesla tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa giúp tầm soát, đánh giá đột quỵ hiệu quả.
Vào cuối tháng 4-2023, Đơn vị Đột quỵ não, Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa bất ngờ kích hoạt y lệnh khẩn báo động đỏ nội viện chuẩn bị xử trí cho một trường hợp đột quỵ não có nguy cơ tử vong cao được tuyến dưới chuyển đến. Các bác sĩ thuộc các chuyên khoa liên quan nhanh chóng có mặt, khẩn trương cấp cứu, cứu sống kịp thời, hạn chế tối đa di chứng cho 1 bệnh nhân chỉ sau hơn 30 phút nhập viện.
Trước đó khoảng 3 giờ, bệnh nhân L.V.H., 66 tuổi ở xã Định Tăng (Yên Định) đột ngột có các biểu hiện khó nói, méo miệng, ý thức lơ mơ, liệt nửa người phải, kích thích vật vã nên đã được người nhà đưa đến một cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh cấp cứu. Các bác sĩ đã chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch cho bệnh nhân. Tuy nhiên do không tái thông được mạch máu bị tắc nên tình trạng bệnh nhân nặng dần lên. Ngay lập tức các bác sĩ cơ sở y tế tuyến dưới đã hội chẩn trực tuyến trên nhóm Cấp cứu đột quỵ Thanh Hóa với các chuyên gia của Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và chuyển tuyến bệnh nhân về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Tiên lượng bệnh nhân cần phải can thiệp cấp cứu khẩn cấp, để tranh thủ thời gian vàng trong cấp cứu đột quỵ vì tính đến thời điểm hội chẩn bệnh nhân đã bước sang giờ thứ 5 của bệnh, ngay khi nhận thông tin chuyển tuyến của tuyến dưới, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu và Đơn vị Đột quỵ não Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện, thông báo trước cho các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, trang thiết bị, dụng cụ để cấp cứu khẩn cấp ngay khi bệnh nhân được chuyển đến. Chỉ trong vòng 30 phút kể từ khi nhập viện, bệnh nhân đã được làm các chỉ định cận lâm sàng cần thiết. Kết quả chụp MRI 1.5 Tesla mạch não và dựng hình mạch máu não của bệnh nhân cho thấy hình ảnh hẹp tắc toàn bộ động mạch cảnh trong bên trái kèm theo xơ vữa động mạch. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não cấp do huyết khối động mạch não, nếu không được can thiệp khẩn cấp cơ hội tái thông là rất thấp và nguy cơ có thể tử vong. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển thẳng vào phòng can thiệp, các bác sĩ thuộc ê kip can thiệp đã tiến hành luồn catherte vào động mạch đùi, tiếp cận được cục máu đông, sử dụng dụng cụ cơ học Solitaire để lấy cục huyết khối. Chỉ sau hơn 2 giờ can thiệp, kết quả đánh giá lại cho thấy bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, nói rõ chữ, không còn liệt vận động nửa người phải. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục sức khỏe tốt, tự sinh hoạt đi lại bình thường và đã được ra viện.
Bác sĩ CKII Nguyễn Hoành Sâm, Trưởng Khoa Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Trường hợp bệnh nhân L.V.H., nếu không được tái thông mạch máu não kịp thời thì nguy cơ tàn phế, thậm chí tử vong là rất cao. Với việc làm chủ kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã giúp cho nhiều người bệnh đột quỵ thoát khỏi sự tàn phế và thậm chí tử vong. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật cao đòi hỏi chỉ định rất chặt chẽ, ngoài trang thiết bị hiện đại, trình độ chuyên môn của bác sĩ, một trong những yếu tố thành công là bệnh nhân phải đến viện càng sớm càng tốt, sau khi phát hiện đột quỵ trong khoảng thời gian vàng (6 giờ đầu) kể từ khi khởi phát bệnh.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Việt Nam, trong những năm qua tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ vào viện trong giờ vàng còn rất thấp chỉ chiếm khoảng 10 – 15%, còn khoảng 85 – 90% bệnh nhân vào viện muộn do vậy không được thụ hưởng các phương pháp điều trị hiện đại như tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học… Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, để tận dụng tối đa “giờ vàng” trong cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, khi có y lệnh khẩn báo động đỏ nội viện cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, các bác sĩ Trung tâm Cấp cứu sẽ kết nối ngay lập tức các liên chuyên khoa cấp cứu, thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, can thiệp mạch… Bảo vệ, thang máy, điều dưỡng ưu tiên mở lối đi riêng. Bệnh nhân được đánh giá ngay tại phòng cấp cứu và nhanh chóng được chụp CT hoặc MRI theo luồng ưu tiên. Kết quả CT, MRI được các bác sĩ chuyên khoa liên quan hội chẩn và đọc ngay trên hệ thống PACS, thậm chí có thể hội chẩn từ xa trên thiết bị điện thoại di động, từ đó để quyết định phương án điều trị hoặc can thiệp phù hợp trong thời gian tối đa 30 – 45 phút kể từ khi bệnh nhân nhập viện.
Bên cạnh đó, với vai trò là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh, các chuyên gia chuyên ngành thần kinh – đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã thiết lập mạng lưới cấp cứu đột quỵ và nhóm zalo hội chẩn trực tuyến về chuyên ngành thần kinh, đột quỵ để hướng dẫn về chuyên môn cho các cơ sở tuyến dưới đối với các ca bệnh khẩn cấp, ca bệnh khó. Bệnh viện cũng thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn, hội thảo về chuyên ngành thần kinh – đột quỵ với báo cáo viên là các chuyên gia trong nước và quốc tế để cập nhật kiến thức cho đội ngũ y bác sĩ tuyến dưới. Xu hướng hiện tại trên thế giới đối với điều trị đột quỵ não là những trung tâm nhỏ sẽ tiến hành tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch, nếu không tái thông, bệnh nhân sẽ được chuyển lên các trung tâm lớn có khả năng can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học.
Để bắt kịp xu hướng điều trị trên thế giới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa thường xuyên có các chương trình đào tạo về tiêu sợi huyết cho tuyến dưới với hy vọng là tất cả các bệnh viện tuyến huyện có máy cắt lớp vi tính có thể ứng dụng kỹ thuật tiêu sợi huyết ngay tại cơ sở mình, nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu kịp thời và điều trị tái thông tăng dần qua các năm. Với những nỗ lực của nhóm cấp cứu và điều trị đột quỵ não trong thời gian qua, năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã được Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao tặng chứng nhận Bạch kim (Platinum). Tính đến thời điểm hiện tại ở Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa là một trong số ít các bệnh viện tuyến tỉnh đạt được chứng nhận Bạch kim.
Bài và ảnh: Hà Phương