Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình 1+1 ngày 24/11, ông David Arakhamia, một nghị sĩ cấp cao của Ukraine và từng là trưởng đoàn đàm phán với Nga, đã tiết lộ nội dung dự thảo thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột giữa Kiev và Moscow hồi tháng 3 năm ngoái.
“Họ thực sự hy vọng đến phút cuối cùng rằng họ sẽ buộc chúng tôi ký một thỏa thuận như vậy để chúng tôi giữ thái độ trung lập. Đó là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ sẵn sàng chấm dứt xung đột nếu chúng tôi đồng ý trung lập và cam kết rằng chúng tôi sẽ không gia nhập NATO”, ông Arakhamia nói.
Ông Arakhamia cho biết, Ukraine đã bác bỏ yêu cầu này của Nga.
Ông giải thích: “Thứ nhất, để chấp nhận điều kiện đó, chúng tôi sẽ phải sửa hiến pháp bởi vì chúng tôi đã đưa mục tiêu gia nhập NATO vào hiến pháp. Thứ hai, chúng tôi không tin Nga sẽ giữ lời hứa”.
Ông lập luận thêm: “Điều này (thỏa thuận trung lập) chỉ có thể được thực hiện nếu có sự đảm bảo về an ninh. Chúng tôi không thể ký một cái gì đó rồi coi như không còn chuyện gì xảy ra, sau đó họ (Nga) sẽ lại tấn công, thậm chí với sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Bởi vậy, chúng tôi chỉ lựa chọn khi hoàn toàn chắc chắn rằng điều đó sẽ không xảy ra. Nhưng thực tế là không thể”.
Cuối tháng 3 năm ngoái, nghĩa là khoảng một tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hai bên đã tiến hành đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, đàm phán đổ vỡ vào phút chót.
Moscow nhiều lần cáo buộc phương Tây “giật dây” khiến Ukraine rút khỏi đàm phán vào phút chót mặc dù Kiev khi đó đã sẵn sàng ký vào thỏa thuận hòa bình với Nga.
Ông Arakhamia đã bác bỏ cáo buộc này. Ông Arakhamia cho biết, phái đoàn đàm phán của Ukraine khi đó không sẵn sàng ký bất cứ một thỏa thuận nào với Nga và cũng không có chuyện Kiev đổi ý phút chót do sức ép của phương Tây.
Ông giải thích, phái đoàn không có quyền ký kết một thỏa thuận như vậy, về lý thuyết, một thỏa thuận hòa bình chỉ có thể được ký tại cuộc họp giữa nguyên thủ hai nước.
Quan chức này nói thêm, các đối tác phương Tây biết về các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, thậm chí được thấy dự thảo thỏa thuận, nhưng không tìm cách gây sức ép, mà chỉ cố vấn cho Ukraine.
“Họ thực sự đã khuyên chúng tôi không nên đưa ra những đảm bảo an ninh phù du (với Nga)”, ông nói.
Dù không đạt được bất cứ thỏa thuận nào với Nga, nhưng ông Arakhamia cho rằng, phái đoàn Ukraine khi đó đã đạt được 8/10 nhiệm vụ ưu tiên.
Xung đột Nga – Ukraine đã kéo dài gần hai năm nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Các cuộc đàm phán bị đình trệ kể từ tháng 3 năm ngoái. Các bên đều đưa ra những điều kiện nhằm chấm dứt xung đột, song đều bị coi là không thể chấp nhận được đối với bên còn lại.