Ông Ngô Văn Biên ở xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa được ví như là "Vua dê" ở tỉnh Bắc Giang khi đang nuôi đàn dê 2.000 con. Giống dê do anh Biên nuôi có xuất xứ từ Nam Phi-giống dê Boer, mỗi tháng xuất bán ra thị trường 60 tấn dê hơi, thu lãi trên 2 tỷ đồng/năm.
Video: Ông Ngô Văn Biên, nông dân nuôi dê Nam Phi (giống dê Boer) ở xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) chăm sóc đàn dê hàng nghìn con.
Những ngày đầu tháng 2, ông Biên 52 tuổi, đang tất bật cùng vợ chăm sóc, căng bạt để che chắn, đồng thời phối trộn thức ăn được lấy từ thân cân chuối để tăng sức đề kháng cho đàn dê 2.000 con trong những ngày giá rét.
"Tháng 12 âm lịch vừa qua tôi xuất bán 1.000 con dê thịt, trọng lượng trên 50 tấn ra thị trường phục vụ người dân cdịp Tết, với giá 140.000 đồng mỗi kg. Sau Tết, tôi tiếp tục xuất bán dê cho các nhà hàng khắp miền Bắc, mỗi ngày hơn 5 tạ dê hơi", ông Biên nói và giải thích hết kỳ nghỉ Tết khi các nhà hàng mở cửa trở lại nhu cầu của thị trường tiếp tục tăng cao.
Người nông dân có thân hình dong dỏng, bước nhanh thoăn thoắt cho biết, mô hình nuôi dê nhốt chuồng đang được nhiều nơi áp dụng với chi phí đầu tư thấp nhưng thu về hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, ông Biên đang nuôi giống dê Nam Phi hay còn gọi là dê Boer - một giống dê có nguồn gốc ở Nam Phi với đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, dễ nuôi, phàm ăn và cho sản lượng thịt nhiều.
Ông Ngô Văn Biên ở xã Toàn Thắng, huyện Hiệp Hòa được ví như là "Vua dê" ở tỉnh Bắc Giang khi nuôi đàn dê 2.000 con (giống dê Boer) thu lãi trên 2 tỷ đồng mỗi năm. Ảnh: Bình Minh
Trò chuyện với Dân Việt, ông Biên không thể nào quên những năm tháng khó khăn và cơ duyên đến với nghề nuôi dê của mình. Vào năm 2000, ở Hiệp Hòa và một số huyện của tỉnh Bắc Giang có phong trào chở lợn con bằng xe máy lên miền núi bán rong.
Ngày đó anh có chiếc xe máy hiệu Mink, gần như chạy liên tục, mỗi tuần vài chuyến lên Bắc Kạn, Cao Bằng. Đầu tiên thì khách mua trả tiền ngay, sau có người quen rồi thì bán chịu, cho họ chuẩn bị tiền để chuyến hàng sau lên thì thu nợ.
Ở Bắc Kạn có một người mua lợn về nuôi, nhưng không có tiền trả, sau đó đã gán nợ cho ông bằng một con dê. Lúc bấy giờ ở Bắc Giang chưa có quán dê nào, dê thời điểm đó rất hiếm và đắt đỏ so với loại thịt khác, ít người dám ăn thịt dê, vì vậy mà rất khó tìm khách mua, không biết làm thế nào để bán được.
Sau đó có người giới thiệu ở thành phố Thái Nguyên có nhà hàng thu mua dê, vậy là ông chở tới đó bán và cũng từ đó thành người chuyên cung cấp dê cho nhà hàng này.
Từ chỗ bị ép phải lấy dê trừ nợ, nhận thấy việc mua dê thịt từ miền núi về bán có lãi, ông đã thường xuyên thu mua dê từ miền núi về bán. Những năm sau đó, thịt dê phổ biến hơn, ông đã tìm đến các nhà hàng khác ở Thái Nguyên, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang và nhiều tỉnh ở miền Bắc để xin cung cấp dê thịt cho họ. Có thị trường ổn định, ông Biên đã bỏ hẳn nghề buôn lợn để chuyển sang buôn bán dê.
