Chuyển đổi số y tế là một trong những lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia và chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nhận định được tầm quan trọng của nội dung này, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT), công nghệ thông tin (CNTT) mang lại tiện ích lớn trong công tác chuyên môn, nhất là công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Từ trước khi chuyển đổi số toàn diện trở thành định hướng lớn được triển khai ở tất cả các ngành, lĩnh vực, ngành Y tế Quảng Ninh đã chủ động đi trước một bước, ứng dụng CNTT và các nền tảng KHKT để mang lại lợi ích cho người bệnh cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở y tế. Trong đó, dấu ấn rõ nét nhất là việc bắt tay vào đầu tư xây dựng bệnh viện thông minh tại Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi từ năm 2017 và hoàn thành vào năm 2020.
Với mô hình bệnh viện thông minh, các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các bệnh viện đã được tin học hoá và thực hiện trên môi trường mạng máy tính. Hạ tầng cứng được đầu tư khá đầy đủ, như: Hệ thống máy chủ, máy trạm; hệ thống kết nối toàn bộ các thiết bị; hệ thống đầu đọc mã vạch, thanh toán thuốc, viện phí online… Hệ thống các phần mềm chuyên môn, như: Phần mềm quản lý bệnh viện, phần mềm chuyển tải dữ liệu hình ảnh, phần mềm nhận và trả kết quả xét nghiệm… cũng được ứng dụng tốt giúp đơn giản hóa, rút ngắn thời gian cho các TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.
Hiện nay, người dân có nhu cầu khám chữa bệnh tại các bệnh viện kể trên, chỉ cần có thiết bị di động kết nối internet, có ứng dụng zalo hoặc trình duyệt web, người dân ở bất cứ đâu có thể chủ động đặt lịch khám, lựa chọn ngày giờ khám phù hợp tại bệnh viện mà không phải xếp hàng chờ đợi, giúp khắc phục tình trạng tắc nghẽn do quá tải bệnh nhân vào những khung giờ cao điểm, giúp người dân chủ động thời gian thăm khám, tăng thời gian tiếp xúc khám bệnh giữa bác sĩ và người dân. Cùng với đó, giải pháp thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt cũng đã được các bệnh viện triển khai để giúp người dân thanh toán các chi phí dịch vụ y tế, viện phí nhanh chóng, chính xác.
Đặc biệt, Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh còn nằm trong số 10 bệnh viện trong cả nước được Bộ Y tế công nhận đáp ứng các tiêu chí bệnh án điện tử, qua đó, giúp người bệnh không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi khám bệnh, chữa bệnh, như kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc…
Chị Lê Thùy An (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) đang điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy, chia sẻ: Nhờ có bệnh án điện tử, tôi không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, đồng thời có thể dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ. Cùng với đó, tôi cũng có thể quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của mình, lưu trữ tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, chủ động phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.
Cùng với tiền đề vững chắc từ mô hình bệnh viện thông minh, dấu ấn trong việc tích cực, chủ động ứng dụng sâu các tiến bộ KHKT và CNTT vào hoạt động của ngành y tế còn được thể hiện rõ nét ở việc triển khai dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Telemedicine). Tỉnh là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai hệ thống Telemedicine đồng bộ đến tuyến huyện.
Đến nay, 100% đơn vị y tế tuyến tỉnh và huyện được trang bị hệ thống với 31 điểm cầu, trong đó có 10 điểm cầu đặt tại phòng phẫu thuật. Nhờ Telemedicine, ngành y tế đã tiến hành hàng trăm ca hội chẩn, tư vấn và hướng dẫn điều trị những ca bệnh khó từ các bệnh viện tuyến Trung ương cho tuyến tỉnh và từ tỉnh cho tuyến huyện; kịp thời triển khai cuộc họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn…
Cùng với những dấu ấn trong việc chủ động ứng dụng CNTT từ sớm, từ cơ sở, trong tiến trình chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ, ngành y tế tỉnh cũng đang tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng, nâng cấp các phần mềm, tiện ích, hoàn thiện các tiêu chí bệnh viện không giấy tờ, với mục tiêu cao nhất là đem lại tiện ích phục vụ người dân. Hiện, các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đang nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR); nâng cấp Hệ thống quản lý thông tin y tế và khám chữa bệnh ở cấp xã, phường; kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cổng giám định Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đơn thuốc quốc gia và Hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh.
Triển khai chuyển đổi số trên nền tảng ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, ngành y tế tỉnh cũng nhanh chóng triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắn chíp thay thế thẻ BHYT và liên thông dữ liệu. Hiện các đơn vị y tế tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng phương thức truyền thông cho người dân tham gia BHYT về việc sử dụng CCCD khi đi khám chữa bệnh thay cho thẻ BHYT; bố trí kinh phí, chủ động mua sắm trang thiết bị chất lượng, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ TT&TT ban hành để đọc thông tin CCCD hoặc ứng dụng VNEID.
Toàn ngành cũng thực hiện khởi tạo, cập nhật dữ liệu ban đầu cho gần 1,39 triệu người dân trên phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, toàn bộ 12 cơ sở y tế được phép cấp giấy khám sức khỏe lái xe đã thực hiện liên thông với hệ thống Cổng dịch vụ công Quốc gia, triển khai dịch vụ công ở mức độ 4…