NATO khó chuyển giao F-16 trong năm nay cho Ukraine, Đại sứ Anh nói về khả năng hạ quan hệ với Nga… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.
Nga khẳng định đã bắn hạ 3 UAV tấn công thủ đô Moscow ngày 4/7. (Nguồn: Reuters) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
* Nga: Ukraine “tấn công khủng bố” cơ sở hạ tầng dân sự: Ngày 4/7, Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết cùng ngày, hai máy bay không người lái (UAV) đã bị đánh chặn trên bầu trời Novaya Moscow, một quận của Moscow. Trong khi đó, một chiếc UAV khác bị đánh chặn ở khu vực Kaluga, Tây Nam Moscow.
Thông cáo của Bộ Tình trạng Khẩn cấp Nga nêu rõ: “Theo các thông tin ban đầu, ba chiếc UAV này bay về hướng Moscow vào những thời điểm khác nhau. Hai trong số chúng bị đánh chặn ở Novaya Moscow, chiếc thứ ba ở khu vực Kaluga”.
Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin cho biết hiện chưa có thông tin về thương vong trong vụ tấn công này. Tuy nhiên, vụ việc nêu trên đã làm gián đoạn tạm thời các hoạt động của sân bay Vnukovo. Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin tuyên bố vụ tấn công đã bị ngăn chặn và không có thương vong.
Đề cập đến vụ việc này trên Telegram, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh: “Nỗ lực của Kiev tấn công cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm cả sân bay, nơi tiếp nhận các chuyến bay quốc tế, là một hành động khủng bố nữa”. (Reuters/TASS)
* Nga phá hủy hơn 900 thiết giáp Ukraine trong tháng Sáu: Ngày 3/7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết trong tháng Sáu, Các Lực lượng Vũ trang Nga (VS RF) đã phá hủy 920 xe tăng và xe bọc thép Ukraine ở vùng Donbass và Zaporizhzhia. Đáng chú ý, trong đó có 16 xe tăng Leopard. (Sputnik)
* Tướng Nga nêu thời điểm Ukraine phản công đợt hai: Ngày 3/7, trả lời phỏng vấn Sputnik (Nga), Thiếu tướng Leonid Reshetnikov, cựu quan chức của Cơ quan Tình báo đối ngoại Nga (SVR), nhận định Ukraine nhiều khả năng sẽ bắt đầu đợt thứ hai của chiến dịch phản công khoảng 10 ngày trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnus, Lithuania.
Theo ông, chính quyền Kiev cần một kết quả cụ thể để tìm kiếm thêm sự ủng hộ về tài chính và quân sự, đặc biệt là bảo đảm an ninh và tư cách thành viên NATO.
Thiếu tướng Leonid Reshetnikov nêu rõ: “Trong bối cảnh có ngày càng ít lựa chọn, chính quyền Kiev không còn cách nào khác ngoài tiến lên. Giai đoạn tiếp theo sẽ chứng kiến Ukraine xem xét lại các chiến lược, chiến thuật trong đợt phản công, đồng thời huy động thêm các nguồn lực chưa được sử dụng”. (Sputnik)
* Ukraine: Chiến dịch phản công đạt “hiệu quả đáng kể”: Ngày 4/7, viết trên Twitter, người đứng đầu Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov khẳng định: “Ở giai đoạn cam go hiện nay, các lực lượng quốc phòng của chúng ta đang hoàn thành nhiệm vụ số một – vô hiệu hóa tối đa nhân lực, thiết bị, kho nhiên liệu, phương tiện quân sự, sở chỉ huy, pháo binh, phòng không Nga. Trong vài ngày qua, (quân đội Ukraine) đã đạt thành công đáng kể”. (Reuters)
* Ukraine ca ngợi Tổng thư ký NATO: Ngày 4/7, viết trên phương tiện truyền thông mạng xã hội sau khi các thành viên nhất trí gia hạn nhiệm kỳ của ông Jens Stoltenberg, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh: “Thật tuyệt vời khi nghe tin về việc gia hạn nhiệm vụ của ông Jens Stoltenberg với tư cách là Tổng thư ký NATO. Thời điểm khó khăn này đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ. Ông ấy đã chứng minh được điều đó. Tôi mong muốn có thể thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác của Ukraine và NATO”. (AFP)
* NATO từ chối chuyển giao F-16 cho Ukraine trước khi kết thúc phản công: Ngày 4/7, trả lời phỏng vấn đài phát thanh LBC (Anh), Đô đốc Hà Lan Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban quân sự của NATO nói: “Việc đó (vấn đề cung cấp máy bay chiến đấu) sẽ không được giải quyết trong tương lai gần”. Ông lưu ý “không thể thu xếp” việc đào tạo phi công và chuyên gia kỹ thuật Ukraine, triển khai dịch vụ hậu cần cho máy bay này trước khi chiến dịch phản công kết thúc. Dự kiến, Ukraine sẽ nhận được F-16 trong năm nay, song Politico (Mỹ) cho biết việc này là không khả thi.