Hiện nay, ông Biên đang nuôi giống dê Boer - một giống dê có nguồn gốc ở Nam Phi với đặc điểm nổi bật là lớn rất nhanh, dễ nuôi, phàm ăn và cho sản lượng thịt nhiều. Ảnh: Bình Minh
"Ban đầu tôi nhập hàng ở Bắc Kạn, sau đó thì sang Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và khắp các tỉnh miền núi phía Bắc, cứ ở đâu có dê là tới mua.
Thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng ra khắp miền Bắc, rồi tiếp đó là trên toàn quốc và cứ ở đâu có nhu cầu cung cấp dê thịt là tôi đều đáp ứng được, nhiều thì chở cả xe tải, còn ít thì gửi hành theo xe khách", ông Biên chia sẻ.
Sau vài năm, ông Biên có nguồn cung cấp ổn định từ một số tỉnh miền núi biên giới phía Bắc về, có tháng nhập vào tới hơn 2.000 con dê, cung cấp cho các nhà hàng từ Bắc tới Nam. Phương tiện vận chuyển là những chiếc xe tải 2 – 3 chân có trọng tải lớn, có chuyến xe chở được khoảng 500 – 600 con dê.
Để chủ động nguồn cung, năm 2002, ông Biên đã bắt đầu chăn nuôi dê, vừa nuôi sinh sản và vừa nuôi vỗ béo. Theo đó, ông áp dụng phương pháp nuôi nhốt, thức ăn không chỉ có lá cây, cỏ, mà còn bằng cám chăn nuôi. Ông được biết đến là người đầu tiên ở Bắc Giang nuôi dê thương phẩm theo hình thức này.
Sau 25 năm làm nghề nuôi dê và buôn bán dê, ông Biên đang sở hữu 2 trang trại rộng 2.000 m2 và 1,6ha trồng cỏ, chuối làm thức ăn cho dê.
Mỗi tháng trang trại của ông Biên xuất bán 60 tấn dê hơi, giống dê Boer xuất xứ từ Nam Phi, cung cấp đi khắp các tỉnh miền Bắc và miền Nam. Ảnh: Bình Minh
Theo ông Biên, dê đẻ rất nhanh, cứ 2 năm là đẻ 3 lứa, nếu giữ lại nuôi hết thì không mất tiền vốn con giống, nhưng phải mất thờ gian từ 8 – 10 tháng mới xuất chuồng. Còn nuôi gột, tức mua dê choai hoặc dê gầy từ 20 – 22kg về vỗ béo, khoảng 4 tháng đạt 40kg, nhanh xuất chuồng và thu lãi cao.
Trong quá trình chăn nuôi và buôn bán dê, ông Biên cũng đã phải trải qua không ít khó khăn, nhất là trong giai đoạn 2020-2022 khi xuất hiện dịch Covid-19 đã làm cho ông một phen "điêu đứng", thiệt hại vài tỷ đồng. "Thời điểm đó, gần như tất cả các nhà hàng đều đóng cừa, nhu cầu của thị trường giảm sút nghiêm trọng, dê không bán được, tôi thiệt hại tiền tỷ", ông nói.
Để phát triển mô hình nuôi dê trên địa bàn huyện, năm 2022, Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đã tuyên truyền vận động, hướng dẫn thành lập và cho ra mắt HTX Chăn nuôi dê Cầu Hương với 8 thành viên do ông Biên làm giám đốc.
Bà Nguyễn Thị Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hiệp Hòa đánh giá, mô hình nuôi dê nhốt chuồng của HTX Chăn nuôi dê Cầu Hương sau hơn 2 năm đi vào hoạt động đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các thành viên. Mô hình của HTX cũng được nhiều nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm.
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi dê nhốt chuồng sau khi ra mắt HTX Chăn nuôi dê Cầu Hương năm 2022 ở huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ảnh: Vân Anh
Theo bà Hiền, từ thành công của mô hình nuôi dê nhốt chuồng của HTX Chăn nuôi dê Cầu Hương sẽ mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân trên địa bàn huyện Hiệp Hòa.
Nguồn: https://danviet.vn/ty-phu-bac-giang-la-mot-ong-nong-dan-nuoi-de-nam-phi-dac-san-so-luong-lon-nhat-tinh-lai-2-ty-nam-20250207105217889.htm
Bình luận (0)