Ngày 24/10, Cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho hay, các đơn vị Triều Tiên đầu tiên được huấn luyện tại Nga đã được triển khai tại khu vực biên giới Kursk.
Ukraine cáo buộc các quân nhân Triều Tiên đã có mặt ở tỉnh Kursk của Nga. (Nguồn: Getty Images) |
Thông báo trên kênh Telegram, Cơ quan tình báo quân sự Ukraine cho biết, khoảng 12.000 quân nhân Triều Tiên, bao gồm 500 sĩ quan và 3 tướng lĩnh, đã có mặt tại Nga và hoạt động huấn luyện đang diễn ra tại 5 căn cứ quân sự.
Thông báo có đoạn: “Moscow đã bổ nhiệm Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động huấn luyện và điều chỉnh quân đội Triều Tiên”.
Trong khi đó, Kyodo News dẫn lời một nguồn tin quân sự Ukraine tiết lộ, khoảng 2.000 quân nhân Triều Tiên đang di chuyển tới khu vực miền Tây nước Nga, giáp biên giới Ukraine, sau khi hoàn tất khóa huấn luyện.
Nga và Triều Tiên chưa đưa ra bình luận về cáo buộc này. Trước đây, Bình Nhưỡng tuyên bố, về hợp tác quân sự với Moscow, họ “không cảm thấy cần phải bình luận về những đồn đoán rập khuôn vô căn cứ” nhằm bôi nhọ hình ảnh của nước này và làm suy yếu mối quan hệ hợp tác, hữu nghị và hợp pháp giữa hai quốc gia có chủ quyền.
Cùng ngày, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Ba Lan đang ở thăm Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố Seoul “sẽ không ngồi yên” trước việc Bình Nhưỡng triển khai hàng nghìn quân để giúp Nga trong chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Về phía Liên hợp quốc (LHQ), ngày 24/10, phát biểu tại Washington, ông Farhan Haq, phó người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết, tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh đã chính thức lên tiếng phản đối “việc quân sự hóa hơn nữa cuộc xung đột ở Ukraine của bất kỳ bên nào”.
Ông Haq cũng khẳng định, mọi hành vi vi phạm lệnh trừng phạt liên quan Triều Tiên sẽ phải chịu sự giám sát và xử lý của ủy ban trừng phạt thuộc Hội đồng Bảo an LHQ.
Trong cuộc gặp cùng ngày với Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan, Tổng thư ký Guterres một lần nữa nhấn mạnh lập trường cứng rắn của LHQ về cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo ông, cần thiết thiết lập quyền tự do hàng hải ở Biển Đen, không chỉ vì lợi ích của Ukraine và Nga mà còn vì an ninh lương thực và năng lượng toàn cầu.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Putin tuyên bố, Moscow sẵn sàng xem xét các phương án nhằm chấm dứt xung đột, miễn là chúng phản ánh đúng tình hình thực tế.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ukraine-cao-buoc-trieu-tien-dua-quan-den-tinh-kursk-han-quoc-tuyen-bo-khong-ngoi-yen-lhq-noi-gi-291295.html