Quan chức này cũng cho rằng, dù phần lớn lực lượng trên bộ của Nga đang tham gia hoạt động quân sự tại Ukraine, song các lực lượng còn lại của Điện Kremlin vẫn là một mối đe dọa. Ông nói: “Chúng tôi tin người Nga sẽ tái cơ cấu. Các kế hoạch được xây dựng không dựa trên tình trạng thực tế của quân đội Nga. Thay vào đó, chúng dựa trên tình trạng quân đội Nga trước khi họ đưa quân tới Ukraine”.
Đô đốc Bauer nhận định Nga “sẽ rút ra các bài học” từ xung đột và NATO “sẽ tiếp tục coi Nga là mối đe dọa nghiêm trọng”, ở trên biển, trên không và trên vũ trụ, nơi lực lượng vũ trang Nga “vẫn rất có năng lực”, ngoài vũ khí hạt nhân.
Về tiến độ phản công của VSU, ông Rob Bauer nêu rõ: “Cuộc phản công này sẽ rất khó khăn. Đừng ai coi đây chỉ là cuộc dạo chơi. Nó sẽ không bao giờ như vậy…” Quan chức NATO nhận định VSU đã đúng khi thận trọng để tránh thương vong cao khi họ thăm dò khả năng đột phá phòng tuyến. Do đó, vị tướng này cho biết Ukraine không nên bị chỉ trích vì chưa thế tiến quân nhanh hơn.
Đánh giá này của Tướng Rob Bauer có phần tương đồng với Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley. Trước đó, ông Milley từng nhận định cuộc phản công của Kiev sẽ còn khó khăn và kéo dài. (Politico/Sputnik)
* Bộ trưởng Đức: Ukraine sớm nhận hàng chục xe tăng Leopard: Ngày 3/7, trả lời phỏng vấn hãng tin Rzeczpospolita (Ba Lan) Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Trong những tuần tới, hàng chục xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 A5 do Đức và Đan Mạch cung cấp sẽ được chuyển đến Ukraine”.
Bên cạnh đó, ông Pistorius đã đề cập đến một gói viện trợ quân sự cho Kiev được chuẩn bị hồi tháng Năm trị giá 2,7 tỷ EUR (3 tỷ USD), dự kiến bao gồm các loại vũ khí cần thiết khác, cũng như các hệ thống phòng không IRIS-T SLM bổ sung. (Sputnik)
TIN LIÊN QUAN | |
Xung đột Nga-Ukraine: Kiev sẽ không được ‘tiếp tế’ F-16, NATO nhận định gì về lực lượng Moscow? |
* Bộ trưởng Tài chính Mỹ gặp Đại sứ Trung Quốc: Ngày 3/7, các quan chức Mỹ thông báo Mỹ thông báo cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã gặp Đại sứ Trung Quốc Tạ Phong. Theo đó, hai quan chức đã “thảo luận thẳng thắn và xây dựng” bao trùm các vấn đề toàn cầu và khu vực. Cuộc gặp gỡ trên diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm của bà Yellen trong tuần này. (Reuters)
* Chuyên gia: Mỹ-Trung cần khôi phục sự tin cậy “bằng mọi giá”: Ngày 3/7, phát biểu ở Bắc Kinh trong khuôn khổ Diễn đàn Hòa bình Thế giới, ông Daniel Russell, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về châu Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đã nhận định về quan hệ Mỹ-Trung hiện nay.
Ông cho biết bế tắc về an ninh giữa Trung Quốc và Mỹ đã trở thành “đám mây đen”, ảnh hưởng đến sự ổn định và phục hồi của khu vực. Theo nhà ngoại giao này, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược thêm gay gắt, Bắc Kinh và Washington đã cáo buộc nhau vi phạm luật pháp quốc tế, tìm cách bá quyền và đe dọa lợi ích của các nước đang phát triển, cũng như hòa bình và ổn định trong khu vực.
Ông Russell lưu ý: “Điều này chứng tỏ Mỹ và Trung Quốc đã trở thành những quốc gia ngày càng thù địch và nghi ngờ lẫn nhau. Các chính phủ đều nghĩ họ đang bảo vệ hiện trạng cũng như các quyền hợp pháp. Mỗi bên đều coi hành động của mình là hợp pháp và nhằm mục đích phòng vệ”.
