Theo đó, tỷ lệ giải ngân đến cuối tháng 11.2023 đạt 47% kế hoạch vốn tỉnh triển khai, bao gồm cả kế hoạch vốn kéo dài (đạt 61,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Ngày 5.12, UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trước đó, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân các tháng cuối năm 2023, kiểm soát thanh toán vốn tạm ứng.
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các địa phương, chủ đầu tư tiếp tục triển khai nghiêm túc, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại các văn bản đốc thúc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; tranh thủ thời gian còn lại của năm 2023, tập trung hoàn thành tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ, nghiệm thu thanh toán khối lượng để bảo đảm đến hết ngày 31.12.2023 giải ngân 100% số vốn được phép kéo dài năm 2022 sang năm 2023; đến hết ngày 31.1.2024 đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất kế hoạch năm 2023 đã được giao theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với đó, các chủ đầu tư kiểm soát khối lượng nghiệm thu thanh toán cho nhà thầu thi công, tránh trường hợp nhà thầu thi công tạm ứng vốn nhưng không triển khai thi công hoặc triển khai thi công, thực hiện thanh toán nhưng không thu hồi tạm ứng, dẫn đến dư nợ tạm ứng kéo dài…
Theo UBND tỉnh Quảng Bình, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng Quảng Bình đã có 17/21 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế – xã hội đạt và vượt kế hoạch, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt khoảng 7,2%; thu ngân sách đạt trên 5.700 tỉ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.
Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, nguyên nhân việc giải ngân vốn đầu tư công tại Quảng Bình đạt thấp được giải thích là do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, như: giá cả nguyên, nhiên vật liệu biến động; công tác giao kế hoạch một số nguồn vốn còn chậm (như nguồn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội); quy trình thủ tục thực hiện các dự án ODA phức tạp hơn so với dự án trong nước; tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn chương trình mục tiêu quốc gia chưa đồng bộ, kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng được nói đến, như công tác khảo sát, thiết kế một số dự án chưa tốt, chưa kỹ, một số dự án kéo dài quá lâu dẫn đến phải điều chỉnh mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án; một số dự án thời gian thẩm định hồ sơ kéo dài, nhất là thủ tục bổ sung danh mục đấu nối vào quốc lộ, đường BOT, thẩm định giá, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy… Cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương còn chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo giải ngân vốn đâu tư công, công tác giải phóng mặt bằng…