Nhà ngoại giao này cảnh báo nếu không có đối thoại, lòng tin và sự minh bạch, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh sẽ rơi vào vòng xoáy đi xuống và nghi ngờ ý định chiến lược của bên kia, khiến láng giềng hết sức quan ngại. Khi đó, “khủng hoảng có thể dẫn đến xung đột, dù không bên nào mong muốn”. (SCMP)
TIN LIÊN QUAN | |
Trung Quốc: Kiểm soát xuất khẩu là phù hợp, không nhằm vào quốc gia cụ thể nào |
* Đại sứ quán Nga sẽ trả đũa động thái của Mỹ bằng các lệnh hạn chế: Ngày 4/7, viết trên Telegram, Đại sứ quán Nga tại Washington nêu rõ: “Chúng tôi đã ghi nhận các tuyên bố trên phương tiện truyền thông. Theo đó, điều kiện làm việc của người Mỹ tại Moscow còn tồi tệ hơn điều kiện làm việc của các nhà ngoại giao Nga tại đây. Lần này, luận điểm như vậy đang được quảng bá bởi New York Times nổi tiếng, tờ báo đã nhiều lần từ chối đăng tải các chính sách đối ngoại của Nga”.
Cơ quan này cũng nhấn mạnh: “Tất cả các hạn chế được áp đặt đối với các nhân viên cơ quan ngoại giao Mỹ tại Moscow chỉ để trả đũa hạn chế của Washington, vốn tạo ra, một cách có hệ thống, khó khăn vô lý cho chúng tôi ở Mỹ”. (TASS)
TIN LIÊN QUAN | |
Lệnh trừng phạt chống Nga: Chiến dịch phản công ồ ạt từ phương Tây, ‘trúng đòn hiểm’, Moscow cũng khó đỡ |
Đông Nam Á
* Thái Lan có Chủ tịch Hạ viện mới: Sáng 4/7, tại tòa nhà Quốc hội ở Bangkok, Hạ viện Thái Lan khóa 26 đã họp phiên đầu tiên với sự tham dự của 496/500 nghị sĩ, với nhiệm vụ quan trọng là bầu ra Chủ tịch và hai Phó Chủ tịch Hạ viện.
Sau thỏa thuận đạt được trong liên minh tiềm tàng do đảng Tiến bước (MFP) đứng đầu, lãnh đạo đảng Prachachat, Wan Mohamad Noor Matha, đã được đề cử làm ứng cử viên duy nhất và do đó, đắc cử Chủ tịch Hạ viện khóa mới. Theo quy định của Thái Lan, Chủ tịch Hạ viện cũng đồng thời là Chủ tịch Quốc hội.
Trong phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch Quốc hội Wan Noor cam kết sẽ trung lập về chính trị theo lời chỉ dạy của Quốc vương Maha Vajiralongkorn, làm việc trung thực, tuân thủ luật pháp và các quy định của Quốc hội. (TTXVN)
TIN LIÊN QUAN | |
Campuchia sẵn sàng cho kỳ bầu cử kéo dài 3 tuần |
Đông Bắc Á
* Nhật Bản, EU tăng cường hợp tác về chất bán dẫn: Ngày 4/7 tại Tokyo, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura và Ủy viên châu Âu về thị trường nội địa Thierry Breton đã ký một Bản ghi nhớ (MoU) về phát triển cơ chế chia sẻ thông tin để ngăn chặn khả năng thiếu hụt nguồn cung chip. Tại buổi lễ, Tokyo cũng tập trung trao đổi thông tin về các khoản trợ cấp của chính phủ dành cho các công ty như một phần trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng dư cung chip. Ngoài ra, hai bên cũng đặt mục tiêu tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực, cũng như nghiên cứu và phát triển trong ngành.
Trước đó, hồi tháng Năm, Tokyo và Washington đã nhất trí tăng cường hợp tác phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo và khẳng định sự cần thiết phải củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua các cam kết đa phương như Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một sáng kiến kinh tế do Mỹ dẫn đầu được đưa ra vào năm ngoái, với sự tham gia của 14 quốc gia trong khu vực. (Kyodo)
TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản: Bổ nhiệm tân Thứ trưởng Quốc phòng, đưa AI vào trường học |
Châu Âu
* Tổng thống Nga: SCO cam kết tạo ra trật tự thế giới công bằng: Ngày 4/7, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) theo hình thức trực tuyến Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu rõ: “Tổ chức của chúng tôi cam kết chắc chắn xây dựng một trật tự thế giới thực sự công bằng và đa cực. Một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, nguyên tắc hợp tác tôn trọng lẫn nhau được công nhận rộng rãi của các quốc gia có chủ quyền, với vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc”.
Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh Moscow ủng hộ dự thảo tuyên bố chung của SCO, vốn “phản ánh các cách tiếp cận hợp nhất đối với các vấn đề quốc tế”. Đồng thời, Tổng thống Nga cũng ủng hộ việc trao tư cách thành viên SCO cho Belarus. (TASS)
* Ông Macron: “Đỉnh điểm” bạo loạn ở Pháp đã qua: Ngày 4/7, tại cuộc họp với thị trưởng của 220 thành phố chịu thiệt hại do bạo loạn, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh giá Paris đã trải qua “đỉnh điểm”, song vẫn cần duy trì sự thận trọng: “Đó có phải là sự bình yên trở lại lâu dài không? Tôi sẽ thận trọng, nhưng đỉnh điểm chúng ta phải chứng kiến trong những ngày trước có lẽ đã qua”.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Nội vụ Pháp, đêm 3/7, cảnh sát đã bắt giữ thêm 72 đối tượng, trong đó 24 đối tượng bị bắt giữ tại khu vực nội thành và xung quanh thủ đô Paris. Các đối tượng bạo loạn đã phóng hỏa và gây hư hại 24 tòa nhà, đốt phá 159 phương tiện xe và gây ra 202 đám cháy tại các khu vực công cộng khác trong đêm. Những đối tượng quá khích cũng tấn công 4 văn phòng và trụ sở của lực lượng an ninh. Tương tự hai đêm trước đó, Pháp đã tiếp tục triển khai 45.000 nhân viên an ninh khắp cả nước để ứng phó với tuần hành tình bạo lực. (AFP)
* Anh không muốn hạ cấp quan hệ ngoại giao với Nga: Ngày 4/7, nhận định về khả năng này, Đại diện thường trực của Anh tại Liên hợp quốc Barbara Woodward bày tỏ: “Sẽ thật đáng tiếc nếu hạ cấp quan hệ, bởi khi… Nga rút khỏi Ukraine, điều rất quan trọng là phải tái thiết quan hệ bằng cách sử dụng quan hệ ngoại giao”. Bà cũng cho biết đã gặp Đại sứ Anh tại Moscow Deborah Bronnert trong chuyến thăm London mới đây. Theo Đại sứ Woodward, ông Bronnert đã đảm nhiệm “công việc phi thường” trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Trước đó, trong một bài bình luận trên Công báo Rossiyskaya (Nga) hôm 2/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho biết xứ bạch dương có thể đình chỉ quan hệ ngoại giao với một số quốc gia, trong đó có Anh. (TASS)
* Georgia: Ukraine “xúc phạm” Đại sứ của Tbilisi: Ngày 4/7, đảng cầm quyền của Georgia đã chỉ trích Kiev có hành động “xúc phạm” Đại sứ của Tbilisi. Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triệu Đại sứ George Zakarashvili, yêu cầu quan chức này “rời Ukraine trong vòng 48 giờ để tổ chức cuộc tham vấn với chính quyền của mình” về cách đối xử với cựu Tổng thống Mikheil Saakashvili, điều đã gây ra những lo ngại quốc tế.
Yêu cầu trên được ông Zelensky đã đưa ra yêu cầu trên khi ông Saakashvili, Tổng thống Georgia nhiệm kỳ 2004-2013 và hiện là công dân Ukraine, hôm 3/7, xuất hiện trên truyền hình Georgia lần đầu tiên sau nhiều tháng. Cựu Tổng thống 55 tuổi – người đã bị giam giữ khi trở về Georgia sau khi sống tị nạn ở Ukraine vào năm 2021 – đã giảm hơn một nửa trọng lượng. Các bác sĩ cho biết ông đứng trước nguy cơ tử vong vì một số bệnh mà ông mắc phải trong quá trình giam giữ. (AFP)
TIN LIÊN QUAN | |
Bạo loạn ở Pháp: Thị trưởng bị tấn công, du khách Trung Quốc chịu ảnh hưởng |
Trung Đông-Châu Phi
* Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập khôi phục quan hệ ngoại giao: Ngày 4/7, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này và Ai Cập đã nâng cấp quan hệ ngoại giao tới cấp Đại sứ và nhất trí bổ nhiệm các Đại sứ tại hai nước. Cụ thể, Bộ trên xác nhận hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương theo thỏa thuận đạt được giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và người đồng cấp Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi.
Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã bổ nhiệm ông Salih Mutlu Sen làm Đại sứ tại Cairo, trong khi Ai Cập bổ nhiệm ông Amr Elhamamy làm Đại sứ tại Ankara. (Reuters)